(HBĐT) - Trong ký ức của mỗi người dân đất Việt bao giờ cũng tồn tại những phiên chợ quê gần gũi, thân thương. Chợ quê tuổi thơ tôi nằm ngay bên bờ sông Bôi, huyện Lạc Thủy. Thời đó, tôi thường lẽo đẽo theo bà nội đi chợ từ sáng sớm.

 


Chợ vùng hồ khu vực đền Bờ (Đà Bắc) với các sản vật địa phương hấp dẫn du khách.

Trong phiên chợ, không khí đông vui, náo nhiệt. Người dân gặp nhau tay bắt mặt mừng, rôm rả chuyện trò như người thân thiết. Sau khi bán xong các mặt hàng, lúc là bó lá chè tươi, vài mớ rau, tôi  được bà cho đi ăn quà sáng. Khi thì được bà cho thưởng thức bát bún riêu cua hành phi thơm nức, miếng bánh đúc nồng nồng chấm tương, hay đĩa bánh cuốn tráng nóng hổi, lúc lại ăn những chiếc bánh rán quện đường, uống bát nước chè tươi thơm chát. Bà nội tôi còn hút thuốc lào trò chuyện vui vẻ về mùa màng, vật nuôi, cây trồng, tình hình các chợ quanh vùng với người quen... Giờ đã trưởng thành, nhưng thú đi chợ quê không bao giờ mất. Mỗi khi có dịp về quê, tôi vẫn dành thời gian đi chợ thưởng thức những thứ quà vặt, đồ ăn dân dã, đặc biệt là món tôm, hến sông Bôi - giờ đã thành đặc sản. 

Các phiên chợ quê không chỉ là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa thuần túy, mà là nơi chứa đựng những nét văn hóa thật riêng của người dân địa phương, tạo nên sức hút cho du khách gần xa đến trải nghiệm, khám phá. Do đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi có dịp về nhiều phiên chợ quê trên địa bàn tỉnh. Trở lại chợ phiên Lũng Vân vào trung tuần tháng 5. Chợ phiên Vân Sơn (trước là chợ Lũng Vân thuộc xã Lũng Vân), nay là xã Vân Sơn sáp nhập 3 xã Lũng Vân, Nam Sơn và Bắc Sơn. Chợ vẫn vậy, truyền thống họp vào thứ Ba hàng tuần, hội tụ bản sắc văn hóa các xã vùng cao của huyện Tân Lạc. 

Buổi chợ bắt đầu từ sớm tinh sương kéo dài đến hết buổi sáng. Người dân háo hức đến chợ, rất đông bà con các xã vùng cao của huyện Tân Lạc, người dân dưới vùng thấp, dưới xuôi cũng đến chợ Lũng Vân. Hàng hóa chẳng thiếu gì, từ các đồ quạt điện, quần áo, bật lửa, gạo, mì, mắm, muối, rượu, bia, kẹo bột, các thứ đồ uống… từ dưới xuôi chuyển lên. Nhưng cuốn hút nhất là các mặt hàng nông sản của bà con đem tới. Đó là con gà, con lợn, chục trứng, măng khô, quýt, chanh, su su, tỏi tía thơm lừng, rượu ngô, mật ong rừng mới lấy, rồi bồ, thúng đan tre, giang... là những sản phẩm chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc, kết tinh của sự lao động cần cù, sáng tạo của người dân ở vùng cao. 

Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là có nhiều nam, nữ thanh niên. Người ta đến chợ không chỉ để trao đổi buôn bán, mà còn dạo chơi, gặp gỡ, tâm tình trao gửi yêu thương. Nhiều người vượt cả mấy chục cây số đến với chợ Lũng Vân để cho đỡ nhớ. Ông Bùi Văn Thi nay đã ngoài 60 tuổi, hiếm khi bỏ chợ phiên Lũng Vân. Ông kể, hàng chục năm trước, giao thông khó khăn, khi ấy còn trẻ, cứ nghĩ đến chợ phiên Lũng Vân là lòng thấy sao xuyến, rạo rực, phải dậy từ tinh sương chưa tỏ mặt người, đi bộ gần 20 cây số mới tới chợ, khi thì mang theo mật ong rừng, con gà đến chợ bán, khi về mua chút thuốc lào, cái xẻng về làm nông cụ sản xuất. Giờ giao thông tốt hơn nhiều, đi bằng xe máy chỉ nửa tiếng đồng hồ có thể đến chợ hút hơi thuốc lào, ăn bát mì tôm gà, mua ít quà về cho cháu, con.

Nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng từ những buổi chợ phiên Lũng Vân. Nhiều người dưới xuôi đến chợ phiên Lũng Vân để gặp gỡ, trải nghiệm văn hóa người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở TP Hòa Bình nhiều lần đến chợ phiên Lũng Vân chia sẻ: Tôi có sở thích đi chợ phiên Lũng Vân, vì ở đây không khí trong lành. Sản phẩm nông nghiệp vừa rẻ, sạch, thích nhất là su su, tỏi tía, lợn, gà mua của bà con vùng cao. Trò chuyện với người dân thật dễ chịu, sẵn sàng mời về nhà dùng cơm thân mật. Điều kiện thiên nhiên lý tưởng, không khí trong lành, thực phẩm sạch, an toàn có thể là lý do khiến ở các xã vùng cao Tân Lạc có nhiều cụ thọ trên dưới trăm tuổi. 

Trên địa bàn tỉnh ta có nhiều khu chợ quê. Mỗi nơi có nét văn hóa riêng biệt, dễ gần, dễ hòa đồng, tạo sức hút cho du khách, người dân xa, gần. Chợ Vó, chợ Vụ Bản (Lạc Sơn) có những nét đặc sắc không thể quên, có thể mua ong, nhộng ong, trứng kiến, gà quê thịt thơm không đâu có được. Nếu may mắn gặp dịp có thể mua được mớ trạch suối về kho không đặc sản nào bằng. Ở các chợ ven sông vùng hồ Hòa Bình có thể mua được những nải chuối, các loại cá khô, cá tươi, măng rừng của đồng bào về làm quà quý cho người thân. Lên các điểm chợ huyện Mai Châu có thể mua được khoai sọ Phúc Sạn, tỏi tía Noong Luông, được ngắm những cô gái Thái, Mường xinh tươi, e ấp má hồng trong ngày nắng đẹp...

Các phiên chợ ở xóm, bản vẫn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tạo sức hút cho du khách. Trong tương lai không xa, mong rằng chợ phiên sẽ không chỉ là nơi trao đổi buôn bán, lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, mà còn được kết nối trong mối liên kết du lịch, để những nét đẹp ấy được biết đến nhiều hơn, bay xa hơn nữa.

                                                                   H.L



Các tin khác


Thành phố Hòa Bình duy trì hoạt động 130 câu lạc bộ văn hóa - thể thao

(HBĐT) - Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, từ cuối tháng 4 đến nay, các CLB văn hóa - thể thao của NCT trên địa bàn TP Hòa Bình đã hoạt động trở lại.

Xúc động chương trình “Dâng Người tiếng hát mùa xuân”

Tối 17-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt "Dâng Người tiếng hát mùa xuân”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020).

Thành phố Hòa Bình: 35 thí sinh thi vẽ tranh chủ đề “Thiếu nhi với Bác Hồ” năm 2020

(HBĐT) - Ngày 17/5, tại Nhà thiếu nhi tỉnh, Hội đồng đội Thành đoàn Hòa Bình phối hợp với Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức hội thi vẽ tranh với chủ đề "Thiếu nhi với Bác Hồ” thành phố Hòa Bình năm 2020.

Hoa bằng lăng – màu tím thủy chung đi qua từng mùa hạ

(HBĐT) - Tháng 5 về, nắng hè đổ xuống gay gắt hơn, cái nóng, cái oi bức của mùa hạ dường như đã được cảm nhận rõ. Trên mọi nẻo đường của phố phường TP Hòa Bình, hoa bằng lăng đã bắt đầu nở rộ. 

Tháng 5 thăm Tượng đài Bác Hồ

(HBĐT) - Những ngày tháng 5 lịch sử, hòa cùng dòng người, chúng tôi lên thăm Tượng đài Bác Hồ trên công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình. 

Độc đáo vẻ đẹp Hang Chùa – chùa Hang

Hang Chùa - chùa Hang xã Yên Trị (Yên Thủy) là một quần thể di tích có nhiều hang động đẹp, không chỉ độc đáo với các bài ký, bài thơ của người xưa ghi trên vách đá, có nhiều di chỉ của nền văn hóa Hòa Bình, mà còn được biết đến với nét độc đáo của ngôi chùa cổ nằm trong hang đá. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục