(HBĐT) - Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Cùng với nhân dân trên khắp mọi miền, ngay từ sáng sớm, người dân thành phố Hòa Bình cũng tấp nập làm lễ cúng ông công ông táo. Đây là một nét văn hóa đặc sắc đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Tuy nhiên, để có một cái Tết thực sự ý nghĩa, người dân cần nâng cao hơn nưa ý thức bảo vệ môi trường.
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người.
Trong lễ cúng ông công ông táo không thể thiếu cá chép đỏ.
Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.
Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.
Năm nay, lễ cúng ông công ông táo diễn ra trong tiết trời khá ấm áp, nắng đẹp và mặc dù vào thứ hai đầu tuần nhưng không vì thế mà gây khó khăn cho chị em công sở. Tại thành phố Hòa Bình, ngay từ chiều chủ nhật 22 tháng chạp, các chợ trung tâm đã tấp nập người mua bán các loại hàng phục vụ lễ cúng ông công ông táo. Chị Bùi Thị Hằng, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình cho biết: "Vì Tết ông công vào đầu tuần nên từ chiều chủ nhật tôi dành thời gian mua đồ và làm hết những món cần thiết, sáng thứ hai chỉ đi chợ sớm mua cá chép về cúng sớm để kịp đi làm”. Thực tế đây cũng là lựa chọn của rất nhiều chị em công sở thành phố Hòa Bình.
Với mong cầu có nhiều may mắn trong năm mới nên mâm cỗ cúng ông công ông táo được nhiều gia đình chuẩn bị khá tươm tất và chu đáo. Tuy nhiên, dạo một vòng quanh thị trường đồ cúng lễ có thể thấy giá cả cũng không có nhiều biến đồng. Đặc biệt những mặt hàng không thể thiếu như bộ mũ áo ông công ông táo năm nay khá mềm, có nhiều loại để người dân lựa chọn với mức giá từ 25 đến 45 ngàn đồng. Cá chép vàng năm nay tuy không rơi vào tình trạng "cháy hàng” như các năm trước đây nhưng giá bán cũng cao hơn năm ngoài, đặc biệt là vào các đầu buổi chợ sớm. Chị Nguyễn Thị Lới, một người bán cá ở chở Phương Lâm cho biết: Người dân đi mua cá chép vàng thường mua 3 – 5 con nên chị thường bán loại cá nhỏ từ 2 – 3 ngón tay có giá 25 ngàn ba con. Không bán cá quá to vì nhập vào đắt mà bán lại khó, cá nhỏ quá cũng rất khó bán.
10 giờ sáng ngày Tết ông Công, ông Táo, hai bên bờ sông Đà ngập trong rác bởi sự thiếu ý thức của nhiều người dân. Sau khi thả cá, nhiều người vứt lại các túi nilon, thậm chí, cả chân hương, tro bụi từ đốt vàng mã… Mặc dù một số người dân đã ý thức gom túi nilon vào một góc để cùng dọn nhưng nhiều người vẫn thản nhiên vứt cả túi nilon và giấy rác xuống lòng sông, thậm chí tình trạng này diễn ra ngay trên lan canh cầu cứng Hòa Bình. Càng vào buổi chiều, ý thức bảo vệ môi trường của người dân càng kém, nhiều người không đi xuống sông mà đứng ngay trên cầu đổ cá xuống sông rồi để lại túi trên thành cầu.
Tết ông Công, ông Táo qua đi Tết Nguyên đán cũng sắp đến. Hy vọng, những hành động, việc làm chưa đúng, chưa đẹp sẽ sớm được khắc phục để mọi người ai cũng được đón một cái Tết vui vẻ và ý nghĩa.