(HBĐT) - Về Liên Vũ, nay là thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) đi một vòng qua các xóm Vôi, Chiềng Cả, Cháy, Beo… thực sự tôi không còn thấy đậm sắc bản Mường. Bởi, ven các cung đường liên xóm, phần lớn ngôi nhà sàn truyền thống đã được thay bằng những ngôi nhà bê tông cốt thép từ 1 - 3 tầng. Chỉ khi tìm hiểu đời sống trong dân mới thấy hồn Mường trong đó.


Các thành viên Câu lạc bộ thơ ca Nhớ nguồn (Lạc Sơn) tập dượt trước giờ biểu diễn.

Có mặt trong buổi giao lưu giữa CLB thơ ca Nhớ nguồn của huyện Lạc Sơn với các hội viên Chi hội Văn học (Hội VH-NT tỉnh), tôi đắm chìm trong điệu sênh tiền, lưu thủy, múa bông và hoàn toàn bị hút theo những làn diệu dân ca Mường. Bà Bùi Thị My, xóm Cháy, một hạt nhân tích cực của CLB chia sẻ: CLB thơ ca Nhớ nguồn là điểm hẹn của những người yêu văn hóa, văn nghệ của 2 xã Hương Nhượng và Liên Vũ (cũ). Thấy cần có một sân chơi để giao lưu, chia sẻ, để hát cho nhau nghe, múa cho nhau xem và cùng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2012, hơn chục anh chị em đã cùng chụm lại thành lập CLB thơ ca lấy tên là "Nhớ nguồn”. Thấm thoắt cũng đã duy trì được 8 năm, CLB hiện có 25 thành viên, tuổi đời từ 60 - 76 tuổi. Từ khi thành lập đến nay, CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên vào tối thứ Bảy, hoặc Chủ nhật hàng tuần. Thi thoảng tham gia biểu diễn trong các dịp lễ, hội của địa phương. Hầu hết những bài thơ, điệu nhạc đều do các thành viên CLB tự biên, tự diễn, chỉ khi cần có một chương trình quy mô, có tính nghệ thuật cao, để đi biểu diễn giao lưu đối ngoại mới viện đến sự trợ giúp của cán bộ của Trung tâm VH-TT&TT huyện. Hiện tại, CLB Nhớ nguồn đã khẳng định "thương hiệu” của mình với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Mường Vang: "Tấu cồng chiêng”, múa hát "Ngày hội xứ Mường”, "Làng nghề thổ cẩm”, "Lạc Sơn đêm hội”, "Hương sắc bản Mường”, "Tình ca Tây Bắc”… và những điệu hát đúm, dân ca Mường ngọt ngào, sâu lắng. Dẫu chỉ là "cây nhà, lá vườn”, nhưng lời ca, tiếng hát, tiếng chiêng của CLB Nhớ nguồn đã vươn xa tới nhiều huyện bạn như: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, TP Hòa Bình và đã đến cả Thủ đô Hà Nội.

Tham gia cuộc giao lưu, các hội viên Chi hội Văn học đã mang đến những tiết mục thơ, ca đậm đà bản sắc văn hóa Mường, với những bài thơ: "Nhạc rừng”, "Lời dặn của người bạn vùng cao”, "Thôi đừng làm thế anh ơi!”, "Lời thơ xứ Mường”, "Chuyện tình anh bộ đội Tây Tiến”, bài hát "Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang”… Đọc xong bài thơ đầy cảm xúc của mình về đất Mường Hòa Bình, chị Kim Cúc, chi hội trưởng Chi hội Văn học tỏ bày: Tuy không sinh ra ở đất Mường Hòa Bình, nhưng hơn 30 công tác, sinh sống ở cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình tôi đã thấm đẫm nét văn hóa đậm đà bản sắc. Về với vùng đất Mường Vang, được nghe, được xem các anh, chị CLB thơ ca Nhớ nguồn múa hát ca ngợi quê hương, tôn vinh bản sắc dân tộc, tôi thấy yêu hơn đất và người Hòa Bình. Chuyến đi đong đầy cảm xúc đã giúp tôi viết tiếp những vần thơ sâu lắng, để bổ sung vào kho tàng văn học, nghệ thuật của tỉnh.

Không riêng chị Kim Cúc, nhiều người đã nghe, xem các thành viên CLB thơ ca Nhớ nguồn biểu diễn, hay biết họ đang tích cực hướng dẫn, truyền dạy cách đánh chiêng, kéo nhị và các làn điệu dân ca Mường cho thế hệ trẻ đều biểu lộ sự tâm đắc. Bởi, bằng nhiệt huyết, đam mê, họ đang góp phần giữ hồn Mường trong từng lời ca, điệu múa.


Lam Nguyệt


Các tin khác


Âm nhạc Hòa Bình - những nốt thăng đáng mừng

Với những nhạc sĩ, thi sĩ và những người yêu âm nhạc ở Hòa Bình, năm 2023 được xem là một mùa bội thu: nhiều tác phẩm được sáng tác mới, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, cuộc thi khu vực do các tỉnh và Trung ương tổ chức.

Huyện uỷ Lạc Sơn gặp mặt những người làm công tác bảo tồn văn hoá truyền thống 

Ngày 15/3, Huyện uỷ Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành và báo chí, truyền thông về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024. 

Festival phở năm 2024: Sức hấp dẫn của phở Việt

Phở là món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Phở được nhiều đầu bếp, chuyên gia, tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Phường Dân Chủ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại huyện Lạc Sơn

Ngày 13/3, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lạc Sơn.

Huyện Lương Sơn đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao

UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục