Festival Huế là sự kiện văn hóa - nghệ thuật thu hút nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân ở trong nước và quốc tế tham gia. Qua 10 lần tổ chức, với những chương trình nghệ thuật, lễ hội văn hóa đa dạng và khá ấn tượng, Festival Huế đã và đang từng bước xây dựng được thương hiệu, trở thành một sản phẩm du lịch lôi cuốn du khách.


Chương trình nghệ thuật "Âm vọng sông Hương” tại Festival Huế 2018.


Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao, Festival Huế 2018 có chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - một điểm đến, năm di sản” đã tập trung nâng cao về chất lượng nghệ thuật của các chương trình, lễ hội. Cũng vì vậy, ở kỳ Festival này, chỉ có 19 nước được lựa chọn có chương trình nghệ thuật tham gia với tiêu chí hàng đầu là mới, lạ và đặc sắc, không lặp lại những chương trình, tiết mục họ từng đưa đến tham gia ở các kỳ Festival trước. Ðây cũng là lần đầu, chương trình khai mạc và bế mạc cùng nhiều chương trình nghệ thuật của Festival Huế được chính các nghệ sĩ đất cố đô dàn dựng. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2018 Huỳnh Tiến Ðạt cho biết: Tuy thời lượng có rút ngắn hơn, nhưng chất lượng các chương trình nghệ thuật được nâng lên. Festival Huế 2018 đã có sự hiện diện của gần 1.400 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp; trong đó, 388 nghệ sĩ của 24 đoàn nghệ thuật quốc tế; gần 1.000 diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ trong nước. Có 38 chương trình nghệ thuật tiêu biểu với 80 suất diễn cùng các lễ hội đa dạng sắc màu văn hóa và gần 50 hoạt động văn hóa cộng đồng diễn ra liên tục tại 17 sân khấu và điểm diễn trong tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các chương trình đã thể hiện được dấu ấn văn hóa xứ Huế và các vùng, miền của đất nước cũng như văn hóa, nghệ thuật các nước. Một trong những điểm nhấn ở kỳ Festival Huế này là chương trình "Văn hiến kinh kỳ”. Ðây là show trình diễn nghệ thuật tổng hợp được dàn dựng có chiều sâu, nhằm tôn vinh năm di sản văn hóa được thế giới công nhận của Thừa Thiên- Huế. Ðó là quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Nhiều chương trình tiếp tục củng cố "chất” riêng của Festival Huế như Lễ hội áo dài với chủ đề "Huế vàng son”. Trong khi đó, chương trình "Âm vọng Sông Hương”, được thực hiện bởi một sân khấu chìm trên sông với quy mô lớn nhất và phức tạp nhất trong suốt 10 kỳ Festival Huế. Hai di sản mới được UNESCO công nhận mà Huế đồng chủ sở hữu là nghệ thuật Bài Chòi và tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được giới thiệu tại Festival Huế thông qua Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc và các hoạt động "Chợ quê ngày hội”, "Hương xưa làng cổ”…

Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa” năm nay đã quy tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật, đồng thời mở rộng không gian biểu diễn trên nhiều tuyến đường, vào tất cả các buổi chiều trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng trên khắp thành phố Huế. Một điểm đáng lưu ý là nhiều chương trình tại Festival Huế lần này được thực hiện xã hội hóa gần như 100%, như chương trình: Ðêm nhạc Trịnh Công Sơn, Âm vọng sông Hương, Tỏa sáng niềm tin... Bên cạnh đó, so với các kỳ Festival Huế trước đây, sự tăng trưởng về lượt khách tham gia Festival Huế cũng như khách du lịch hết sức ấn tượng. Các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế đã thu hút số lượng lớn khách dự, trong đó tiêu biểu có sự kiện "Chợ quê ngày hội” đã thu hút khoảng 220 nghìn lượt khách; tăng gấp hai lần so với Festival trước; Liên hoan Ẩm thực quốc tế Huế có hơn 300 nghìn lượt, tăng gấp ba lần so với Festival trước; Hội chợ thương mại quốc tế Huế với hơn 100 nghìn lượt; chương trình "Hương xưa làng cổ” có hơn 50 nghìn lượt người dự. Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế Lê Hữu Minh cho biết, lượng khách đến Huế trong dịp Festival năm nay đạt khoảng 400 nghìn lượt, tăng gần 30% so với năm 2017; trong đó, khách lưu trú đạt hơn 120 nghìn lượt người. Có thể nói, Festival Huế 2018 đã góp phần quảng bá tiềm năng du lịch cố đô Huế, tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch và bạn bè quốc tế. Theo Ban tổ chức, sau Festival Huế 2018, các chương trình như "Văn hiến kinh kỳ” và Lễ hội áo dài "Huế vàng son” sẽ trở thành sản phẩm phục vụ khách tham quan Ðại nội Huế về đêm.

Mặc dù có nhiều nét mới như đã nêu, nhưng nhìn tổng thể, Festival Huế 2018 vẫn còn những hạn chế, các chương trình chưa tìm gọi được tài trợ xã hội hóa, gây tốn kém kinh phí. Không ít hoạt động và sự kiện vẫn mang xu hướng lặp lại trước đây ở nội dung và ý tưởng tiết mục, không có nhiều đổi mới. Ðiều đó cho thấy để Festival Huế không ngừng được làm mới, tăng sức hấp dẫn, rất cần có một chiến lược xây dựng sản phẩm, nâng tầm Festival Huế.

 

                                                                                                Theo NDO

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục