(HBĐT) - Mùa xuân mang hơi thở, không khí và diện mạo của Tết. Tết là thời điểm cuối đông chớm xuân, cũng bởi tiết trời đó, đối với mỗi người, Tết luôn mang trong mình một nét truyền thống, một dấu ấn khó phai. Có lẽ trong một năm, những ngày Tết được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê, những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm. Mẹ tôi vẫn bảo, khi năm cũ sắp qua, năm mới đang gõ cửa từng nhà, không khí trở nên gấp gáp hơn, lòng người cũng tất bật hơn. Cảnh vật, con người những ngày giáp Tết thật chộn rộn, cây cối xanh tươi hơn, nảy lộc, đâm chồi, con người trở nên vội vã để đón những điều mới mẻ đang ở phía trước.

Con đường làng cũng nhộn nhịp hẳn lên, bởi mọi người nghỉ việc đồng áng đổ ra đường đi sắm Tết. Trên khuôn mặt của từng người sáng bừng một niềm vui, háo hức đón xuân. Ai ai cũng tất bật, khẩn trương chuẩn bị cho cái Tết riêng của gia đình mình. Những ngày này, mọi người vội vàng sắp xếp công việc, dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón một năm mới với nhiều điều tốt lành và bình yên hơn. Và đây cũng là thời điểm người dân ở xóm làng náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc...

Chuẩn bị đón Tết, từ đầu đến cuối thôn, nhà nào cũng sắm sửa đào, quất để chưng đón Tết. Những cành đào hồng thắm, những trái quất vàng ươm sai trĩu cành, nào hoa hồng, hoa cúc, lay ơn đủ màu sắc góp nên không khí Tết rộn ràng. Ngoài những bông hoa được mua ngoài chợ còn có những bông hoa dân dã trong vườn nhà như hoa hải đường, hoa đồng nội khô được chuẩn bị từ trước. Mọi người rủ nhau đi chợ mua lá dong, mua cây giang chẻ lạt gói bánh chưng, cây nêu ngày Tết được trồng ở ngõ, các em thiếu niên cùng nhau quét dọn đường làng, ngõ xóm. Người lớn háo hức trong tất bật, trẻ con lại càng háo hức hơn. Những đứa trẻ theo mẹ đi chợ Tết, đôi má hồng hây hây ướm thử bộ quần áo mới, hay đôi giày, đôi dép mới trông dễ thương làm sao! Rồi bóng bay, tranh Tết rực rỡ... Đó cũng là một trong những lý do mà trẻ con thích ngày Tết hơn người lớn.
Tết "ngày xưa” - đêm 30 Tết, không tivi, cả làng tụ họp sân kho vui vẻ ôn lại những thành quả đã qua, hồi hộp chờ đón giao thừa với những ước vọng tốt lành. Khoảnh khắc bình dị, thân thương ấy giờ khó có thể tìm lại được bởi Tết ngày nay có quá nhiều đổi thay. Xã hội hiện đại, cuộc sống tiếp cận với mạng xã hội khiến nhiều thói quen, nếp sống của con người thay đổi. Trong dịp Tết, người ta không cần đến tận nhà, gặp tận mặt mới có thể chúc Tết, mà chỉ cần một chiếc smartphone là có thể gửi lời chúc năm mới tốt lành đi khắp nơi.

Tết là những ngày vui vẻ nhất trong năm, ngày đoàn viên, hạnh phúc của những người con xa quê trở về. Là ngày con cháu quây quần bên ông, bà, cha, mẹ bên bữa cơm Tất niên, để mừng thọ, chúc phúc, để thờ cúng tổ tiên và nhớ về những người đã khuất... Mùa xuân dệt nên bao ý niệm đẹp đẽ vào trong lòng mỗi người sự an vui, bình yên. Không khí buổi sáng đầu năm gợi cho tất cả mọi người một cảm giác quen quen, mưa xuân lất phất, bay bay. Xuân về, trên khắp các nẻo đường muôn hoa khoe sắc, lòng lại nhớ về những cái Tết ở quê đơn sơ, thân thương mà ấm áp, đã đi qua năm tháng tuổi thơ với ký ức đong đầy dư vị ngọt ngào.

Tản văn của Bùi Thị Chiều

Các tin khác


Rộn ràng chiêng Mường

(HBĐT) - Trong tâm thức của mỗi người con quê hương Hòa Bình, chiêng Mường đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, khắp nơi vang vọng tiếng chiêng lúc thì nhịp nhàng, trầm bổng, khi thì sôi động, hào hùng.... Chiêng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân tộc Mường, đặc biệt không thể thiếu trong các lễ hội xuân.

Khao Roi -lịch cổ độc đáo của người Mường

(HBĐT) - Đầu xuân năm mới, những giọt sương mai long lanh đậu trên những lộc xanh mới nhú, nhâm nhi chén trà xuân mỗi người tự dành cho mình chút thư thả sau một năm bươn trải vì cuộc sống. Có lẽ mọi người nghĩ đến tương lai, song nghĩ về quá khứ cũng là cách hay để cùng hướng tới tương lai. Cứ tuần tự sau 12 tuần trăng người Việt – Mường lại đón xuân mới, kết thúc một chu kỳ sản xuất đã qua, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới. Để biết được điều này, người xưa đã căn cứ vào quy luật của tự nhiên để làm ra lịch. Với người Mường, lịch Khao Roi là một di sản văn hóa kết tinh tri thức dân gian bản địa phục vụ cho cuộc sống sinh tồn trước đây cũng như canh tác nông nghiệp cho đến ngày nay.

Đặc sắc Mo Mường

(HBĐT) - Khi những nụ hoa đào ở vùng Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) bắt đầu chúm chím thì nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng lại bận rộn chuẩn bị mũ, áo đi khắp làng trên, xóm dưới để làm lễ tại các gia đình. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông giới thiệu đồ nghề hành lễ được để nơi trang trọng gần cửa voóng. Ngày Tết, các gia đình trong vùng thường mời thầy mo đến khấn lễ báo cáo với tổ tiên về một năm đã qua, cũng như mong một năm mới tốt đẹp. Với thầy mo Bùi Văn Lựng, khấn lễ ngày Tết thực tế là khấn bàn thờ tổ tiên, thổ địa, bắt đầu từ khoảng 25 tháng chạp đến mùng 5 Tết.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mãi mãi mùa xuân có Đảng"

Tối 3-2, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2021) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chủ đề "Mãi mãi mùa xuân có Đảng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục