Nhân viên Bảo tàng di sản văn hóa Mường giới thiệu với du khách về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng
Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là khuôn viên bảo tàng nằm trên vị trí vô cùng đắc địa, cao ráo, độc lập, có tầm nhìn thông thoáng. Khuôn viên của bảo tàng gồm 7 ngôi nhà chính, mỗi ngôi nhà có một chức năng và nhiệm vụ khác nhau nhằm đáp ứng đầy đủ các hoạt động của bảo tàng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Bình – Giám đốc Bảo tàng cho biết: "Xuất phát từ niềm đam mê với văn hóa dân tộc cùng với sự trăn trở khi nhận thấy những hiện vật giá trị văn hóa của dân tộc Mường cứ mất dần theo thời gian, tôi đã nảy ra ý tưởng sưu tầm hiện vật văn hóa Mường. Đó chính là ý tưởng ban đầu cho việc ra đời bảo tàng. Bảo tàng có quyết định thành lập từ năm 2012 nhưng sau hơn 2 năm chuẩn bị, sưu tầm hiện vật đến tháng 4/2014 mới khai trương và bắt đầu đi vào hoạt động.”
Chia sẻ về quá trình xây dựng bảo tàng, ông Bùi Thanh Bình cho biết thêm: "Để có được Bảo tàng di sản văn hóa Mường như ngày hôm nay, tôi và những người cộng sự cũng đã trải qua không ít khó khăn, khó khăn lớn nhất về điều kiện kinh tế. Một số cổ vật có giá trị rất lớn mà điều kiện kinh tế chưa cho phép nên mãi sau này tôi mới có thể mua được và đưa về bảo tàng. Nhưng cũng rất may mắn là trong quá trình sưu tầm hiện vật, tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp , bạn bè và người thân, quen.”
Bên cạnh việc trung bày hiện vật theo các niên đại, Bảo tàng còn có nhà trung bày chuyên đề về: quan Lang xứ Mường; các hiện vật, cổ vật về sinh hoạt và đời sống của quan Lang; nhà trưng bày và giới thiệu về đời sống sinh hoạt của gia đình bình dân Mường. Điểm nhấn của bảo tàng là phòng thư viện tổng hợp với hơn 5.000 đầu sách các loại phục vụ tra cứu và giới thiệu văn hóa Mường. Để khách tham quan có cơ hội thưởng thức và tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa ẩm thực xứ Mường, trong khuôn viên bảo tàng còn có nhà sàn ẩm thực với hơn 50 món ăn đặc trưng, truyền thống,mang đậm bản sắc văn hóa Mường như: cơm lam, cá nướng, rau đồ, măng chua nấu thịt gà, thịt nướng hạt dổi...
Háo hức khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa Mường, bạn Bùi Thanh Mai (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) chia sẻ: " Tôi là người dân tộc Mường nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ít có điều kiện để tìm hiểu về văn hóa Mường. Khi đến đây, được giới thiệu về lịch Đoi của người Mường, được nghe kể sử thi Đẻ đất – Đẻ nước, được thử đánh chiêng Mường và ăn các món ăn truyền thống của người Mường.... cảm giác rất thú vị. Tôi sẽ còn quay lại bảo tàng khi có dịp.”
Trải qua gần 4 năm hoạt động, Bảo tàng di sản văn hóa Mường ngày càng thể hiện là một địa điểm tin cậy lưu trữ, trưng bày và giữ "hồn” văn hóa Mường. Đây cũng là một điểm đến lý tưởng cho những người yêu văn hóa Mường có điều kiện nghiên cứu văn hóa dân tộc, tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, bảo tàng là một minh chứng rõ nét cho thành công của việc xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Khánh Linh
(Sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền Hà Nội)