Điểm xuất phát dù lượn tại đỉnh Bái Nhạ, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn).

Điểm xuất phát dù lượn tại đỉnh Bái Nhạ, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn).

(HBĐT) - Chưa bao giờ xã Chí Đạo và đỉnh núi Bái Nhạ, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) lại đông đúc, sôi động và vui nhộn đến vậy. Ngay từ sáng sớm ngày trung tuần tháng 11 vừa qua, con đường liên xã Chí Đạo đã chật cứng người, xe. Không khí y như ngày hội. Vài ngàn người dân từ khắp các xã trong huyện đến các huyện lân cận tạm gác công việc để được tận mắt chiêm ngưỡng những người chinh phục bầu trời. Họ là 43 phi công bay dù lượn đến từ 6 nước trên thế giới (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Đức, Pháp, Cộng hòa Séc) cùng thi tài với các phi công của 3 đoàn trong nước (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và chủ nhà Hòa Bình).

 

Đỉnh Bái Nhạ lộng gió. Gió thổi mạnh quá đến nỗi 7 lá cờ biểu tượng của các quốc gia tham dự cứ kêu phần phật. Ai nấy đều phải gập ô. Cánh phi công cũng phải nằm im trên bãi cỏ, giữ sức và chờ gió lặng bớt mới có thể cất cánh xuất phát. Song, đây cũng là cơ hội để làm quen và tâm sự chuyện nghề với cánh phi công. Một phi công nữ ở đoàn TP. Hồ Chí Minh ngồi bệt trên bãi cỏ, quấn khăn bịt kín mặt ngay cạnh tôi mở lòng: Môn thể thao này mạo hiểm lắm, nhất là đối với phái nữ. Nhưng nó mang lại cảm giác mạnh mà khi đã “sa chân” thì sẽ yêu mến đến nỗi không dứt ra được. Phụ nữ mà đã theo môn này hầu như cũng chỉ lấy được chồng cùng sở thích. Bởi việc luyện tập tốn nhiều thời gian lại hay đi đây, đi đó. Chồng chị cũng là phi công cùng đoàn. Hai vợ chồng cứ “chu du” khắp nơi. Còn phi công của Đoàn Hòa Bình quê huyện Lương Sơn Nguyễn Quang Chuẩn tâm sự: ở Hoà Bình có lẽ tôi là người đầu tiên dấn thân vào môn thể thao đòi hỏi sự dũng cảm, gan dạ này. Tôi gia nhập CLB dù lượn Hà Nội và cũng đã đi bay ở nhiều nơi từ Nam, chí Bắc. Riêng ở Hoà Bình đã đến 2 điểm là Đồi Bù và Bái Nhạ. Thiên nhiên quê ta là điểm đến hấp dẫn của cánh dù lượn. Khi bay bằng dù lượn sẽ nhìn cảnh vật từ một góc khác rất nhiều so với ngồi trên máy bay. Vì lúc đó mình bay lượn một cách tự do trên trời, làm chủ hoàn toàn và sẽ thấy được toàn cảnh vẻ đẹp bên dưới. Phi công Nguyễn Như Hoa, thành viên nữ của CLB Hà Nội cũng chia sẻ: Lúc đầu dù lên cao tôi sợ lắm, chỉ lẩm bẩm “mẹ ơi cho con xuống với..., bay thế này là đủ rồi”. Nhưng đến khi choáng váng vì vẻ đẹp của thiên nhiên nhìn từ trên cao mà thấy thật kỳ thú bởi mình đang ở giữa bao la trời đất, mọi bận tâm trong cuộc sống tan biến hết! Anh chàng phi công khá điển trai người Cộng hoà Séc Robert Machace có lẽ là người nước ngoài được bà con yêu mến nhất bởi anh rất thân thiện. Mặc dù đồng bào nói tiếng Mường anh không hiểu nhưng trong lúc đợi bay, anh luôn biểu diễn căng dù cho bà con xem để việc chờ bay đỡ tẻ nhạt. Anh nói với chúng tôi một câu bằng tiếng Anh rằng, bà con ở đây cũng thật thân thiện, điểm bay thì lý tưởng, hứa hẹn sẽ có nhiều đường bay đẹp!

 

        

                 Các phi công hạ cánh tại khu ruộng xã Chí Đạo (Lạc Sơn).

 

Lãnh đạo Tổng cục TD-TT (Bộ VH-TT&DL) đánh giá: dù lượn là hoạt động thể thao góp phần làm phong phú cho cả ngành thể thao lẫn du lịch trong nước. Giải vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức tại áo năm 1989. Hoà Bình là nơi tổ chức giải dù lượn chính thức đầu tiên của Việt Nam. Không phải nơi nào cũng có điểm bay đẹp thế này. Sau giải cũng có thể sẽ mở ra một cơ duyên kinh tế, cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” mạo hiểm của tỉnh phát triển. Dù lượn là cách đơn giản nhất để con người có thể bay lên được. Đây là môn mới được đưa vào Việt Nam hơn 10 năm nhưng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo thanh niên và đã có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng. Đặc biệt là sau kỳ SEA Games 26 tổ chức ở Indonesia năm 2011, đội tuyển dù lượn Việt Nam đã tham gia thi đấu trong chương trình đại hội. Đây là dấu mốc quan trọng đối với bộ môn mới mẻ nhưng hấp dẫn và đầy tiềm năng, triển vọng của thể thao Việt Nam. Phi công với trang thiết bị khoảng 15 kg gồm: dù, đai ngồi, dù dự phòng, các thiết bị điện tử, mũ bảo hiểm là đã có thể cất cánh bay như chim (không cần động cơ) thông qua việc tận dụng sức gió, chiều gió cùng niềm say mê để chinh phục bầu trời. Phi công ngồi vào một ghế may bằng những dây đai bền chắc, bên dưới một cánh dù làm bằng vải, được bơm căng đầy không khí để giữ hình dáng khí động học nhờ vào áp lực không khí khi dù di chuyển tràn vào các “xoang dù”. Khi điều khiển, phi công dùng tay kéo phần phía sau của dù bằng một sợi dây được gọi là dây phanh làm dù chuyển hướng hay tăng, giảm tốc độ. Cánh dù thường có diện tích khoảng 25-35m. Đây là một môn thể thao hàng không giải trí nhưng cũng không kém phần cạnh tranh mang tính chuyên nghiệp. Khi bay, phi công không những phải có những kỹ năng bay mà còn phải hiểu luật bay, quy tắc bay và quan trọng là đảm bảo an toàn... Buổi chiều hôm trước giải chính thức diễn ra đã có một phi công nữ CLB TP. Hồ Chí Minh khi bay thử đã bị luồng gió cuộn lên trên tầng mây, cố gắng mãi mới đáp được xuống một con suối trong rừng cách điểm bay chừng 20 km. Nhiều người coi dù lượn giống với nhảy dù nhưng có một sự khác biệt rõ rệt. Đó là các phi công nhảy dù từ trên cao xuống mặt đất, còn các VĐV dù lượn cất cánh từ mặt đất và dựa vào gió để bay lên cao.

 

Càng trò chuyện với những người gắn bó với môn dù lượn, chúng tôi càng háo hức để được tận mắt chứng kiến những con người chinh phục bầu trời Lạc Sơn. Đến gần trưa, gió đã lặng bớt, Nguyễn Quang Chuẩn vẫy tay chào chúng tôi và cùng các phi công khác bắt đầu chuẩn bị đồ nghề sẵn sàng cho việc cất cánh. Ai nấy đều hồi hộp, tim đập thình thịch khi phi công đầu tiên chạy đà, căng cánh và nhảy xuống từ đỉnh Bái Nhạ ngược theo hướng gió. Chỉ có tận mắt chứng kiến, ngửa cổ lên bầu trời nhìn các phi công bay lượn mới thấy hết sự hấp dẫn của môn thể thao này. Dọc con đường vắt ngang sườn núi, từng tốp người dân cũng dõi lên bầu trời chiêm ngưỡng những đường bay và trầm trồ thán phục. Nhiều phi công bay lên cao, bay xa mà nhìn từ đỉnh Bái Nhạ chỉ nhỏ như một con chim, rồi như một dấu chấm. Hơn bốn chục phi công cứ cất cánh như vậy, bầu trời Ngọc Sơn, Chí Đạo như có một đàn chim đang bay lượn. Được xem những hình ảnh này quả là cơ hội hiếm có, hấp dẫn trong cuộc đời.

 

         

                               Phi công các nước cùng đoàn kết.

 

Sau khi bay lượn trên không trung, các phi công dần đáp xuống khu ruộng tại xã Chí Đạo. Bãi đáp được vẽ vòng tròn. Việc tính điểm căn cứ vào vị trí đáp của phi công. Ai đáp gần tâm nhất sẽ là người chiến thắng bởi nội dung thi đấu là dù lượn hạ cánh chính xác. “Căng dù đón gió, chạy thật nhanh nhào khỏi đỉnh núi, ném mình vào bầu trời bao la, bồng bềnh trong mây bay cùng những cánh chim, trườn mình dọc dãy núi và cuối cùng ngả mình trên bãi mía xanh mướt...” - Một phi công đã diễn tả cảm xúc của mình sau khi vi vu khám phá thiên nhiên theo một cách rất đặc biệt. Chẳng thế mà có người đã viết nên những câu thơ: “Một cái cánh nối dài giấc mơ bay mang tên dù lượn/ Một cú nhảy được trả giá bằng chuỗi thót tim/ Nhảy xổ vào khoảng không/ Bổ nhào vào niềm kiêu hãnh/ Rồi chao, rồi lượn tìm giấc mơ giữa ban ngày”.

 

Tại điểm đáp xã Chí Đạo, vài ngàn người dân cùng reo hò, cổ vũ mỗi khi có phi công hạ cánh. Với VĐV, hầu như ai cũng hài lòng với phần trình diễn của mình và luôn nở nụ cười trên môi. Dù kết quả, đội Thái Lan soán hết các ngôi vị cao nhất ở cả nội dung nam và nữ. Nhưng BTC đánh giá, giải đã thành công tốt đẹp. Tất cả các VĐV từ các quốc gia đã cùng nắm tay đoàn kết, hân hoan trong niềm vui chiến thắng. Hoà Bình đã để lại ấn tượng tốt trong lòng khách trong nước, quốc tế. Giải đã khép lại trong âm vang lời hát “Hoà Bình mến yêu” và mở ra một cơ duyên cho lĩnh vực du lịch mạo hiểm của tỉnh.

 

 

                                                                                            Cẩm lệ

 

Các tin khác


Lịch thi đấu U23 châu Á 2024 hôm nay 17/4: U23 Việt Nam xuất trận

ĐT U23 Việt Nam sẽ đối đầu U23 Kuwait ở lượt trận ra quân bảng D Vòng chung kết U23 châu Á 2024 vào lúc 22 giờ 30 trên Sân vận động Al Janoub.

Công bố danh sách 23 cầu thủ tham dự vòng Chung kết U23 châu Á 2024

Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), chiều 15/4 theo giờ Qatar, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đã chính thức công bố danh sách 23 cầu thủ Đội tuyển U23 Việt Nam tham dự vòng Chung kết U23 châu Á 2024.

Các tuyển thủ U23 Việt Nam cạnh tranh tích cực cho danh sách chính thức

Sau khi ổn định sinh hoạt tại nơi đóng quân mới, đội tuyển U23 Việt Nam đã trở lại sân tập để tiếp tục hoàn thiện bước chuẩn bị cuối cùng cho Vòng chung kết U23 châu Á 2024. Các cầu thủ nỗ lực thể hiện bản thân để được chọn vào danh sách 23 cầu thủ tham dự chính thức giải đấu.

Huyện Tân Lạc giành giải nhất toàn đoàn Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy trẻ - vô địch tỉnh năm 2024

Từ ngày 12 - 15/4, tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy trẻ - vô địch tỉnh năm 2024.

Hấp dẫn Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tại thành phố Hòa Bình

Chặng 3 Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36, năm 2024 có chủ đề "Non sông liền một dải – Niềm tin chiến thắng” vừa được tổ chức thành công tại TP Hoà Bình. Sự kiện nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Trên 400 vận động viên tranh tài Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy trẻ - vô địch tỉnh năm 2024

Sáng 12/4, tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy trẻ - vô địch tỉnh Hòa Bình năm 2024. Đây là giải thể thao truyền thống được tỉnh tổ chức hàng năm. Giải thu hút trên 400 vận động viên đến từ 10 huyện, thành phố, tranh tài 33 bộ huy chương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục