Ðể du lịch Việt Nam có được mức tăng trưởng khá trong thời gian qua, có phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực còn gặp không ít khó khăn do tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh phí còn hạn hẹp.



Giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế WTM Luân Ðôn.

Từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu ước tính đạt hơn 307 nghìn tỷ đồng, tăng 26%. Nhiều khả năng trong năm 2017, ngành du lịch nước ta sẽ đạt mức tăng trưởng 30% đối với lượng khách quốc tế. Ðể có được những thành tựu đáng khích lệ đó trong hai năm vừa qua, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục cấp, miễn thị thực đối với khách nước ngoài, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý, làm trong sạch môi trường kinh doanh dịch vụ, có một phần không nhỏ từ việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá.

Với sự quan tâm đầu tư của ngành du lịch và sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam từng bước được đổi mới, mở rộng về quy mô, phạm vi hoạt động với nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức ở trong nước và ngoài nước. Các chương trình đã giới thiệu đến du khách hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và những tiềm năng, thế mạnh cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư, khẳng định vị thế du lịch nước ta trong khu vực và thế giới. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng ngày càng đa dạng, tận dụng được thế mạnh công nghệ thông tin. Tiếp thị điện tử (E-marketing) qua mạng in-tơ-nét đã mang thông tin về du lịch nước ta đến với 340 nghìn lượt người xem trên kênh Youtube và hàng triệu lượt người truy cập các trang web du lịch của Việt Nam. Ngành du lịch triển khai tổ chức, mời gọi các đơn vị truyền thông, báo chí và lữ hành đến tìm hiểu, giới thiệu về các điểm đến Việt Nam. Chủ động tham gia những sự kiện du lịch quốc tế lớn như đại hội thể thao quốc tế, hội chợ, liên hoan, lễ hội du lịch, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC Việt Nam 2017, Ðại hội Thể thao bãi biển lần thứ 5 (Beach Games 5), cuộc thi viết thư quốc tế IPU, lễ hội bắn pháo hoa Ðà Nẵng, Festival Huế... Những nỗ lực này đã được bạn bè quốc tế quan tâm, góp phần tạo ra làn sóng khách đến từ các thị trường trọng điểm...

Tuy nhiên công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại cần vượt qua, trong đó có yếu tố xuất phát từ chính hạn chế của du lịch nước ta. Nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức, nhiều giải pháp được đề cập, nhưng dường như công tác xúc tiến, quảng bá vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc liên kết, phối hợp tổ chức sự kiện của các đơn vị trong nước với các đơn vị quốc tế chưa thật tốt, thiếu sự thống nhất. Nội dung trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam còn thiếu sức lôi cuốn; hoạt động truyền thông còn đơn giản, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa mang những thông điệp, chủ đề rõ ràng, chưa đánh giá được hiệu ứng tác động. Việc nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chiến lược xúc tiến sản phẩm phù hợp và phải tùy thuộc vào điều kiện kinh phí. Quy trình cấp kinh phí, thẩm định phê duyệt đề cương, dự toán, đấu thầu cho công tác xúc tiến, quảng bá phải qua nhiều cấp phê duyệt, đòi hỏi thời gian chờ đợi dẫn tới bị động, mất đi cơ hội xúc tiến. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực và thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này chưa thật hiệu quả, thiếu cơ chế động viên, chưa tách biệt được chức năng quản lý nhà nước với chức năng xúc tiến du lịch, kinh phí xúc tiến mỗi năm còn thấp so với các nước.

Theo ý kiến của các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội nghị Xúc tiến du lịch năm 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, ngành du lịch cần nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các trung tâm xúc tiến du lịch trong cả nước. Ðặc biệt là vai trò của Tổng cục Du lịch trong việc định hướng, cập nhật, dự báo các biến động thị trường, làm cơ sở cho mọi chương trình hành động. Nội dung và phương thức tổ chức cần được đổi mới, triển khai hiệu quả các mô hình hợp tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch... Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần kết hợp hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch với thương mại, có sự phối hợp với các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở các nước để tổ chức quảng bá hình ảnh; mở rộng thêm các ứng dụng dành cho du lịch địa phương trên mạng xã hội.

TheoNhanDan

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục