Bản và người ở đây đã được sinh ra, gắn kết với đất và nước, với bản quán quê hương. Thế mới biết dân tộc Mường quý trọng thiên nhiên, quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc đến nhường nào.
Ngòi Hoa, trước khi sông Đà nhường chỗ cho hồ Hòa Bình với mặt nước rộng mênh mông và hàng trăm hòn đảo do thiên tạo và nhân tạo. Người dân từ thuở xa xưa còn gọi cảnh quan Ngòi Hoa là Bưa Rậm (Bưa là bãi phẳng, Rậm là rừng rậm).
Ngày nay, bãi đã nhường chỗ cho vịnh. Còn rừng đã phát triển bát ngát, xanh tươi nhờ hơi nước mát lành của hồ, của vịnh.
ở ngay cạnh Ngòi Hoa là di tích động Hoa Tiên. Cách động Hoa Tiên gần 1 km về phía đông có hồ rộng, nước trong xanh, mát rượi, được người dân trong vùng gọi là hồ Tiên tắm. Các cô gái trẻ đi làm về thường rủ nhau và không ngại ngần trút bỏ trang phục rồi vừa khúc khích cười vừa ào xuống hồ tắm "như những nàng tiên giáng trần”. Động Hoa Tiên - khu du lịch thắng cảnh cấp quốc gia, nơi nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Khi vào thăm quan trong động Hoa Tiên du khách hết sức ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt vời của vô vàn khối nhũ đá, cột đá trăm hình, nghìn dạng kỳ thú, hấp dẫn. Khi đến thăm động, du khách sẽ đi trên tuyến du lịch hồ Hòa Bình, có dịp thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình, non nước hùng vĩ nơi đây. Du khách cũng có thể ghé thăm động Thác Bờ, hang Bưng (di tích khảo cổ học).
Xã Ngòi Hoa có 80 gia đình người Mường. Hàng trăm năm trước, nhân dân Ngòi Hoa cần cù, chăm chỉ trồng lúa, trồng ngô trên bãi đá, sườn núi và quanh năm hái lượm sản vật, săn bắt những con thú nhỏ trên rừng mà nào có được no lòng, ấm dạ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, được các công ty đầu tư xây dựng phát triển cùng với nỗ lực của nhân dân, Ngòi Hoa đã và đang trên đà phát triển để trở thành điểm du lịch lớn nhất trên hồ Hòa Bình.
Kinh tế phát triển theo hướng nuôi trồng thủy sản, chăm sóc, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng, phát triển du lịch, từ đó, đời sống của người dân phát triển nhanh chóng. Vịnh trên núi Ngòi Hoa đa cảnh vật, khí hậu trong lành, mát mẻ. Cá, tôm kéo nhau về sinh sôi, nảy nở. Nhân dân đã tận dụng đất đai quanh vịnh và hơi nước để trồng keo, tre, bương lấy măng. Người dân cũng trồng các loại dưa, đu đủ, chuối, bầu, bí, đặc biệt là hoa phong lan. ở vùng hồ Hòa Bình và vịnh Ngòi Hoa có gần 300 loài hoa phong lan. Nhân dân xây cất hơn một chục ngôi nhà sàn rộng rãi, đẹp đẽ để khách nghỉ dưỡng.
Những hộ làm du lịch luôn chuẩn bị chu đáo món ăn, đồ uống truyền thống ngon lành, giàu dinh dưỡng. Tùy khách chọn lựa những món ẩm thực cần thưởng thức như: cơm nếp đồ, cơm tẻ nấu, cơm lam, xôi đồ trứng kiến, nhộng ong. Các món: thịt lợn, bò xào, trâu nấu lá lồm, gà, vịt, ngan và cá nướng nấu măng chua, rau đồ thập cẩm, các loại rượu uống được du khách ưa thích.
Bên cạnh dó, du khách có thể thưởng thức chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật dân gian truyền thống và đương đại của dân tộc với giai điệu, tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, khi lại rộn ràng, sôi nổi, thẳm sâu vào lòng người niềm vui, nỗi nhớ, sự khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Sau khi thưởng thức những bản nhạc chiêng và bản nhạc cò ke, ôống kháo, xem các điệu múa quạt của những nàng dâu, múa xênh tiền, múa hoa hồng và múa sạp, du khách sẽ được vây quanh bình rượu cần thưởng thức vị ngọt, hương thơm, vị cay nhè nhẹ để cảm nhận nét văn hóa đặc trưng, cuốn hút của dân tộc Mường.
NSƯT Bùi Chí Thanh