Các VĐV đoạt giải nhận huy chương và phần thưởng tại giải quần vợt CLB tài chính mở rộng lần thứ IV năm 2012.

Các VĐV đoạt giải nhận huy chương và phần thưởng tại giải quần vợt CLB tài chính mở rộng lần thứ IV năm 2012.

(HBĐT) - Những năm gần đây, quần vợt đã trở thành môn thể thao phổ biến ở Hòa Bình. Hàng năm, cùng với Giải tenis lãnh đạo mở rộng do Liên đoàn Quần vợt tỉnh và Sở VH-TT&DL phối hợp tổ chức còn có nhiều giải được tổ chức khắp nơi trong tỉnh. Dù chỉ là giải phong trào nhưng mọi người háo hức chẳng khác nào những giải đấu lớn và danh giá như Wimbledon hay úc mở rộng, Cúp Davis, FedCup...

 

Vào những năm 1980 trở về trước, cả tỉnh chỉ có duy nhất một sân tenis tại khu chuyên gia mà người chơi chủ yếu là những chuyên gia Liên Xô công tác tại công trình thủy điện Hòa Bình. Đến những năm 1999-2000, quần vợt vẫn là môn thể thao khá lạ lẫm với người dân Hòa Bình nhưng đã manh nha phát triển và sân thứ 2 được xây dựng đưa vào sử dụng trong khu vực khuôn viên nhà văn hóa TP. Hòa Bình. Khi phong trào ở giai đoạn khởi đầu, đa số mọi người đều nghĩ đây là môn thể thao “quý tộc” chỉ dành cho những người “dư dật” nhưng thực ra quần vợt là môn thể thao mọi người đều có thể tham gia vì để đầu tư ban đầu cũng không quá lớn và chi phí hàng tháng cũng không quá cao. Chả thế mà 10 năm sau, đến cuối năm Nhâm Thìn, toàn tỉnh đã có tới 44 sân tenis, trong đó có 2 sân đất nện tại huyện Kỳ Sơn và chỉ còn 2 huyện Mai Châu, Đà Bắc chưa có sân quần vợt. Trước sự phát triển của phong trào tenis, năm 2007, Liên đoàn quần vợt tỉnh được thành lập và đến nay đã có tổng số thành viên lên đến hơn  30 CLB với những CLB hùng hậu về lực lượng và  bề dày thành tích như Thủy điện Hòa Bình 39 hội viên, Sao Mai - ngân hàng: 29 hội viên; 18/6 - Bộ CHQS tỉnh 28 hội viên... Trong làng quần vợt Hòa Bình đã có cầu thủ đạt thành tích cao và được ghi danh vào các giải có tên tuổi như Xa Quý Sâm với giải vô định quần vợt Việt Nam tenis; Hoàng Lý Hải, Bùi Văn Vương với giải quần vợt Bộ Công an; Nguyễn Ngọc Lợi - Nguyền Hồng Cường với giải Nam Định, Ninh Bình mở rộng; Trần Thanh Tú, Nguyễn Thanh Mai với giải Cúp Đền Hùng mở rộng...

 

Toàn tỉnh có tới hơn 30 CLB, 44 sân quần vợt, nhưng tỉnh ta không có Trung tâm đào tạo môn thể thao này. Đến nay, thầy giáo của tenis ở Hòa Bình hoàn toàn vẫn chỉ là những người vào nghề trước truyền nghề cho người vào nghề sau rồi học hỏi qua băng đĩa, vô tuyến, Internet, rút kinh nghiệm từ cọ xát thực tế. Vì vậy, chỉ riêng tư thế cầm vợt thôi cũng đã nhiều chuyện để bàn. Thực tế trên các sân quần vợt ở Hòa Bình, đa số những người chơi đều chọn cách cầm vợt cơ bản, đúng theo những gì các chuyên gia quần vợt đã nghiên cứu và chắt lọc theo thời gian. Cũng có những người cầm vợt theo kiểu “chẳng giống ai” nhưng vẫn chơi hay và “quái” chẳng kém đối thủ cầm vợt đúng cách như trong sách. Dạo qua những sân tennis thật dễ dàng gặp những tay vợt với cách cầm vợt khi giao bóng, thực hiện cú đoa phải, đoa trái mà chắc chỉ có mỗi họ mới làm được vì những người chơi bài bản gọi đó “cắt, xẻo, gẩy” mà  có người còn gọi đó là tenis “dưỡng sinh”. Tuy vậy, những tay vợt kinh nghiệm có “thâm niên” trong làng tenis vẫn “sống” khỏe với cách cầm vợt như thế, thậm chí có người còn “tài tử” đến mức đổi tay trong chớp mắt để phòng thủ và tấn công khiến đối phương không kịp trở tay.

 

Quần vợt du nhập hình thành và phát triển ở Hòa Bình thời gian chưa lâu nhưng có không ít người thực sự “nghiện tenis”. Bởi vậy, “8 giờ vàng ngọc” của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên bị “ăn bớt”. Nhiều người mới 16h đã “hẹn hò” rồi cùng lẻn ra sân. Cả tỉnh có tới 44 sân nhưng chưa sân nào có mái che nên trời mưa là “kẻ thù không đội trời chung” với làng quần vợt. Chả thế, có một sếp vì “quá nghiện tenis” nên trời mưa lay phay vẫn hô quân cán ra sân thi đấu. Sân trơn, bóng ướt, ham cầu nên sếp trượt chân bong gân, trẹo khớp phải nằm nhà theo dõi quần vợt trên tivi. Từ đó, “sếp” chỉ dám vào sân khi trời nắng, sân khô để tránh những vụ tai nạn dẫn đến tai tiếng không đáng có.

 

Sân nhiều, cầu thủ đông thi đấu có, giao lưu có, nhưng dường như trong mọi tình huống các “cơ thủ” đều ngại cặp đôi với “sếp” hoặc là đối thủ của “sếp”. Nguyễn Văn H. ở CLB Sông Đà - Thăng Long chia sẻ: không hiểu sao cặp đôi cùng sếp “ke” lắm, bình thường những cú bạt, quả xoáy, quả líp em xử lý “ngon” nhưng cặp với sếp tay cứ cứng đơ, chân líu ríu. Làm đối thủ của “sếp” cũng ngại, nhiều lúc cũng chùn tay không dám “doa” hết cơ vì còn phải lo tránh “cấp trên”. Buồn nhất là hôm nào cặp với sếp lại gặp đối phương “rắn mặt” bị “sập hầm”, là “sếp” lặng lặng bỏ về không chào, không hỏi. Hôm sau đến cơ quan, cũng phải “tránh thật xa” khỏi “oan gia”. Nhưng cũng nhiều trận “sếp” đánh xuất thần, có cảm giác cực tốt và  những cú đánh như “lên  đồng” thì hôm ấy cả sân “vui hơn tết”.

 

Quần vợt là một thể thao khá toàn diện vì không chỉ đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật, chiến thuật để có được những trận đấu với lối chơi xuất thần, những đường bóng chắc chắn, hiểm hóc, linh hoạt,  bất ngờ liên tục tạo ra sự bùng nổ được đông đảo người hâm mộ hoan nghênh nồng nhiệt. Nhưng bên cạnh đó cũng có những góc khuất, đó là tình trạng cá độ diễn ra khá phổ biến. Nhẹ thì 200.000 - 300.000 đồng, nặng thì vài ba triệu đồng/trận đấu, thậm chí, có trận tiền độ còn thừa để vừa ăn, uống, karaoke... nhưng dường như Liên đoàn không mấy quan tâm đến vấn đề này nên có những CLB tiền sinh hoạt sau trận đấu phải “đóng góp” cao gấp 3-4 lần tiền duy trì CLB.

 

      

            Đến nay, Liên đoàn Quần vợt tỉnh đã có trên 30 CLB thành viên.

 

Toàn tỉnh có hơn 30 CLB và số người tham gia tính sơ sơ cũng ngót nghét 500 người nhưng có một thực tế về lực lượng khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đó là độ tuổi bình quân của những người tham gia môn quần vợt hiện từ 35 - 45 tuổi. Số cầu thủ mười tám, đôi mươi quá hiếm hoi dẫn đến nghịch lý “bố già vác vợt ra sân, con trẻ tỷ mẩn đánh game trong nhà”. Rõ ràng, nếu không có chiến lược trong đào tạo, chỉ ít năm nữa, đội hình quần vợt của tỉnh sẽ “bị lão hóa” mà “nhân tài” của lớp trẻ chẳng khác nào như “lá mùa thu”.

 

Trong không khí phấn khởi, hồ hởi trước thềm năm mới Quý Tỵ 2013, những người yêu thích và nhiệt huyết với quần vợt luôn mong muốn mọi người ra sân với tinh thần vui, khỏe để tiếp tục tạo dấu ấn mới cho tenis của tỉnh. Những cơ thủ “tiền bối” tiếp tục, vững vàng, dẻo dai thực sự xứng đáng là những tấm gương, là nguồn cảm hứng cho các tay vợt trẻ.

 

 

                                                                                 Đức Phượng

 

 

 

Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục