|
Sức lan tỏa của nghệ thuật dân dã
Những ngày này đối với các nghệ nhân, diễn viên Bài Chòi, niềm
vui vẫn như được nhân lên bội phần khi nghệ thuật Bài Chòi trở thành Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; bản sắc văn hóa Việt Nam thêm một
lần nữa được lan tỏa tới bạn bè quốc tế. Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt
Nam, sự phong phú, độc đáo, đa sắc màu của Bài Chòi tự thân đã là di sản mang
giá trị nhân văn sâu sắc. Nghệ thuật Bài Chòi thấm đẫm hơi thở đời sống tinh
thần, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán bao đời nay của người dân. Sự gắn kết
của vệt văn hóa biển miền trung cùng những nỗ lực của chín tỉnh, thành phố
khu vực Trung Bộ từ Quảng Bình tới Khánh Hòa đã góp phần gìn giữ, từng bước
đưa giá trị văn hóa Bài Chòi thành sản phẩm chính phục vụ du lịch, góp phần
phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Trong đó, các
địa phương khai thác có hiệu quả là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh
Hòa... Hiện khu vực Trung Bộ có hàng chục câu lạc bộ Bài Chòi với hàng trăm
diễn viên, trong đó nhiều nghệ nhân đã được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Bài
Chòi đã được ngành văn hóa TP Đà Nẵng tổ chức đưa xuống phố biểu diễn vào cuối
tuần phục vụ người dân; công tác chăm lo cho thế hệ kế cận tiếp nối nghệ thuật
Bài Chòi được quan tâm.
Thời gian qua, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã làm tốt công tác
đào tạo diễn viên Bài Chòi kế cận. Cụ thể như mở các lớp hô, hát Bài Chòi, tổ
chức dạy Bài Chòi trong các trường THCS, mở lớp học hát dân ca - Bài Chòi hằng
đêm với gần một nghìn lượt học sinh tham gia. Từ năm 1998, Hội An mạnh dạn
đưa hát Bài Chòi vào chương trình Đêm Phố Cổ, tạo được hiệu ứng tích cực. Đến
nay, nghệ thuật, trò chơi Bài Chòi đã thật sự là một phần quan trọng trong đời
sống văn hóa tinh thần, là sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An, vươn ra giao
lưu với nhiều tỉnh, thành phố trong nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh
Hòa, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Đặc biệt, Trung
tâm Văn hóa và Thể thao TP Hội An đã đưa Bài Chòi đi giao lưu, quảng bá tại bảy
quốc gia, gồm: Thái-lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, I-ta-li-a, Hung-ga-ri, Nhật
Bản. Hội An trở thành cái nôi để Bài Chòi được phát triển, quảng bá sâu rộng
nhất đến với người dân và du khách.
Chúng tôi về Hội An, nơi hằng đêm luôn sáng đèn sân khấu Bài
Chòi phục vụ người dân, du khách bên sông Hoài thơ mộng, để thêm lần nữa tự
hào về những câu hát như được rút từ tận đáy lòng của những diễn viên rất trẻ
nhưng đầy đam mê, nhiệt huyết. Chính sự dân dã của Bài Chòi đã hun đúc nên sức
sống bền bỉ cho một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn
xuất, hội họa, văn học. Tại khu vực sân khấu, người xem chen kín, vừa thưởng
thức những câu hát đối đáp dí dỏm, vừa cùng chơi hô Bài Chòi đặc sắc. Gắn bó
với Bài Chòi phố Hội đã 16 năm qua, anh hiệu Đinh Minh Nhanh chia sẻ với
chúng tôi về niềm vui khi nghệ thuật Bài Chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật
thể đại diện của nhân loại với tất cả sự tâm đắc, tự hào và hạnh phúc của người
diễn Bài Chòi đã đóng góp một phần nhỏ cho thành công của đêm diễn, mong muốn
giá trị của Bài Chòi mãi trường tồn theo thời gian. "Đây là một loại hình nghệ
thuật dân dã. Từ những giá trị của hàng trăm câu hát đối đáp mà ông bà để lại,
chúng tôi đã sưu tầm thêm nhiều câu dân ca ngọt ngào. Chính niềm say mê tạo
nên hưng phấn mỗi khi hô hát Bài Chòi, thể hiện được những tình cảm mà câu hò
đối đáp đó muốn trao gửi. Chúng tôi sống được với Bài Chòi bằng tình yêu thật
sự”, anh Nhanh tâm sự. Cùng hòa mình trong những câu hát đối đáp dí dỏm của
các nghệ sĩ, ông Phạm Minh Thanh, 72 tuổi, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết,
đây là không gian diễn xướng cuốn hút người xem và góp phần tôn vinh giá trị
của nghệ thuật văn hóa dân gian. Văn hóa cộng đồng, văn hóa Việt Nam gắn với
các miền quê sông nước luôn gợi lên cho người xem, người nghe sự hưng phấn,
thích thú.
