Đoàn công tác kiểm tra tình hình gieo cấy lúa xuân trên địa bàn thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình gieo cấy lúa xuân trên địa bàn thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ.

(HBĐT) - Ngày 19/2, tại huyện Lạc Thủy, đoàn công tác của Sở NN&PTNT do đồng chí Trần Văn Tiệp, TUV, Giám đốc Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân năm 2016.

 

Đến ngày 18/2, toàn huyện đã cơ bản hoàn tất khâu làm đất phục vụ gieo trồng các loại cây cơ bản, tổng diện tích gieo trồng khoảng 1.166 ha, đạt 25,5% kế hoạch. Trong đó, cây lúa đã cấy khoảng 648 ha, đạt 43,8% kế hoạch, phấn đấu cấy xong trong tháng 2/2016; cây ngô đã trồng khoảng 265 ha, đạt 22,8% kế hoạch; các loại cây trồng khác đã trồng 253,5 ha, kế hoạch trồng xong trước 15/3, khung thời vụ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đề ra. Cùng với nỗ lực triển khai đúng tiến độ sản xuất trồng trọt, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm để duy trì ổn định đàn vật nuôi; đồng thời chú trọng công tác thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, quản lý và bảo vệ rừng. Đặc biệt, vừa qua, huyện Lạc Thủy đã hoàn thành vượt 7,14% kế hoạch thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Bính Thân 2016 với trên 22.500 cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây bóng mát các loại.

 

Làm việc với đoàn công tác Sở NN&PTNT, lãnh đạo UBND huyện Lạc Thủy cho biết thêm: Diễn biến thời tiết phức tạp đã ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Riêng đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 23-29/1/2016 đã làm thiệt hại trên 367 ha lúa, trên 15,8 tấn mạ đã gieo bị ảnh hưởng, gần 100 ha ngô, lạc, bí xanh, rau các loại phải trồng lại, 66 con trâu, bê, nghé, 35 con dê, trên 2.200 con gia cầm bị chết rét, ước thiệt hại trên 8,5 tỷ đồng… Dự kiến sẽ có gần 50 ha lúa, trên 140 ha màu có nguy cơ bị hạn cao. Chính vì vậy, thời gian tới UBND huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi những diện tích không chủ động được nước sang trồng các cây khác, hướng dẫn triển khai các phương án chống hạn để đảm bảo nước phục vụ sản xuất, đồng thời tăng cường các biện pháp chỉ đạo sản xuất khác để hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ xuân, tạo đà quan trọng để thực hiện thành công kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2016.

 

    *Tại huyện Mai Châu: Đoàn công tác Sở NN và PTNT đã kiểm tra tình hình sản xuất đầu vụ chiêm xuân 2016.  

  Ở đầu vụ này, sản xuất nông nghiệp của huyện gặp không ít khó khăn sau hậu quả của đợt rét đậm, rét hại với hơn 300 con trâu, bò, 6 ha lúa đã cấy bị chết rét. Hiện nay, toàn huyện cấy được 139ha/888ha tổng diện tích. Giá giống vật tư phân bón cung ứng cho hộ nông dân ổn định, bà con đã chuẩn bị gần 3.600 tấn phân chuồng, 177 tấn phân lân. Nguồn nước tưới hiện đảm bảo, diện tích lúa không chủ động được nguồn nước đã chuyển sang trồng cây màu khác. Thực hiện kế hoạch trồng rừng, các xã, thị trấn đã chuẩn bị cây giống bản địa với số lượng hơn 7.100 cây.

 

   Đoàn đã nắm bắt tình hình sản xuất tại các xã Chiềng Châu, Mai Hịch, đồng thời lưu ý huyện đây là vụ sản xuất quan trọng, quyết định hoàn thành kế hoạch về sản lượng cả năm.Vì vậy, cần tăng cường công tác bảo vệ thực vật, điều tiết nước hợp lý đối với diện tích lúa đã cấy, tuyên truyền vận động bà con cấy đúng thời vụ, không cấy chay, phấn đấu cấy xong trà muộn trước ngày 10/3. Về chăn nuôi, tuyên truyền hộ chăn nuôi phát triển diện tích trồng cỏ nuôi đại gia súc, che chắn chuồng trại và chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi. 

 

 

 

           Nông dân xóm Lác, xã Chiềng Châu tập trung cấy lúa vụ chiêm xuân.

 

*Tại huyện Tân Lạc: Trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, sản xuất vụ chiêm xuân của huyện gặp bất thuận do chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại. Đến nay, diện tích lúa chiêm và cây trồng vụ xuân đã được chăm sóc, phục hồi. Diện tích phấn đấu gieo trồng toàn vụ trên 8.355ha, trong đó 1.800 ha lúa chiêm, đã cấy trên 100 ha, trồng 800 ha mía. Huyện dự kiến chuyển đổi trên 800 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn trong năm 2016. Về chăn nuôi, các xã, thị trấn đang khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau phục vụ Tết Nguyên đán. Công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được duy trì thường xuyên. Công tác điều tiết phục vụ sản xuất triển khai linh hoạt, đảm bảo tiết kiệm và phục vụ làm đất gieo trồng. Tại buổi làm việc, các kiến nghị, đề xuất của huyện về  chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình thuỷ lợi, vốn hỗ trợ triển khai kế hoạch trồng rừng phòng hộ, kinh phí phân bổ chương trình MTQG về xây dựng NTM... được đoàn kiểm tra ghi nhận, tổng hợp. Đoàn cũng nắm bắt tình hình sản xuất, kiểm tra khả năng cấp nước tưới tại công trình hồ chứa Bông Canh, xã Mãn Đức.

 

 

 Đoàn kiểm tra việc hệ thống cấp nước tưới phục vụ sản xuất chiêm xuân 2016.

 

* Tại huyện Đà Bắc: Đoàn công tác Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy lợi trên địa bàn huyện.

 

Vụ Đông xuân năm 2016, toàn huyện Đà Bắc có kế hoạch gieo trồng tổng diện tích 5.150 ha các loại cây, trong đó, câu lúa nước đạt 920 ha. Tính đến nay, các địa phương đã làm xong đất, mạ đã ngâm, ủ, gieo 48 tấn, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, lúa thuần chiếm 75%. Các loại giống, phân bón và một số vật tư khác phục vụ sản xuất cũng được chuẩn bị đầy đủ. Hiện tại, toàn huyện đã cấy được trên 46ha, đạt khoảng 5 % diện tích. Thời tiết xuống còn 20c làm thiệt hại trên 0,6 tấn giống lúa của người dân, tập trung ở các xã Giáp Đắt và Hào Lý. Huyện Đà Bắc chỉ đạo các xã đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Đối với những khu vực nguy cơ bị hạn cao, UBND huyện chỉ đạo vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa, cây mầu kém giá trị sang cây trồng có giá trị cao. Đối với chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc , gia cầm tương đối ổn định. Nuôi trồng thủy sản trên ao, hồ, đập, nuôi cá lồng, khai thác, đánh bắt thủy sản trên đà phát triển, người dân tận dụng lợi thế sẵn có với khoảng 6.000ha mặt nước không ngừng mở rộng, nhất là lĩnh vực nuôi cá lồng. Cây giống triển khai trồng rừng được chuản bị chu đáo, huyện Đà Bắc phấn đấu đảm bảo bằng và vượt kế hoạch 800 ha rừng trồng mới trong năm.

 

Huyện cũng kiến nghị đoàn công tác đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh có các chính sách ưu đãi người dân ở vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ thêm về giống cây trồng, phân bón và hỗ trợ kinh phí chống hạn, thực hiện việc tu sửa, xây mới hệ thống các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng và kiên cố hóa hệ thống kênh mương.

 

 

Đoàn công tác Sở NN&PTNT đến kiểm tra sản xuất tại xã Cao Sơn (Đà Bắc).

 

 

* Tại huyện Kỳ Sơn: Để triển khai kế hoạch sản xuất năm 2016, UBND huyện Kỳ Sơn đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị đủ giống theo diện tích đề ra với khối lượng giống gieo là 46,10 tấn, chất lượng giống đảm bảo. Cơ cấu giống lúa lai chiếm khoảng 40%, lúa thuần chiếm 52%, các giống địa phương 8%. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, rét hại khiến cho một số địa phương thiệt hại 7,65 tấn mạ, 74,4 ha lúa cấy bị chết rét. Mặc dù vậy, các địa phương đã kịp thời gieo bổ xung đảm bảo đúng thời vụ cấy.  Tiến độ cấy toàn huyện hiện đạt 650 ha, bằng 65% kế hoạch. Dự kiến đến khoảng 5/3/2015 toàn huyện sẽ hoàn thành cấy lúa vụ xuân.

 

Nhằm chủ động với diễn biến thời tiết bất thường, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý chặc chẽ các nguồn nước, điều tiết sử dụng nước tiết kiệm. Do thời tiết diễn biến phức tạp, toàn huyện hiện có trên 408 ha bị hạn, trong đó, cây lúa có diện tích 176 ha, cây mầu hạn 232 ha. Huyện cũng đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục, ứng phó….Các địa phương tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối đến mặt ruộng….

 

Huyện đang khẩn trương kế hoạch triển khai đồng loạt trồng rừng, phấn đấu đảm bảo kế hoạch 450 ha đề ra. Các đơn vị chức năng trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra toàn diện các hồ chứa nước trên địa bàn, kịp thời sửa chữa, nâng cấp 5 công trình trong năm 2015 bàn giao đưa vào sử dụng vụ xuân năm 2016. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đang đi đúng hướng. Toàn huyện hiện có tổng đàn gia súc gần 38.600 con, trong đó, đàn trâu gần 3.500 con, đàn bò 2.170 con, đàn lợn trên 26.660 con, đàn dê trên 1.600 con….Tổng đàn gia cầm đạt gần 337 nghìn con. Diện tích thủy sản nuôi thả cá trên 135 ha, trong đó, diện tích nuôi thả cá 54,5ha, nuôi thả cá trên ao hồ, đạp là 87ha.

 

Huyện cũng kiến nghị UBND tinh hỗ trợ thêm vắc xin tiêm phòng dịch bệnh lở mồm lonh móng gia súc, hỗ trợ kinh phí cho mạng lưới cán bộ bảo vệ thực vật của xã, thị trấn và huyện. Hỗ trợ kinh phí cho các hộ có gia súc, các diện tích mạ, lúa cấy bị chết rét, tạo điều kiện cho các hộ gặp khó khăn có điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất.

 

* Tại huyện Lương Sơn: Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với UBND huyện Lương Sơn, nghe báo cáo và đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp trong, sau Tết Nguyên đán.

 

Theo kế hoạch diện tích gieo trồng vụ xuân 2016 của huyện là 4.550 ha, tính đến ngày 17/02 đã làm đất gieo cấy lúa được 1.988 ha, đạt 99, 36%. Tuy nhiên do thời tiết rét đậm nên có 10,9 tấn mạ bị chết rét, UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo UBND các xã chỉ đạo các hộ nông dân chủ động gieo lại để đảm bảo số lượng mạ và kịp vụ sản xuất. Tình hình cung ứng giống, vật tư phân bón phục vụ sản xuất đảm bảo, giá cả ổn định, chất lượng tốt kịp thời phục vụ cho sản xuất. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, màu đã được quan tâm chỉ đạo. Huyện đã chuyển trên 700 ha diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi phát triển khá, hiện đàn trâu, bò trên 14.700 con, đàn lợn gần 78.000 con, gia cầm trên 800.000 con, không có dịch lớn xảy ra, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm được đặc biệt chú trọng. Tổng diện tích nuôi thả cá là 360 ha, chủ yếu là nuôi thả trên các hồ, đập kết hợp với thủy lợi phục vụ sản xuất. Ra xuân, các xã, thị trấn đã đồng loạt tổ chức Tết trồng cây, toàn huyện trồng được 12.775 cây các loại.

 

Tại buổi làm viêc, huyện đã đưa ra những đề xuất với đoàn công tác như: UBND tỉnh sớm phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2016, bổ sung kinh phí để huyện sớm đạt chuẩn là huyện NTM vào năm 2020; ban hành các quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các quy định cụ thể, mức hỗ trợ để huyện bố trí hợp lý.

 

 

                 Đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Nhuận Trạch.

 

* Tại huyện Cao Phong:  Năm 2016, theo kế hoạch huyện Cao Phong gieo cấy 420 ha lúa, trên 1.600 ha màu. Đến thời điểm này đã làm đất được 100% diện tích, mạ đã gieo trên 23 tấn, hiện bà con nông dân đang khẩn trương cấy lúa đảm bảo khung thời vụ. Huyện đã chuyển đổi 130 ha diện tích đất lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao. Theo dự kiến, vụ xuân 2016, huyện Cao Phong có khoảng 50 ha lúa, 100 ha màu bị hạn. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị chức năng, tăng cường kiểm tra hồ, đập, đảm bảo điều tiết nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước tưới; chuẩn bị các loại máy bơm hút nước phục vụ cho công tác chống hạn. Theo lãnh đạo huyện Cao Phong, khó khăn nhất hiện nay của huyện là tình hình tiêu thụ mía. Với tổng số 2.700 ha mía lưu vụ năm 2015, đến nay, mới tiêu thụ được khoảng trên 16% diện tích, đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của bà con nông dân. Huyện Cao Phong đã có những giải pháp để tiêu thụ sản phẩm mía tím cho bà con nông dân, tuy nhiên còn gặp không ít khó khăn. Huyện Cao Phong đã đề xuất kiến nghị UBND tỉnh sớm giải ngân thực hiện chính sách theo Quyết định số 10/2015; ban hành qui định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hoà Bình; hỗ trợ kinh phí để nông dân chống hạn, sửa chữa nâng cấp hồ đập; xây dựng kênh mương phục vụ sản xuất.

 

 

Nông dân xã Tây Phong, Cao Phong tập trung gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ.

 

* Tại TP. Hòa Bình: Vụ xuân 2016, TP. Hòa Bình có kế hoạch gieo cấy 500 ha lúa, trong đó giống lúa lai chiếm 32%, lúa thuần chiếm 68%, đến thời điểm này đã cấy đạt 52% diện tích. Hiện, bà con nông dân đang tích cực xuống đồng cấy lúa nhằm đảm bảo khung thời vụ. Hiện nay dung tích nước tại các hồ chứa bằng 70% mức thiết kế, dự kiến TP.Hòa Bình có khoảng 250 ha bị hạn cục bộ cuối vụ. UBND TP. Hòa Bình đã chỉ đạo các xã, phường chủ động xây dựng phương án chống hạn; thường xuyên kiểm tra tình hình tích nước các công trình hồ, đập, điều tiết nước hợp lý. Đoàn công tác đề nghị lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chủ động chống hạn, phấn đấu thực hiện thắng lợi sản xuất vụ chiêm xuân 2016.

 

UBND TPHB đã đưa ra 4 đề xuất Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh giải quyết các vấn đề: Cấp kinh phí tiêm đủ mũi vắc xin cho đàn gia súc gia cầm; cấp kinh phí và ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ; cấp hỗ trợ kinh phí chống hạn; phân bổ kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2016.

 

 

               Đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Sủ Ngòi, TPHB.

 

 

                                                                         

                                                                         Nhóm P.V

 

 

 

Các tin khác


Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Giá vàng sáng 26/4

Ngày 26/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục