(HBĐT) - Là xã thuần nông, trước năm 2000, cả xã chưa có đến 10 người biết nghề xây dựng, việc xây một bờ giếng, ngăn chuồng lợn, cái sân... cũng phải nhờ đến thợ nơi khác. Nay ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã hình thành các tổ, đội xây dựng đủ sức đảm đương xây dựng các công trình dân dụng quy mô nhỏ. Với các vùng khác ở miền xuôi, nghề xây dựng có từ lâu đời, song ở Hương Nhượng đây là ngành nghề mới ra đời và đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM.
Hương Nhượng có 8 xóm, phố với 813 hộ, 3.597 nhân khẩu, người dân tộc Mường chiếm 95,73%, có 1.799 người trong độ tuổi lao động.
Từ số lượng ít ỏi, đến nay, cả xã có 17 đội thợ với hơn 100 người làm nghề thợ xây, trong đó có khoảng 30 người có năng lực được gọi là “thợ cả”. Tự tin vào tay nghề họ tổ chức các nhóm lao động có tay nghề tự đứng ra nhận thầu xây dựng các công trình dân dụng như: nhà ở, trường học, mương máng... Từ những người thợ đã dần hình thành các đội xây dựng do người thợ có tên tuổi đứng đầu tập hợp tạo được uy tín như đội thợ của các ông: Quách Văn Linh, Quách Văn Nhu, Bùi Văn Tiển, Bùi Văn Hấy ở xóm Bưng; Bùi Văn ược ở xóm Hương Hòa; Bùi Văn Quyền ở xóm Chum... Đây là sự dịch chuyển lao động từ sản xuất thuần nông sang các lĩnh vực khác cho thu nhập cao hơn, là dấu hiệu đáng mừng trong xây dựng NTM ở xã.
Từ chỉ xây dựng được các ngôi nhà cấp 4 nay có những đội thợ đã xây được các công trình kiên cố cao 2 - 3 tầng, xây dựng các bể chứa nước dung tích vài chục m3. Đã có những đội thợ xây được nhà sàn bê - tông cột đúc tròn với hệ thống khung xà rất phức tạp. Điển hình như đội thợ của ông Quách Văn Linh nổi tiếng khắp vùng hàng năm xây từ 5 - 6 công trình trong và ngoài xã, thu về khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Đội thợ do ông Bùi Văn Hấy đứng đầu liên kết với nhà thầu xây dựng các công trình công ích lớn như: hội trường, trường học trong xã và trong vùng. Ngày công mỗi thợ bình quân từ 180.000 - 200.000 đồng, thợ phụ hồ từ 130.000 - 150.000 đồng /ngày. Tính ra, hàng năm các đội thợ ở xã Hương Nhượng đóng góp vào tổng thu nhập toàn xã khoảng 3 - 4 tỉ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, chiếm khoảng 7% tổng lao động trong xã. Do đặc thù nghề xây dựng về mùa mưa gần như dừng hẳn, song lại đẩy mạnh về mùa khô. Bình quân một thợ xây ở Hương Nhượng hàng năm có việc làm từ 150 - 200 ngày, thu nhập khoảng 22 - 50 triệu đồng.
Các thành viên trong tổ đổi công giúp nhau xây nhà cho các thành viên trong tổ. ở xóm Hương Hòa có đội xây dựng của ông Bùi Văn ược, Bùi Văn Thực, năm 2014 giúp xây xong ngôi nhà sàn cột bê tông đúc tròn trị giá gần 300 triệu của hộ ông Bùi Văn Thực. Năm nay đang đổi công giúp xây dựng ngôi nhà của ông Bùi Văn ược với diện tích mặt bằng ước tính 50 - 60 m2. Đặc biệt có người thợ như: Bùi Văn Tuấn, Bùi Văn Tiển... ở xóm Bưng một mình tự thiết kế, tự làm được ngôi nhà sàn bê tông cột đúc tròn có diện tích sử dụng hơn 60 m2, trị giá mỗi nhà hơn 200 triệu đồng. Hàng năm, trong toàn xã có 3 - 5 công trình nhà ở, công trình phụ được xây dựng bằng hình thức đổi công hoặc những người biết nghề tự xây cho mình. Tính ra từ năm 2010 - 2015, hàng năm bình quân ở xã Hương Nhượng có khoảng 15 - 20 công trình nhà ở kiên cố được các đội thợ xây trong xã xây dựng. Nhờ đó tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, góp phần xây dựng bộ mặt NTM ngày càng có nhiều công trình to đẹp, khang trang, bền vững hơn.
Chất lượng nguồn lao động là điều quan trọng trong xây dựng NTM, các đội thợ xây ở xã Hương Nhượng hoàn toàn tự phát do nhu cầu của cá nhân và cuộc sống. Họ đều là những người thợ cần cù, chịu khó, ham học hỏi... Tuy nhiên, các đội thợ xây ở xã Hương Nhượng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, đó là những người có kiến thức chắp vá, không chính quy, bài bản. Các đội thợ không ổn định, lao động theo mùa vụ và quy mô công trình... Vì thế nên tính công nghiệp trong quản lý thời gian lao động, quản lý nhân sự lỏng lẻo. Điều này làm ảnh hưởng tới thu nhập và rất khó trong liên kết sản xuất kiểu như hình thành các tổ hợp tác hay cao hơn là các HTX hay các công ty, do đó, quyền lợi người lao động không được đảm bảo theo Bộ luật Lao động. Các nhà đầu tư hay chính quyền không thể trực tiếp giao thầu cho các đội thợ vì họ không có pháp nhân, không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà chỉ giao thầu qua trung gian, từ trung gian mới giao thầu cho các đội thợ làm phát sinh các chi phí khác.
Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã mở nhiều lớp dạy nghề cho nông dân về sửa máy nông nghiệp, dạy nghề trồng nấm... song chưa có một lớp dạy nghề xây dựng. Từ thực tế, các đội thợ và người thợ ở xã Hương Nhượng mong muốn Nhà nước mở các lớp dạy nghề xây dựng tại xã... Từ đó, họ được nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề để có thể tiếp cận, hình thành các liên kết tạo pháp nhân.
Bùi Huy Vọng
(Xã Hương Nhượng - Lạc Sơn)
(HBĐT) - Là xã vùng 135 nhưng với những điều kiện tự nhiên thuận lợi như địa bàn chạy dọc theo tuyến quốc lộ 12B, thuận tiện giao thông và buôn bán, có nguồn lao động dồi dào, cần cù, giàu kinh nghiệm, có trình độ thâm canh cao, Vĩnh Tiến (Kim Bôi) được xem là xã có xuất phát điểm tốt để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai, đến nay, xã mới đạt 5 tiêu chí là quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, giáo dục, hệ thống chính trị xã hội và ANTT.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Huyên, Trưởng phòng NN &PTNT cho biết: Yên Thủy là vùng đất còn nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi yếu và thiếu đồng bộ, lại luôn hứng chịu sự bất lợi của thiên nhiên, chưa mưa đã úng, lũ, vừa nắng đã hạn. Để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Yên Thủy đang quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2015-2016.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng NTM, UBND xã Phú Cường (Tân Lạc) đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và tập trung chỉ đạo phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy nội lực trong nhân dân, huy động nguồn lực từ các dự án, chương trình để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
(HBĐT) - Chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi đợt 2, năm 2015, toàn tỉnh có kế hoạch huy động 274.000 công, đào đắp 236.000m3 đất đá, phát dọn 875.000m2 kênh mương, mái đập. Chiến dịch làm thuỷ lợi đã được các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai, thực hiện để phục vụ sản xuất vụ đông – xuân năm 2015 – 2016.
(HBĐT) - Sáng 2/12, Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 130 học viên là cán bộ Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Với phương châm “Chữ tín quí hơn vàng”, người dân Cao Phong xác định hai yếu tố chính phải luôn duy trì để giữ vững thương hiệu cam Cao Phong đó là ngon và sạch. Để cho ra những trái cam chín vàng, căng mọng và tuyệt đối sạch thì người nông dân Cam Phong đã ý thức, nghiêm chỉnh thực hiện theo một quy trình canh tác đạt chuẩn.