Vinh dự và trách nhiệm
Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao TP Hội An Võ Phùng tâm
huyết nói: Để bảo tồn được giá trị vô giá của nghệ thuật Bài Chòi, rất cần những
tài năng thật sự. Bài Chòi là diễn xướng dân gian, lời hô, hát mộc mạc nhưng
không phải dễ hát, dễ biểu diễn để làm nên hồn cốt. Được sự quan tâm của lãnh
đạo tỉnh, nhiều năm qua, Hội An luôn ưu tiên tuyển dụng nguồn nhân lực vào
công tác tại cơ quan, thu hút vào lực lượng cộng tác viên của Trung tâm các
diễn viên giỏi, đa tài. Bên cạnh đó, sẵn sàng tiếp nhận đội ngũ nhạc công đàn
dân tộc, diễn viên giỏi bên ngoài có nhu cầu đầu quân cho thành phố. Tổ chức
tìm kiếm tài năng trẻ, tạo điều kiện đưa các em đi đào tạo bài bản cũng như bảo
đảm đời sống tinh thần, vật chất cho các diễn viên, nghệ nhân Bài Chòi. Việc
nghệ thuật Bài Chòi được vinh danh không chỉ là niềm hạnh phúc của những người
tâm huyết với công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ các nghệ sĩ, nghệ nhân,
diễn viên mà còn gắn liền trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát triển. Giám đốc
Võ Phùng cũng nhấn mạnh: "Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta phải không ngừng
làm mới để Bài Chòi hòa nhịp cùng hơi thở nghệ thuật và cuộc sống đương đại,
nhưng vẫn giữ được sự tinh túy và hồn cốt. Tạo sự đồng thuận của công chúng với
nội dung mang tính định hướng đạo đức từ trong kho tàng văn hóa của cha ông;
đồng thời, không ngừng sáng tạo nội dung, phong cách hô, hát để đáp ứng nhu cầu
xã hội hiện tại”. Là người tâm huyết với nghệ thuật Bài Chòi, nghệ nhân Nguyễn
An Pha, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định cho rằng, để phát
huy những giá trị cốt lõi của Bài Chòi, cần tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng
cao và chuyên sâu toàn tỉnh để các nghệ nhân nắm vững tính dân gian đặc trưng
của Bài Chòi, không nhầm lẫn giữa Bài Chòi với dân ca dân gian. Các địa
phương cần có kế hoạch nhân rộng, để Bài Chòi gắn với văn hóa làng như xưa,
đưa vào giảng dạy trong trường học để lớp trẻ kế thừa và phát huy, phát triển;
đồng thời phải cải tiến về hình thức và giữ gìn bản sắc Việt Nam, đưa Bài
Chòi dân gian phục vụ du lịch.
Để bảo tồn và phát triển Bài Chòi, các địa phương đang xây dựng
kế hoạch dài hạn, trong đó, chú trọng việc quảng bá và tìm đất diễn, đất sống
cho loại hình nghệ thuật dân gian này. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc
Dũng cho biết, các cấp lãnh đạo tỉnh đều quan tâm và tạo điều kiện để ngành
văn hóa tổ chức bảo tồn và nhất là trao truyền để có sự kế thừa nghệ thuật
Bài Chòi qua các thế hệ. Phong trào tuổi trẻ hát Bài Chòi hiện rất sôi nổi và
ngày càng phát triển. Bài Chòi không những phục vụ mọi tầng lớp nhân dân mà
còn phục vụ khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho
cộng đồng ở các địa phương. Đó là hướng đi mà Bình Định đang triển khai thực
hiện nhằm tích cực bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đặc trưng
này. Hiện, Bình Định đang xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
văn hóa phi vật thể hát Bội và Bài Chòi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, với tổng
kinh phí đầu tư dự kiến 39,5 tỷ đồng. Đề án đặt mục tiêu đào tạo nghệ nhân
Bài Chòi kế cận, theo đó, đến năm 2020, Bình Định sẽ thành lập 40 câu lạc bộ
Bài Chòi dân gian.
Cùng với các di sản khác đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa
phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ thuật Bài Chòi sẽ đặt thêm một dấu mốc
của văn hóa di sản Việt Nam trên hành trình hội nhập, phát triển với văn hóa
thế giới. Sức lan tỏa của Bài Chòi sẽ tiếp tục được nhận diện, nghiên cứu,
sưu tầm. Niềm vui được vinh danh cũng đang đặt trách nhiệm lên vai những người
làm văn hóa, để Bài Chòi tiếp tục được tiếp sức, thật sự lan tỏa, bám rễ lâu
bền trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân miền trung nói riêng,
người dân cả nước nói chung.
|
TheoNhandan