(HBĐT) - Nằm cách tỉnh lộ 436 chừng 300 m, từ lâu, thác Trăng thuộc x6óm Trăng, xã Do Nhân (Tân Lạc) đã trở thành điểm đến lý tưởng của người dân trong những ngày hè oi bức.


Nhiều năm nay, thác Trăng, thuộc xóm Trăng, xã Do Nhân (Tân Lạc) trở thành địa điểm hút khách trong những ngày hè oi ả.

Tên thác Trăng vốn đã gợi những mường tượng về phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Trăng là một bản Mường nằm dưới chân núi Bó Bủi với những thửa ruộng bậc thang, được điểm tô thêm dòng thác trắng xóa. Mùa khô, khi dòng nước chảy về từ xã Quyết Chiến nhỏ dần, thác Trăng cũng bước vào giai đoạn "ngơi nghỉ”. Đến đầu tháng 3 (âm lịch), những cơn mưa lớn "đánh thức” các dòng suối, những dòng nước mát lạnh, trong vắt lại được dịp "nhảy múa” trên những bậc thác mà mẹ thiên nhiên ban tặng.

Với 3 bậc thác, cách nhau chỉ vài chục mét, nhiều năm trở lại đây, thác Trăng đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham quan, giải nhiệt trong những ngày hè. Ngay khi đến nhà văn hóa xóm Trăng là hình ảnh con thác tung bọt trắng xóa với độ cao chừng 20 m. Con thác đầu tiên này không quá dốc, ở giữa thác có một cây cổ thụ, bóng cây bao trùm con thác, tạo nên địa điểm lý tưởng để du khách tắm thác. Ngay phía trên là con thác thứ hai. Con thác này chỉ cao chừng 3 m, dưới chân thác là vũng nước như một bể tắm mini. Tuy nhiên, bà con khuyến cáo, vào những ngày nước lũ lớn, du khách không nên tắm ở thác nước này.

Tiếp tục đi về phía thượng nguồn chừng 50 m là con thác mà nhiều du khách thích thú nhất. Con thác này cao khoảng 5 m, dốc đứng, nước chảy từ trên cao xuống tạo thành vũng nước sâu trên 2 m. Với làn nước trong xanh, mát lạnh, dù ngày hè oi bức là vậy nhưng du khách cũng chỉ ngâm mình dưới nước được vài phút là phải lên bờ tắm nắng.

"Từ xa xưa, thác Trăng đã gắn bó với đời sống người dân trong xóm. Đây là nguồn nước vừa phục vụ sản xuất, vừa cung cấp nước sinh hoạt. Hơn 10 năm trở lại đây, không chỉ người dân trong xã mà ở các xã, huyện lân cận cũng về tắm thác, nhất là những ngày nắng nóng cao điểm. Trong những ngày nghỉ cuối tuần, có thời điểm thác Trăng đón hàng trăm, hàng nghìn khách gần xa lui tới mỗi ngày. Khoảng thời gian đông khách nhất là từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều”, đồng chí Bùi Trọng Nhơn, Bí thư chi bộ xóm Trăng cho biết.

Theo đồng chí Bí thư chi bộ, thác Trăng có nhiều điểm thuận lợi để phát triển du lịch trong tương lai. Ví như sân bóng chuyền ngay trước nhà văn hóa xóm khá rộng rãi, là nơi để du khách gửi xe khi đến tắm thác. Đây cũng là vị trí để bà con trong xóm có thể bán các mặt hàng phục vụ du khách. Nhận thấy tiềm năng phát triển đó, ba năm trước, gia đình anh Bùi Văn Tú đã xây dựng quán nước giải khát. Anh Tú cho biết, thời điểm đông khách nhất, gia đình anh bán được trên 2 triệu đồng tiền hàng/ngày. "Ngày lễ xe của khách để kín hết sân bóng. Chúng tôi chỉ bán nước mía, nước ngọt chứ không thu tiền gửi xe của khách. Nếu được đầu tư xây dựng hạ tầng, có chiến lược phát triển thì tôi nghĩ thác Trăng là địa điểm sẽ được du khách ưa thích. Trên hết là sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập cho bà con trong xóm”, anh Tú chia sẻ.

Với cảnh đẹp hoang sơ, tiềm năng du lịch lớn, thác Trăng là một trong những thắng cảnh nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện Tân Lạc. Để đảm bảo ANTT, hiện nay, UBND xã Do Nhân đã thành lập tổ tự quản thác Trăng. Tuy nhiên, do hạ tầng cho du lịch chưa được đầu tư xây dựng nên con thác hiền hòa này chưa đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế. Dù vậy, với vị trí ngay gần tỉnh lộ 436, đường giao thông khá thuận lợi nên thác Trăng trở thành địa điểm lý tưởng để "giải nhiệt” trong những ngày hè.

                                 Viết Đào


 


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục