Cán bộ, chiến
sỹ đảo Nam Yết gói bánh chưng xanh đón Xuân Kỷ Hợi 2019. (Ảnh: Quang
Thái/TTXVN)
Như nguồn cội bắt đầu một sự sống, mùa Xuân ở Trường Sa luôn đến sớm hơn đất liền,
chất chứa hương quê, căng tràn sức trẻ và chứa chan niềm tin yêu.
Ngập tràn sắc Xuân
Những ngày này, tiết trời Trường Sa không se lạnh - kiểu thời tiết đặc trưng
báo hiệu mùa Xuân về như ở đất liền. Thế nhưng khắp các đảo lớn, nhỏ ở quần đảo
Trường Sa, mùa Xuân đã ngập tràn.
Giữa cái nắng hanh hao pha chút mặn chát của biển khơi, những khóm hoa bàng
vuông, mù u, muống biển e ấp khoe sắc. Phía xa xa, đàn cò lững thững dạo chơi
giữa sắc xanh mướt của cỏ cây. Đứng giữa trời Xuân Trường Sa mà cứ ngỡ như mùa
hạ. Trời biển xanh ngắt một màu, gió lộng bốn bề và nắng vàng rực rỡ.
Trên những hòn đảo khô cằn, chỉ có nắng - cát và gió, sức sống mùa Xuân vẫn
vươn mình mạnh mẽ. Nhiều người trong Đoàn công tác đến thăm Trường Sa đã thốt
lên "Xuân đã dệt thảm đón chúng ta.”
Trung tá Đồng Văn Sình, Phó Chỉ huy trưởng Đảo Nam Yết (Lữ đoàn 146) cho biết:
Dẫu bận rộn với các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, song công tác chuẩn
bị vui Xuân, đón Tết được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chuẩn bị từ nhiều tháng
nay. Bên cạnh sự chung tay giúp đỡ của nhân dân cả nước đối với quân và dân ở
Trường Sa, sự chủ động tăng gia sản xuất… cơ bản đã đảm bảo một cái Tết đủ đầy,
đầm ấm.
Với lính đảo, đảo là nhà - biển là quê hương nên Xuân về, mỗi người mỗi việc, tất
bật chuẩn bị Tết. Vì vậy, chẳng phải ngạc nhiên mà những ngày này, khắp đảo rộn
vang tiếng cười nói, các căn phòng, nhà sinh hoạt tấp nập người qua.
Hình ảnh những chiến sỹ Hải quân trong màu áo trắng-xanh đứng dưới tán bàng
vuông, cây phong ba cùng với người dân quây quần gói bánh chưng, chuyện trò rôm
rả thật lãng mạn. Đặc biệt, giữa biển trời mênh mông, nhiều đảo nổi như Sơn Ca,
Song Tử Tây, Sinh Tồn... khi trời đêm đổ xuống, những đóa hoa bàng quả vuông
bung nở tựa một trời pháo hoa thu nhỏ khiến cảnh Xuân ở đây đặc biệt hơn.
Đang tất bật bày lại mâm ngũ quả, tỉa những bông hoa giấy gắn vào nhánh bàng
vuông thay cho cây đào, cây quất, binh nhất Trương Võ Kỳ, đảo Nam Yết vô cùng
háo hức khi lần đầu được đón Tết ở đảo. "Đây là lần đầu em được ăn Tết trên đảo.
Cảm giác rất háo hức, rất lạ. Nhờ sự quan tâm của cấp trên, các anh trong đơn vị
và sự đoàn kết, xem nhau như anh em trong nhà, em cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà.
Em hứa sẽ cố gắng rèn luyện, trau dồi bản thân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ, góp phần bảo vệ bình yên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”
Nơi đầu sóng ngọn gió, các đảo như Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Thị, Đá
Nam... từng căn phòng, ngôi nhà, con đường, hàng cây như vừa khoác lên chiếc áo
mới. Những vườn rau xanh mướt, mỡ màng, quả đu đủ, bầu, bí trĩu cây, căng mọng;
đàn lợn, vịt béo núc trong chuồng. Đặc biệt, những khóm hoa - thứ được xem là
"xa xỉ" do môi trường khắc nghiệt ở đảo cũng đang vào độ. Chừng đó
cũng đủ thấy, sắc Xuân đã ngập tràn giữa biển khơi.
Nhánh bàng
vuông được bài trí đẹp mắt thay cho cành đào ngày xuân. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió
Với những người lính đảo, Xuân về cũng là lúc được thảnh thơi sum vầy bên đồng
đội, cùng ca hát, chơi trò chơi. Nhưng sau khoảng trời riêng vui Xuân đầm ấm
đó, những người lính trẻ lại trở về với nhiệm vụ, cùng chắc tay súng bảo vệ
bình yên vùng biển, đảo thiêng liêng, canh giữ cho nhân dân vui xuân mới.
Mùa Xuân Trường Sa cũng là mùa của những đợt thay quân, của hội ngộ và chia tay
đầy cảm xúc. Người từ đất liền ra đảo nhận nhiệm vụ mới với tâm trạng háo hức,
bỡ ngỡ. Người từ đảo trở về với đất liền quyến luyến, nhớ thương.
Ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó, cán bộ, chiến sỹ ở Trường
Sa luôn xác định "vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ.”
Trung sỹ Nghiêm Tuấn Kiệt, đơn vị pháo K7, đảo Nam Yết chia sẻ: Đây là lần đầu
tiên chúng tôi được đón Tết ở đảo xa nhưng rất đầy đủ. Có bánh chưng, giò, chả
và tình đồng đội ấm áp nên cũng vơi đi nỗi nhớ nhà. Chúng tôi vui Xuân nhưng
không quên nhiệm vụ, luôn sẵn sàng chiến đấu và nêu cao tinh thần cảnh giác trước
các âm mưu thù địch của kẻ thù.
Bên cạnh các hoạt động vui Tết cổ truyền của dân tộc, để ổn định tư tưởng, tâm
lý cho các lính trẻ mới nhận nhiệm vụ, công tác huấn luyện, học tập tư tưởng đạo
đức Hồ Chí Minh được các đơn vị song song thực hiện vào các đợt sinh hoạt, học
tập. Nhờ đó, 100% cán bộ, chiến sỹ có tâm lý, lập trường chính trị vững vàng, sẵn
sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trung tá Đồng Văn Sình, Phó Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết (Lữ đoàn 146) khẳng định:
Sau khi làm nhiệm vụ thay, thu quân xong, chúng tôi đã nhanh chóng ổn định tổ
chức, thực hiện các đợt học tập, quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về
tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nói
chung cũng như đảo Nam Yết nói riêng.
Nhờ đó, 100% cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa đã xác định
được vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, yên tâm công tác, sẵn
sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đất liền hãy yên tâm vui mừng Xuân mới;
giữa biển khơi, cán bộ và chiến sĩ chúng tôi luôn chắc tay súng, sẵn sàng hy
sinh để bảo vệ vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dưới tán bàng vuông với những bông hoa đang bung nở khoe sắc, từng tốp lính đảo
đang quây quần đàn hát, vui Xuân. Phía xa, tiếng sóng biển vỗ ì oạp vào lũy kè
hòa cùng tiếng bước chân tuần tra, bóng người in hình xuống mặt cát trắng xóa.
Mùa Xuân đều đặn đến rồi đi, người lính đảo vẫn vững vàng, hiên ngang nơi đầu
sóng ngọn gió.
Các chiến sỹ
hải quân vẫn chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ
quốc. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
TheoVietnamplus
(HBĐT) - Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Cùng với nhân dân trên khắp mọi miền, ngay từ sáng sớm, người dân thành phố Hòa Bình cũng tấp nập làm lễ cúng ông công ông táo. Đây là một nét văn hóa đặc sắc đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Tuy nhiên, để có một cái Tết thực sự ý nghĩa, người dân cần nâng cao hơn nưa ý thức bảo vệ môi trường.