(HBĐT) - Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đến nay, huyện Lạc Thủy đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách. Riêng trong quý I/2019, Lạc Thủy đã đón khoảng 450 nghìn lượt du khách thăm quan, tăng 12,5% so với năm 2018 và đạt 60% so với kế hoạch tỉnh giao cho cả năm 2019. Trong đó, riêng khu du lịch chùa Tiên - xã Phú Lão thu hút khoảng 150 nghìn lượt du khách. Tạo được sức bật về du lịch, huyện Lạc Thủy đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh.


Du khách chiêm bái tại khu di tích chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy).

 Đánh thức tiềm năng

Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Lạc Thủy có nhiều sông, suối, núi đồi và hang động đẹp, hấp dẫn. Huyện cũng là địa phương có nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nhất tỉnh. Trong 85 di tích đã được xếp hạng, có 6 di tích được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia, gồm: Di tích lịch sử cách mạng địa điểm Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê, di tích khảo cổ học hang Đồng Thớt, di tích khảo cổ động Tiên, di tích danh lam thắng cảnh quần thể hang động khu vực chùa Tiên - xã Phú Lão, di tích thắng cảnh hang Luồn, di tích danh lam thắng cảnh hang động núi Niệm - xã Phú Thành. 8 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, gồm: Chùa An Linh - xã Yên Bồng; đình làng Đồi, đền Vai, đình làng Vôi - xã Thanh Nông; đình Niếng - xã Hưng Thi; đình làng Chùa - xã Phú Thành; đền Rem - thị trấn Chi Nê; đền Niệm - xã Phú Thành.

Đồng chí Bùi Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Thủy cho biết: Để biến những tiềm năng thành lợi thế phát triển du lịch, tháng 7/2007, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Thủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 về "Phát triển du lịch đến năm 2015, định hướng phát triển đến năm 2020”. Mục tiêu Nghị quyết nêu rõ: Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Phát triển du lịch có trọng điểm, tập trung đầu tư và xúc tiến đầu tư vào khu du lịch động Tiên - xã Phú Lão, du lịch sinh thái xã Đồng Tâm, danh lam thắng cảnh hang Luồn. Phấn đấu đến năm 2010, khu du lịch xã Phú Lão được công nhận là khu du lịch của tỉnh, đến năm 2015 xây dựng và được công nhận là điểm du lịch quốc gia, tiến tới là khu du lịch quốc gia… Theo đó, huyện đã từng bước quy hoạch phát triển du lịch của huyện và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trọng điểm để đầu tư, tôn tạo nhằm khai thác các tiềm năng này để phát triển ngành công nghiệp không khói trên địa bàn.

Dành sự quan tâm đúng mức cho du lịch

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết số 03 của Huyện ủy, ngay từ những năm 2008, 2009, huyện Lạc Thủy đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển du lịch có trọng điểm. Theo đó, tập trung đầu tư và xúc tiến đầu tư vào điểm du lịch động Tiên - xã Phú Lão, khu du lịch sinh thái xã Đồng Tâm, danh lam thắng cảnh hang Luồn, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Tâm, khu du lịch sinh thái Minh Ngọc, khu du lịch sinh thái Làng Đá Bạc…

Một mặt, đa dạng hoá các ngành dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện phát triển các loại hình du lịch, ưu tiên phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, truyền thống, tín ngưỡng, đặc biệt là điểm du lịch động Tiên - xã Phú Lão, các điểm du lịch ở xã Đồng Tâm, thị trấn Chi Nê, xã Phú Thành, Cố Nghĩa. Xây dựng các tua, tuyến, điểm du lịch gắn với các vùng lân cận, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các khu, các điểm du lịch trọng điểm của huyện. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh về phát triển du lịch. Hàng năm, huyện dành kinh phí nhất định để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vào các khu du lịch, các công trình phúc lợi. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh du lịch trên tất cả các lĩnh vực. Ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân được chọn vị trí để xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch. Tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn làm tốt chức năng tham mưu thực hiện quản lý Nhà nước về thương mại, du lịch và đào tạo đội ngũ hướng dẫn tua du lịch. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá du lịch; nâng cao nhận thức về du lịch cho nhân dân; phối hợp với các tỉnh lân cận liên kết cùng phát triển dịch vụ du lịch.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền huyện, Lạc Thủy đã tạo được sức bật cho ngành du lịch. Từ nhiều năm nay quần thể danh thắng chùa Tiên đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương, mỗi năm, điểm du lịch này đón khoảng trên 300 nghìn lượt khách, doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đồng chí Đỗ Danh Ngọc, Trưởng Ban quản lý các di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Để đáp ứng nhu cầu thăm quan, du lịch của du khách, huyện Lạc Thủy đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều hạng mục, công trình ở chùa Tiên (trong đó công trình chùa Tiên mới được xây dựng trên diện tích trên 1.200 m2, khánh thành và đưa vào hoạt động năm 2011). Từ năm 2018, khu di tích chùa Tiên ký hợp đồng với các công ty, HTX vận tải đưa xe điện vào phục vụ du khách. Để nâng cao chất lượng phục vụ và kết nối tua, tuyến du lịch, cuối năm 2018, huyện Lạc Thủy đã đầu tư xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình dài khoảng 3,5 km từ chùa Tiên đi chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội), dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2019. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ điểm du lịch danh thắng chùa Tiên thu hút ngày càng đông đảo du khách.

Cùng với danh thắng chùa Tiên, di tích Nhà máy in tiền cũng được đầu tư tôn tạo và đưa vào khai thác; 3 khu du lịch sinh thái, gồm: khu du lịch sinh thái Đồng Tâm, khu du lịch sinh thái Minh Ngọc, khu du lịch sinh thái Làng Đá Bạc đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào phục vụ du khách.

 

Thúy Hằng

Các tin khác


Tỉnh ta đón 12 vạn lượt du khách dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5

(HBĐT) - Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL, dịp nghỉ lễ 30/5, 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5) lượng khách đến các điểm du lịch của tỉnh để tham quan, khám phá tăng mạnh, đạt 12 vạn lượt người (tăng 98% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, khách trong nước là 110.000 lượt, khách quốc tế là 10.000 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 70 tỷ đồng.

Tranh bảo vật quốc gia hư hỏng 30% sau vệ sinh

Chiều 2.5, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm vừa có Văn bản 197 báo cáo về việc kiểm tra bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác chuẩn bị Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019

Ngày 2-5, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có chuyến thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Trưng bày những kỷ vật gắn với đường Hồ Chí Minh

Ngày 3-5 tới, triển lãm chuyên đề "Ký ức Trường Sơn” sẽ diễn ra với những tài liệu, hiện vật gắn với quá trình mở con đường huyền thoại xẻ dọc dãy núi Trường Sơn cứu nước.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích

(HBĐT) - Huyện Yên Thuỷ có hệ thống các cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hoá gắn với văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người dân địa phương, gồm: 12 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 9 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Thời gian qua, các di tích này đã và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo phục vụ việc phát triển du lịch.

Nỗi niềm của người truyền dạy chiêng

(HBĐT) - "Đối với người Mường, chiêng là linh hồn, là báu vật. Tiếng chiêng trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường. Biết đánh chiêng từ khi 10 tuổi, giờ tóc đã bạc nhưng tôi vẫn đam mê cháy bỏng với chiêng. Thế nhưng, điều làm tôi trăn trở, day dứt nhất là hiện nay, một bộ phận lớp trẻ trong xã không mặn mà với chiêng nữa, thậm chí các con, các cháu không hiểu ý nghĩa của tiếng chiêng”- cụ Bùi Ngọc Bích, xóm Bưng 1, xã Thu Phong (Cao Phong) chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục