Chùa Qoèn Ang gắn liền với di tích "Vườn hoa núi Cối" đã đi vào truyền thuyết của vùng đất Mường Thàng - Cao Phong.
Nơi ghi dấu nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường
Theo các cụ cao niên trong vùng, vào thời kỳ phong kiến, Mường Thàng vẫn là miền đất hoang sơ, là vùng đất cách biệt với chốn kinh kỳ và vùng đồng bằng. Giao thông đi lại chủ yếu theo những dòng sông, hoặc những con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua những cánh rừng già thâm u đầy thú dữ. Sự xa xôi cách trở đã đưa vùng đất Mường Thàng thành một vùng đất bất khả xâm phạm của những vị tù trưởng (quan lang) đầy quyền uy.
Khi đó, vùng đất Mường Thàng có vị quan lang giàu có, uy quyền tên là Đinh Kỳ Lân. Đất của vị quan lang rộng lớn đến mức "chim bay mỏi cánh, hoẵng chạy chồn chân”, thóc lúa nuôi cả nghìn người ăn không hết. Đến giai đoạn cuối của nhà Lê, tình hình kinh tế, chính trị trong nước có nhiều biến động. Tù trưởng các dân tộc thiểu số ở một số vùng miền núi nổi dậy, cát cứ. Trước tình hình đó, để tranh thủ sự ủng hộ, gạt mối lo binh quyền, cát cứ của vị tù trưởng có uy quyền bậc nhất ở vùng đất không xa kinh kỳ, để giữ lòng vị tù trưởng ở vùng đất Mường Thàng và giữ yên bờ cõi, vua Lê buộc phải gả người con gái yêu của mình là công chúa Huyền Trang cho vị tù trưởng này. "Điều đáng tiếc nhất đó là người Mường không có chữ viết nên sự kiện này không được ghi lại” - ông Bùi Văn Sướng (64 tuổi) ở xóm Trang Giữa, thủ từ trông giữ chùa Qoèn Ang nuối tiếc. Cũng chính vì không có sử sách nào ghi lại sự kiện này, nên trải qua hàng trăm năm, chẳng ai còn nhớ ngày tháng năm nào nàng công chúa Huyền Trang được gả về làm dâu vùng đất Mường Thàng.
Xa chốn kinh kỳ, cuộc sống buồn bã của công chúa cứ thế lặng lẽ trôi. Nỗi buồn đó thấu đến tai vua. Và ngôi chùa Qoèn Ang được xây dựng với lối kiến trúc giống với những ngôi chùa nơi kinh kỳ ngay trung tâm của vùng đất Mường Thàng (xóm Trang Trên - xã Hợp Phong ngày nay). Đây là món quà của vua cha tặng người con gái yêu đi làm dâu xa xứ, để ngày ngày nàng gửi tâm vào cõi Phật. Còn với vị tù trưởng quyền uy, công chúa luôn là một người vợ yêu hiền thục. Thấy nàng buồn, ông đã cho trồng một vườn hoa với đủ loại hoa thơm, cỏ lạ trên ngọn núi Cối cách không xa ngôi chùa để nàng thưởng ngoạn, vơi đi nỗi buồn xa xứ. Hàng trăm năm đã trôi qua, vườn hoa không còn nữa, nhưng theo những người dân ở Hợp Phong, trên đỉnh núi Cối vẫn còn một khoảnh đất bằng phẳng. Điều kỳ lạ là khu đất đó chẳng có loại cây nào mọc ngoài thảm cỏ may xanh mượt.
Tưởng đâu cuộc sống của nàng công chúa nơi rừng xa cứ êm đềm trôi trong sự nâng niu, chiều chuộng của vị tù trưởng uy quyền. Trong một bữa tiệc, khi rượu đã mềm say, nghi vợ yêu có mối gian tình, vị chúa đất đã rút gươm chém vợ. Tỉnh rượu, quá thương tiếc vì vợ bị chém oan, vị tù trưởng cho làm lễ an táng nàng rất linh đình. Theo truyền thuyết trong dân gian, công chúa được tù trưởng an táng ở khu "thánh địa” rộng tới vài chục ha giữa những rừng đá cao, thấp. Trải qua hàng trăm năm, trước những biến thiên của lịch sử. Ngôi chùa cũ đã bị sập hỏng, chỉ còn lại nền móng và 2 cây hoa đại cổ thụ. Tương truyền, 2 cây đại cổ thụ được trồng bên cạnh ngôi chùa còn lại đến ngày nay do chính tay công chúa trồng.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, câu chuyện về nàng công chúa được gả cho vị chúa đất Mường Thàng đã bị lãng quên qua nhiều đời, cũng chẳng mấy ai biết để kể lại cho con cháu tường tận. Chỉ đến khi rộ lên phong trào đào trộm khu mộ cổ của người dân vào những năm 1975 - 1980, người ta tìm lại được những dấu tích vật tùy táng trong mộ của những gia đình đại quyền quý, của những người có xuất thân vương giả, câu chuyện về nàng công chúa kia mới được những người già trong vùng góp nhặt, kể lại trong những đêm đông rét buốt bên ánh lửa bập bùng nơi góc bếp nhà sàn. Do bị đào phá lung tung nên ngôi mộ công chúa cũng vì thế mà thất lạc, không còn lại dấu vết. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, khai quật một số ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ đã tìm được 12 bông hoa bằng vàng và một số vật dụng tùy táng, vốn là vật được đính trên mũ áo của những người có xuất thân quyền quý từ triều đình trong một ngôi mộ cổ còn sót lại. Nhiều người vẫn tin, đó chính là ngôi mộ của nàng công chúa xưa kia được gả về làm dâu nơi vùng đất Mường Thàng.
Linh thiêng cổ tự
Theo các cụ cao niên trong vùng, không phải tự nhiên mà từ nhiều năm nay chùa Qoèn Ang được lựa chọn là nơi tổ chức lễ dâng hương cầu mùa cho vùng đất Mường Thàng. Bởi lẽ, người dân trong vùng coi đây là một ngôi chùa linh thiêng được dựng trên một vùng đất linh thiêng. Theo đồng chí Bùi Văn Liển, Chủ tịch UBND xã Dũng Phong (Cao Phong), nói đến chùa Qoèn Ang phải nói đến "Vườn hoa núi Cối", nó cũng gắn liền với đình Bụt và khu mộ cổ Đống Mới (xã Dũng Phong) là nơi còn ẩn chứa nhiều câu chuyện, nhiều giá trị văn hóa, lịch sử chưa được nhiều người biết đến.
Chùa Qoèn Ang, ngoài 2 cây hoa đại có tuổi đời hơn 400 năm đến nay vẫn xanh tốt, tràn đầy nhựa sống, thì ngôi chùa còn có một quả chuông đồng được đúc từ khi bắt đầu xây dựng chùa từ thế kỷ XVI được coi như một "bảo vật” của ngôi chùa. Theo thủ từ Bùi Văn Sướng, trước đây, quả chuông này đã nhiều lần bị kẻ trộm lấy đi. Nhưng kỳ lạ là chưa bao giờ những kẻ đạo chích mang nó ra khỏi được đất Mường Thàng. Chính sự linh thiêng đó mà quả chuông còn tồn tại đến ngày nay. Giờ quả chuông không còn gióng lên những hồi vang xa nghìn thước. Nó được trân trọng để trong tủ kính trưng bày trong chùa.
Không chỉ gắn liền với truyền thuyết về nàng công chúa nhà Lê khi xưa được gả về làm dâu xứ Mường, chùa Qoèn Ang còn là nơi ghi dấu tích lịch sử cách mạng của vùng đất Cao Phong. Đầu tháng 4/1945, đây được chọn là nơi diễn ra cuộc họp của Ban Cán sự Đảng tỉnh để nghiên cứu Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của T.Ư Đảng.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2012, cùng với khu di tích lịch sử chiến khu cách mạng Thạch Yên - Cao Phong, chùa Qoèn Ang đã được phục dựng, xây mới các hạng mục công trình trên nền chùa cũ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân. Hàng năm, lễ hội chùa Qoèn Ang được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện đến tham gia. Lễ hội chùa Qoèn Ang được tổ chức hàng năm là hoạt động thiết thực để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Mường Thàng nói riêng, của vùng Mường tỉnh Hòa Bình nói chung, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc.
Mạnh Hùng