(HBĐT) - "Mùng 4 Tết đợi bọn tớ lên rồi đi hội chùa Tiên nhé. Đầu năm mà người Hòa Bình không đến quần thể di tích chùa Tiên với cảnh quan kỳ vĩ, nhiều hang động đẹp và đến với tín ngưỡng tâm linh của người Việt để tìm hiểu về phong tục thờ Mẫu thì còn đi đâu nữa...”. Lời hẹn của nhóm bạn học ở Hà Nội từ trước Tết khiến tôi cũng mong ngóng cho chuyến xuất hành về huyện Lạc Thủy.


Chương trình nghệ thuật tại lễ khai hội chùa Tiên năm 2018 mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiết trời ấm áp, trong lành dưới làn mưa xuân lất phất khiến cho không khí lễ hội càng thêm náo nức. Đã vài lần đến chùa Tiên vào cả ngày thường cũng như dịp lễ hội nhưng lần này tôi có cảm nhận và ấn tượng thật khác. Có lẽ bởi thời tiết đầu xuân chiều lòng người, cũng có thể do tôi được du xuân cùng lũ bạn lâu ngày mới gặp lại hay bởi trong dòng người đông đúc về trẩy hội mà không có cảnh tượng lộn xộn, xô bồ chốn tâm linh. Tại đây, chúng tôi không chỉ thư thả thắp nén hương thơm dâng lên bậc tiền nhân cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, sức khỏe mà còn được thưởng thức các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người dân địa phương mỗi độ Tết đến, xuân về.

Được xem rước kiệu, nghe Ban tổ chức lễ hội giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa nhân văn của lễ hội chùa Tiên, thưởng thức chương trình nghệ thuật mang đậm chất dân gian mà không kém phần sôi động, chúng tôi cũng được hòa mình vào không khí náo nhiệt của màn múa lân, rồng, trò chơi đi cà kheo và điệu múa sạp rộn ràng khiến cô bạn Mai Anh của tôi phải thốt lên rằng: "Thật đặc biệt. Đúng là trong lễ có hội. Ngoài này náo nhiệt là thế mà vào trong chùa vẫn giữ được không gian u huyền, tĩnh mịch không phải điểm du lịch tâm linh nào cũng có được.”

Với ý tưởng và mong muốn xây dựng khu du lịch chùa Tiên thành điểm du lịch quốc gia, huyện Lạc Thuỷ đã xây dựng đề án phát triển du lịch, dịch vụ, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, những năm qua, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo và nâng cấp tuyến đường nội bộ trong quần thể di tích.

Hiện, hệ thống đường giao thông xã Phú Lão nói chung, tuyến đường đến các điểm thăm quan quần thể di tích chùa Tiên nói riêng đã được mở rộng, bằng phẳng. Xã quy hoạch các bãi đỗ xe rộng rãi đã tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông, dừng đỗ, tránh cảnh lộn xộn, ách tắc giao thông. Trong ngày khai hội, du khách thập phương không phải mua vé tham quan, việc làm này được nhiều người đánh giá cao bởi đã góp phần tạo tâm lý thoải mái cho mỗi người đi du xuân.

Hàng năm, chùa Tiên khai hội vào mùng 4 Tết và lễ hội diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch. Sức cuốn hút của lễ hội là du khách vừa được trải nghiệm không gian đền, chùa của vùng quê Bắc Bộ, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động, núi non mà chỉ vùng núi mới có được. Chẳng vậy mà trong những ngày đầu năm và thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày nơi đây đón hàng chục nghìn du khách thập phương đến chiêm bái. Trong dòng người đổ về trẩy hội, chúng tôi gặp cả đoàn khách đến từ tỉnh Thanh Hóa, họ đi khoảng 20 chiếc xe máy dưới hình thức đi phượt. Bạn Thanh Tùng, thành viên trong đoàn chia sẻ: "Chúng em chọn chùa Tiên, huyện Lạc Thủy là điểm du xuân đầu tiên không chỉ để tỏ lòng thành kính lên các đức Phật, cầu tài lộc, bình an cho năm mới mà đến nơi đây, thanh niên chúng em có cảm giác được chinh phục, khám phá thiên nhiên với quần thể hang động kỳ thú. Qua tìm hiểu được biết, nơi đây có hang động còn lưu giữ dấu vết của người Việt cổ. Có hang động như những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng với hình rồng ấp trứng, bầu sữa mẹ, trái đào tiên, cây đa cổ thụ, mâm xôi, hình ông tiên, con rùa hay những rải nhũ đá rủ xuống như áng mây. Trong động có hồ nước trong vắt tạo cảm giác mát lành, xua tan miệt nhọc”.

Quần thể khu di tích chùa Tiên bao gồm hơn 20 điểm di tích, gồm các loại hình di tích lịch sử văn hoá, khảo cổ, thắng cảnh như: đền Trình, đền Mẫu, động Mẫu Long, động Cung Tiên, Thung lũng tình yêu, động Giải oan, suối vàng, suối bạc, động Cô Chín, động ông Hoàng Bảy, động Châu Sơn, động Tam Toà, đình Trung, chùa Tiên...

Trong hành trình thăm quan quần thể di tích này, đền Mẫu âu Cơ là địa điểm luôn thu hút đông đảo du khách bởi sự linh thiêng huyền diệu của Mẫu Tổ âu Cơ vẫn được lan truyền. Tín ngưỡng này xuất hiện từ hàng nghìn năm trước nhằm thể hiện tư duy, niềm khao khát về mặt tinh thần thờ Mẫu, người sinh thành, nuôi dưỡng, bảo lưu các thế hệ giống nòi; đồng thời, gắn liền với việc đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội, luôn lấy nghề nông làm nền tảng kinh tế. Du khách thập phương tìm về cầu xin Quốc Mẫu ban cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Một ngày thăm quan, khám phá quần thể di tích chùa Tiên, nhóm bạn tôi háo hức hẹn ngày trở lại. Không háo hức sao được khi chúng tôi được giới thiệu: Trong tương lai không xa sẽ xây dựng tuyến cáp treo nối liền quần thể di tích chùa Tiên với chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội). Khi đó chắc chắn nơi đây sẽ là điểm du lịch tâm linh mà du khách không thể không tìm về.


Múa sạp được đông đảo du khách về trẩy hội yêu thích.


                                                                                Bình Giang

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục