(HBĐT) - Tiếng "thiêng” đồn xa, cùng với phong cảnh non nước hữu tình, sản vật núi rừng phong phú, quần thể di tích đền Thác Bờ (xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc) đã trở thành điểm đến du xuân của du khách thập phương. Khai hội từ ngày mồng 4 Tết nhưng đến nay, lượng khách đổ về đền Thác Bờ chưa có dấu hiệu sụt giảm, thậm chí còn tăng vọt vào những ngày cuối tuần. Song thực tế là cơ sở hạ tầng và công tác quản lý chưa được như mong đợi của đông đảo du khách.


Cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng du lịch

Với ưu điểm là tiết kiệm được thời gian đi trên sông ngắn hơn khoảng 2 giờ so với so với cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình) nên mùa lễ hội năm nay có rất nhiều đoàn khách, nhất là các tỉnh ngoài lựa chọn cảng Thung Nai là nơi xuất bến. Theo quan sát của chúng tôi, từ khoảng 7, 8 h sáng ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần, lượng xe du lịch ngoại tỉnh theo quốc lộ 6 từ phía Cao Phong ra hoặc hướng thành phố Hòa Bình đi vào bắt đầu dồn về khu vực ngã 3 chân dốc Cun để rẽ vào đường 435 (đường 6 cũ). Do đường 435 khá hẹp nên ngay tại vị trí ngã 3 này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, lái xe phải giảm tốc độ. Đường 435 đoạn từ ngã 3 chân Cun lên đến cảng Thung Nai dài khoảng 20 km, đường quanh co, nhỏ hẹp, xuống cấp, nhiều đoạn lại đang san ủi đất để cải tạo sửa chữa nên rất bụi và khó đi, xe phải di chuyển với tốc độ thấp. Ngoài ra, khu vực xã Bình Thanh, Thung Nai đang có một số điểm khai thác khoáng sản nên trên tuyến đường này liên tục có xe tải trọng lớn chở khoáng sản hướng đi ra thành phố Hòa Bình.

Anh Nguyễn Văn Hà (lái xe ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cho biết: Đường hẹp, xuống cấp, khó đi, mỗi khi có xe tải chở đất, đá hoặc xe khách đi ngược chiều là xe chiều đang lên dốc phải dừng lại cả đoàn. Với những xe chở khách du lịch 45 chỗ ngồi trở lên thì thực sự rất vất vả. Chặng đường dài có 20 km mà đi mất cả tiếng đồng hồ. Cánh lái xe chúng tôi thấy nản mà du khách thì mệt mỏi. Lên đến nơi thì bãi đỗ quá hẹp, hết chỗ nên nhiều xe sau khi trả khách xuống bến phải đánh xe ngược trở lại tìm chỗ đỗ dọc đường, không có chỗ gửi xe. Rất bất tiện!


Du khách đổ về đền Thác Bờ đông nghịt vào dịp cuối tuần.

Trên bờ đã chật chội, dưới bến cũng khổ sở không kém. ở cả 2 điểm đền tại xã Thung Nai (huyện Cao Phong) và xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc), bến đỗ dưới chân đền đều không đáp ứng được lượng thuyền cùng cập bến quá đông vào khoảng từ 8h – 12h hàng ngày khi khách dồn về. Do đó các thuyền sau khi đưa khách đến đền phải rút ra phía ngoài để thuyền khác vào trả khách, khi nào khách xuống mới len thuyền vào đón. Đáng ngại nhất là các điểm đền đều chưa đầu tư đường đi lên rộng rãi nên du khách phải trèo qua chiếc thuyền hỏng neo cạnh bến để vào đền.

Chị Trần Thu Hằng (thành phố Hải Phòng) chia sẻ: Lượng khách đổ về quá đông như thế này mà lại không có đường rộng rãi đi lên đền, người chật như nêm. Phải nín thở đi men theo 2 bên cạnh thuyền, chỉ sợ rơi xuống sông. Điểm đền xã Vầy Nưa thì đường đi lên là sườn đồi đất dốc, ai không quen phải "bò” mới lên được. Được đoạn đường ngắn đổ bê tông thì lại bị hàng quán vây kín, mù mịt khói than củi nướng cá, nướng gà. Các điểm thờ cúng trong đền quá chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu người dân vào làm lễ. Điểm đền nào mà có hầu đồng thì họ chiếm trọn luôn cả không gian gian thờ chính. Nhiều người phải đứng từ xa vái vọng. Đi hàng trăm cây số mới đến được đây mà lại không thể dâng lễ lên ban chính nên chúng tôi cảm thấy không hài lòng.

Đừng để lễ hội đền Thác Bờ trở nên xấu xí trong mắt du khách

Tại điểm đền Thác Bờ (xã Thung Nai, huyện Cao Phong), theo quan sát của chúng tôi luôn có 3 – 5 cảnh sát giao thông có mặt tại khu vực thuyền du lịch cập bến đưa khách lên đền. Tuy nhiên, dường như sự có mặt của các đồng chí CSGT chưa thực sự phát huy được hết vai trò do bị chen lấn, xô đẩy giữa dòng người ken đặc lên xuống thuyền. Đặc biệt, tuy có mặt CSGT nhưng gần như không có nhà thuyền nào thực hiện việc yêu cầu hành khách mặc đầy đủ áo phao. Trên mỗi chiếc thuyền du lịch đều, có treo một số áo phao nhưng chỉ như "cho có”. Băn khoăn về điều này, ông Hoàng Văn Đức (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) cho biết: Sông nước mênh mông như thế này, nước lại rất sâu, nhiều người trong đoàn chúng tôi không biết bơi nhưng khi lên thuyền, chỉ thấy áo phao treo trên cột hoặc xếp đống, không thấy phát cho khách mặc. Nếu chuyện không may xảy ra thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp và có thể người dân các nơi sẽ sợ mà không dám đi đền Thác Bờ nữa. Thuyền ra vào bến quá đông nhưng rất tiếc là không thấy có người của Ban quản lý bến hoặc CSGT phân luồng, hướng dẫn nên đã có nhiều va chạm xảy ra giữa các tàu dẫn đến to tiếng, cự cãi giữa các chủ tàu. Tình trạng đó khiến cho bến bãi càng trở nên lộn xộn, xấu xí.


Lối đi lên đền quá chật hẹp, du khách phải trèo men qua một con thuyền cũ hỏng, nếu không bám chắc sẽ rơi xuống sông.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của du khách, một số tàu đã trang bị loa công suất lớn. Trong lúc cập bến chờ khách lên hành lễ, mỗi tàu một thể loại nhạc lại thi nhau mở hết công suất khiến cho không gian bến thuyền vốn đã chật chội, lộn xộn lại càng thêm huyên náo, ầm ĩ.

Mỗi đền đều có nhiều điểm thờ tự như thờ Thánh, thờ Mẫu, thờ Phật; vị trí đặt ban thờ lại ngóc ngách…nhưng không có người hướng dẫn, cũng rất khó để tìm được biển chỉ dẫn nên nhiều du khách lần đầu tiên đi lễ đền Thác Bờ ngơ ngác, khó khăn trong việc hành lễ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì lượng du khách dồn về đền Thác Bờ những ngày cuối tuần đã dẫn đến hiện tượng các nhà thuyền cùng ngày nhận nhiều đoàn khách, dồn thuyền. Từ việc dồn 2 thậm chí 3 đoàn khách đi chung 1 thuyền đã dẫn đến nhiều hệ lụy, phiền toái cho du khách.

Bức xúc chia sẻ, chị Nguyễn Thị Thu (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Chuẩn bị đi lễ hội đền Thác Bờ, gia đình tôi đã đặt trọn gói 1 thuyền với giá 3 triệu đồng, xuất bến từ bến Thung Nai, đi 3 điểm là đền Thác Bờ (xã Thung Nai, huyện Cao Phong), đền Thác Bờ (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc) và động Thác Bờ (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc), nhưng khi đến đâylại thấy ghép đoàn chúng tôi đi cùng thuyền với 1 đoàn nữa gần 30 người. Chúng tôi có cảm giác như bị lừa nhưng không có sự lựa chọn nào khác vì các thuyền đều đã có khách. Mất công lên đến đây chẳng lẽ quay về nên chúng tôi đành đi miễn cưỡng. Do khách quá đông, chúng tôi không được ngồi trên boong tàu mà phải ngồi dưới, gần khu vực máy, vừa ồn vừa mùi dầu mà lại không được ngắm cảnh đẹp lòng hồ. Việc ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ cũng bất tiện. Mỗi đoàn lại có những lịch trình đi đền, động khác nhau nên cứ phải lòng vòng đón trả khách, rất mất thời gian và mệt mỏi.

Ngoài ra, qua trò chuyện chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến, tâm tư của người dân, du khách về tiền công đức, tiền lễ đã được quản lý và sử dụng như thế nào. Bác Hoàng Trọng Sơn (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) băn khoăn: Nhiều năm liền, đầu xuân nào gia đình tôi cũng đi lễ đền Thác Bờ để cầu may mắn, bình an, tài lộc. Năm nào gia đình tôi và nhiều du khách khác cũng giọt dầu để nhà đền thêm chút đèn nhang, sửa sang cửa đền. Tuy nhiên, nhiều năm rồi mà hiện trạng nhà đền cơ bản không có nhiều thay đổi. Chúng tôi băn khoăn và thực sự mong muốn những đồng tiền công đức sẽ được quản lý, sử dụng có ý nghĩa.

Quá tải người, xe, khói bụi, tiếng ồn, rác thải…Bức tranh lễ hội đền Thác Bờ đang được khắc họa theo cách "mạnh ai nấy lễ, mạnh ai nấy cúng”, chật hẹp, chen chúc, lộn xộn. Thực tế đó đang khiến cho đền Thác Bờ "mất điểm” trong mắt du khách.

Được ví như "Hạ Long của Tây Bắc” với điểm đến linh thiêng là quần thể đền Thác Bờ, nhân dân và du khách hy vọng chính quyền địa phương, ngành chức năng kịp thời có sự quan tâm, điều chỉnh để nơi đây trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn, yên bình vào dịp đầu xuân.

 

Dương Liễu


Các tin khác


Khám phá vùng Mường cổ xóm Ải

(HBĐT) - Cách thành phố Hòa Bình khoảng 33 km, Thủ đô Hà Nội khoảng 100 km và từ QL 6 rẽ vào chừng 300 m là du khách đã đến với xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Đây là làng Mường cổ còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường.

Ngày thơ 2018: “Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều”

(HBĐT) - Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa tổ chức ngày thơ 2018 với chủ đề "Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều” với sự tham gia của GS Phong Lê và nhà thơ Vương Trọng.

Huyện Tân Lạc rộn ràng tiếng hát mừng xuân

(HBĐT) - Hòa chung không khí phấn khởi chào đón xuân Mậu Tuất 2018, tại các xã, thị trấn huyện Tân Lạc đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong những ngày đầu năm mới.

Tản mạn về ngôi nhà sàn bê tông của người Mường

(HBĐT) - Mỗi dịp Tết đến, xuân sang lòng người bâng khuâng trong giao thời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ngồi trên ngôi nhà sàn mới xây còn thơm mùi mới, bên chén trà xuân, ngắm nhìn cành đào bung hoa khoe sắc hồng, lòng xốn xang nghĩ về sự hình thành và phát triển của xu thế xây dựng nhà sàn bê tông của người Mường với những dự cảm tốt đẹp về tương lai.

Công viên di sản các nhà khoa học - đưa trí tuệ khoa học đến với nhân dân

(HBĐT) - Cuối năm 2017, chúng tôi có cơ hội tham dự triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật” được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (gọi tắt là Heritist) tổ chức. Thông qua triển lãm, du khách có thêm cái nhìn rõ nét về sự hình thành của công viên. Nơi đây không chỉ được xây dựng cảnh quan đẹp mà điều quan trọng hơn là việc lưu giữ kỷ vật của các nhà khoa học trong tổng số hơn 1.200 nhà khoa học hàng đầu Việt Nam - là nơi trân trọng lưu giữ trí tuệ Việt.

Phát triển chữ Mường để hội nhập văn hóa thế giới

(HBĐT) - Chữ viết là công cụ lưu giữ, truyền tải văn hóa, tri thức của dân tộc từ đời này sang đời khác. Ngôn ngữ chính là linh hồn và bản sắc của dân tộc. Chữ viết có nhiệm vụ ghi lại linh hồn và bản sắc đó. Bộ chữ Mường ra đời đã khẳng định vị thế, vai trò của dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, góp phần tích cực trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục