Chỉ là điểm dừng chân đã quá cũ kỹ, nhuốm màu thời gian cùng với vẻ ngoài 'phong trần', cổ kính, rêu phong, ấy thế mà hàng năm, phố Hội vẫn là nốt son sáng chói trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Từ lâu, phố cổ Hội An đã trở thành một điểm đến vô cùng quen thuộc, "quyến luyến” biết bao bàn chân du khách. Đến Hội An chưa bao giờ là chán và thời gian dừng chân nơi đây đối với những người con lữ thứ cũng không biết nên định nghĩa như thế nào cho đủ.
Dừng chân nơi phố cổ Hội An, nhiều du khách vô cùng choáng ngợp trước cảnh sắc nơi đây. |
Tôi trở về đây nơi phố Hội, mái ngói rêu phong nhuốm đèn đường… Vẫn là con phố ấy, vẫn là cái tên ấy nhưng mỗi khi nhắc tới "Hội An” lòng tôi lại nôn nao, rạo rực đến lạ. Với tôi, Hội An mãi chỉ là một con phố cổ chứ không bao giờ là một con phố già nua dù thời gian có trôi đi mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm hay thậm chí lâu hơn nữa… Bởi nơi đây có rất nhiều lý do khiến cho phố Hội mãi luôn "trường sinh bất tử”.
Nơi đây, níu giữ đôi chân tôi bởi bao điều mới lạ. |
Nét đẹp cổ kính, rêu phong vẫn luôn còn mãi…
Con người có thể héo mòn, già đi nhưng phố cổ Hội An vẫn luôn "trẻ” mãi. Chắc có lẽ, càng trải qua thời gian, Hội An lại càng trở nên lung linh hơn thì phải?
Không gian cổ kính, rêu phong nhuốm màu thời gian của khu phố cổ Hội An. |
Vì thế nên dù bạn có là ai, du khách trong nước hay quốc tế, dẫu chỉ một lần đến Hội An cũng đều bị quyến rũ, bị chinh phục bởi đô thị cổ nhỏ bé và êm đềm này. Với những mái ngói lên rêu chồng xếp tầng tầng lớp lớp đâu đó phảng phất ký ức của thời gian; những con phố hẹp không thể hẹp hơn với những căn nhà ống mà khi bước vào vừa thấy ấm áp vừa thấy mát lành; những con mắt cửa ngơ ngác và thân tình; hay chỉ đơn giản là những bức chạm gỗ tinh mỹ, đen bóng, ánh lên bề dày năm tháng… Tất cả đều khiến Hội An trở nên đẹp mơ màng và trầm lắng.
Nét cổ kính, uy nghiêm được khắc sâu trên từng ngóc ngách nhỏ. |
Cả khu phố lung linh trong sắc thắm lồng đèn…
Dừng chân nơi phố cổ Hội An, bạn sẽ thấy một dãy phố thân thương, bình dị đến mát lành. Không quá tấp nập như khu phố cổ ngoài Hà Nội, thế nhưng nơi đây lại được trang hoàng với những sắc màu sặc sỡ, xanh xanh đỏ đỏ, của những chiếc đèn lồng. Phải chăng, cũng chính vì thế mà "đèn lồng” được coi là đặc sản của khu phố Hội?
Đèn lồng được xem là đặc sản của Hội An. |
Ðèn lồng Hội An từ lâu đã trở thành món quà quý. Dọc theo các tuyến phố, ánh điện trở nên chìm khuất bởi sắc màu của đèn lồng trên các khung cửa gỗ. Người dân Hội An yêu sản phẩm của quê mình đến độ từng chiếc đèn soi bảng hiệu, từng đèn trang trí... đều được thắp bằng đèn lồng. Thậm chí, có những cửa hiệu tắt hẳn đèn điện bình thường, chỉ dùng những dãy đèn lồng nhiều màu sắc để soi sáng đồ vật.
Nếu bạn đã từng đến đây một lần chắc sẽ chẳng thể nào quên được những cửa hàng đèn lồng sặc sỡ sắc màu này. |
Vì vậy mà ai ai đến đây cũng đều mua về một vài chiếc đèn lồng nhỏ như muốn gói lại thứ ánh sáng đặc biệt ấy để mang về lưu giữ như một "tín vật” của Hội An. Nếu như ban ngày Hội An cổ kính suy tư, thì vào buổi đêm khi sắc đèn lồng lung linh tỏa sáng thì Hội An như trút bỏ "chiếc áo" đô thị để quay về một thời quá khứ trầm mặc, khép kín. Và phố cổ như bước ra từ một thế giới thần tiên cổ tích, lung linh huyền ảo bởi những chiếc đèn lồng thô sơ mà rất đổi diệu kỳ.
Ở Hội An, chỗ nào bạn cũng có thể lưu giữ khoảnh khắc tuyệt vời. |
Đó cũng chính là dịp để du khách có thể "trải lòng” như sống lại khung cảnh xưa với lối kiến trúc cổ hòa vào không gian huyền ảo, diệu kỳ và đậm chất thơ ở Hội An.
Trong đêm tối, ánh sáng đèn lồng vẫn bung tỏa nơi nơi. |
Nhịp sống thanh bình đến "trong mơ còn thức”…
Vốn là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn hóa, nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng Hội An không phồn hoa: "Hội” mà vẫn "Yên”.
Nhịp sống yên bình của người dân nơi phố hội khiến ai cũng yêu, cũng mến. |
Dù là lễ hội với lượng du khách rất đông đảo nhưng Hội An vẫn luôn trầm lắng, mọi thứ vẫn luôn chuyển động rất nhẹ nhàng, thư thái và an toàn. Có lẽ vì nhịp sống như vậy nên đến khoảng 22h là mọi hoạt động đã ngừng lại, đến 23h thì mọi ánh sáng lung linh ở con phố này đã nhường chỗ cho những ngọn đèn hiu hắt và vài hàng ăn nhỏ bên vỉa hè. Chỉ ngắm nhìn vậy thôi cũng đủ khiến bạn phải bâng khuâng da diết và không muốn rời xa…
Không chỉ có đèn lồng, hoa giấy cũng được trồng ở nhiều nơi để điểm tô thêm cho phố Hội. |
Con người luôn biết cách "kiến tạo” những cái mới…
Gọi là phố cổ nhưng Hội An không hề già nua, bởi nơi đây có những con người luôn duy trì những nét đẹp xưa để làm cho phố thêm nét cổ và làm cho cái cổ trở nên sống động, hấp dẫn, phát huy đầy đủ bản sắc văn hóa đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được.
Gọi là phố cổ nhưng không phải là phố già, vì con người nơi đây luôn biết kiến tạo những cái mới. |
Phố cổ Hội An với những "bản tình ca bất hủ” cùng năm tháng…
Cho đến ngày nay, phố cổ Hội An vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây. Một lần du lịch Hội An sẽ làm say đắm lòng du khách bởi những nét đẹp trường tồn cùng thời gian, vô cùng mộc mạc, bình dị.
"Anh muốn kể Lai Viễn Kiều Hội phố
Đón đợi người sang nghiêng bóng sông chiều
Mái gỗ cầu cong sơn son chạm trổ
Mấy trăm năm rồi ngói vẫn ấm màu rêu”…
Phố cổ Hội An còn được xem là địa điểm du lịch sống mãi với thời gian. |
Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính của những con phố cổ xinh xắn, những mái ngói rêu phong cùng bờ sông Hoài thơ mộng mà Hội An trong lòng mỗi du khách còn là một nét đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, bức tường và cả những con đường. Đường phố nơi đây được bố trí ngang dọc theo kiểu bàn cờ với những con phố ngắn và đẹp, uốn lượn như ôm lấy những ngôi nhà.
Dù trải qua bao thời gian, nhưng nơi đây dường như vẫn còn nguyên nét cổ kính. |
Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương.
Những món ăn ngon của "một thời để nhớ”…
Bánh mì Phượng cũng được xem là một đặc sản của Hội An. |
Hội An còn được xem là thủ phủ ẩm thực độc đáo Việt Nam với đa dạng các món ăn từ dân dã cho đến sang trọng thu hút mọi du khách mà nhất định phải kể đến đó là: mì Quảng, cao lầu phố Hội, cơm gà, chè dừa, hoành thánh, bánh mì, bánh su sê, bánh vạc, cua gạch, tôm cá… Dảo chân bước vội qua từng con phố nhỏ xinh và yên bình ấy là bạn cũng có thế "nuốt trọn” cả Hội An vào trong dạ dày rồi nhé!
Bánh bèo Hội An - Một trong những món ăn yêu thích của khách du lịch. |
Những tấm chân tình đôn hậu mà nồng ấm đến khó quên…
Khắp nơi ở Hội An, đi đâu bạn cũng đều bắt gặp những ánh mắt rất thân thiện, những nụ cười rất tươi của người dân trong vai "chủ nhà” đón chào khách. Họ mời khách mua những món hàng lưu niệm hết sức lịch sự và nhã nhặn. Hoàn toàn không có hình ảnh chèo kéo, năn nỉ hay đeo bám khách du lịch. Lòng mến khách của người Hội An tạo ấn tượng khó quên để du khách còn nhớ mãi và hẹn dịp trở lại.
Những con người đôn hậu với tấm lòng hiếu khách... |
Trầm lắng là thế, giản dị là thế nhưng Hội An vẫn luôn mang một nét đẹp riêng trong từng góc phố, từng mái nhà, và trên những con đường nhỏ. Đến đây, bạn có thể cảm nhận được sự ấm áp trong từng món ăn, từ nụ cười thân thiện, gần gũi của người dân. Thậm chí cả cây cỏ, không gian nơi đây cũng như chiều lòng du khách. Bước đi trên từng con phố nhỏ, bạn như tìm thấy chính mình trong những ngày xưa cũ, những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ trên mảnh đất xa lạ và đầy thân thương này.
Chỉ cần đến Hội An một lần, chắc chắn bạn sẽ chẳng nỡ rời xa nơi này. |
(HBĐT) - Từ ngày 17 – 23/6, đoàn công tác của Sở VH –TT&DL tỉnh do đồng chí Bùi Ngọc Lâm, TUV, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Bảo tàng Kay Sỏn – Phôm vi hẳn, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Tham gia cùng đoàn có lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, Ban quản lý di tích tỉnh và phòng quản lý văn hoá –Sở VH – TT&DL tỉnh. Tiếp đón và làm việc với đoàn có đồng chí Sỉng Thong - Sỉng hả păn nha, Quyền Trưởng ban phụ trách Bảo tàng Kay sỏn - Phôm vi hẳn và đại diện 16 phòng ban thuộc Bảo tàng.
(HBĐT) - Mùa hè là dịp để các em nghỉ ngơi sau 1 năm học tập vất vả. Ngoài cho trẻ vui chơi, giải trí, nhiều bậc phụ huynh và thiếu nhi mong muốn được đọc những cuốn sách hay, bổ ích để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống, nâng cao văn hóa đọc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều hình thức để các em và các bậc phụ huynh có thể tiếp cận với sách.