Gần 4 thập kỷ kể từ khi góp mặt lần
đầu tại ASIAD 1982, điền kinh Việt Nam giờ đây mới giải được "cơn khát
vàng" sau khi chỉ liên tục mang về những tấm HCB trên đường chạy, hố nhảy
châu lục do công của những Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Bùi Thị Thu Thảo,
Quách Thị Lan…
Góp mặt tại ASIAD 18 trên đất
Indonesia với số lượng VĐV kỷ lục (22) cùng vị thế số 1 Đông Nam Á, điền kinh
Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khi cả 5 huy chương (1 HCV,
1 HCB, 3 HCĐ) đều có chất lượng rất cao, thể hiện năng lực và trình độ của VĐV
khi phải tranh tài với nhiều đối thủ mạnh ở châu Á.
Đảm trách việc thay thế vị trí mà
đồng đội Nguyễn Thị Huyền để lại sau SEA Games 2017, Quách Thị Lan đã hoàn
thành tốt nhiệm vụ ở nội dung 400 m rào nữ khi 2 ngày xô đổ 2 kỷ lục quốc gia
(KLQG) đồng thời mang về HCB "quý như vàng". Cô gái quê Thanh Hóa đã
quyết định bỏ nội dung sở trường 400 m để dồn sức cho 400 m rào và thành công
ngoài mong đợi bởi chỉ xếp sau chân chạy gốc Nigeria của Bahrain và qua mặt
những đối thủ châu Á khác. Kể từ sau chuyến tập huấn tại Mỹ không thành công
như mong đợi năm nào, Quách Thị Lan (cùng anh trai Quách Công Lịch) đã chuyên
tâm tập luyện trong nước với HLV nội để liên tiếp thành công ở Giải Vô địch
châu Á, Grand Prix điền kinh châu Á 2017 và giờ đây là đấu trường ASIAD.
Đội tiếp sức 4 x 400 m nữ giành HCĐ
nhưng vượt qua hàng loạt đối thủ rất mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc
Ảnh: REUTERS
Chính HCB của Quách Thị Lan đã tạo
hưng phấn, thôi thúc đồng đội đàn chị Bùi Thị Thu Thảo trong phần thi của mình
sau đó 1 ngày. Trong chỉ tiêu 3-5 HCV mà đoàn Việt Nam đặt ra trước giờ lên
đường, duy nhất tấm HCV nhảy xa nữ được "mặc định" thuộc về Thu Thảo.
Cô gái quê Ba Vì, Hà Tây hội tụ mọi
điều kiện để bước lên vị trí cao nhất tại ASIAD 18, từ kinh nghiệm chinh chiến
dày dạn (giành HCB Incheon 2014) cho đến phong độ ổn định (giành HCV SEA Games
với 6,68 m và tiếp tục giành HCV với 6,55 m tại Giải Điền kinh quốc tế TP HCM
2018)… Đó là chưa kể các đối thủ của cô không cho thấy có sự tăng tiến vượt
trội về chỉ số chuyên môn suốt thời gian qua. Chừng ấy dữ kiện là quá đủ để Thu
Thảo trả được "món nợ" 4 năm trước với Natalia Londa để giành HCV với
thành tích 6,55 m ngay ở lần nhảy đầu tiên để mang về tấm HCV lịch sử cho điền
kinh Việt Nam.
Nguyễn Thị Oanh chỉ giành HCĐ nội
dung 3.000 m vượt chướng ngại nhưng vẫn kịp xô đổ KLQG với thành tích 9 phút 43
giây 83. Cô gái nhỏ nhắn đến từ Bắc Giang cũng suýt làm được điều kỳ diệu ở nội
dung 1.500 m nữ và dù chỉ xếp hạng 4, cô vẫn vượt qua KLQG của chính mình.
Tương tự, Vũ Thị Mến đã thi đấu tốt ở nội dung nhảy 3 bước với thành tích 13,93
m để giành HCĐ, ngang bằng với đối thủ người Thái Lan và chỉ chịu kém người
giành HCV là nhà vô địch thế giới và Olympic người Kazakhstan. Hay ê-kíp tiếp
sức 4 x 400 m nữ (Oanh, Hằng, Ngọc, Lan) khép lại kỳ đại hội thành công của
điền kinh Việt Nam với HCĐ thứ 3 khi vượt qua hàng loạt đối thủ rất mạnh như
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Xếp thứ 8 toàn đoàn về điền kinh,
ngang bằng với cường quốc thể thao Hàn Quốc và là quốc gia Đông Nam Á có thành
tích tốt nhất tại ASIAD 18, điền kinh Việt Nam cho thấy đang đi đúng hướng
trong việc tiếp cận và từng bước bắt kịp thành tích ở đấu trường châu lục. Năm
ngoái, điền kinh Việt Nam lần đầu xếp ở vị trí số 1 SEA Games 29, qua mặt cả
Thái Lan và lần này, ưu thế tiếp tục được khẳng định khi chúng ta xếp trên cả
Thái Lan lẫn Indonesia (không có HCV) trong khi nhóm các đối thủ mạnh trong khu
vực như Singapore, Malaysia và Philippines thậm chí còn không giành nổi tấm huy
chương điền kinh nào.
TheoNLD