(HBĐT) - Về Mỹ Hoà (Tân Lạc) hôm nay, kinh tế địa phương đang trên đà phát triển, cuộc sống bà con đã, đang có nhiều khởi sắc.
Đi trên con đường bê tông giữa cánh đồng mía tím xanh mướt, cùng đồng chí Đinh Hoài Khoa, cán bộ văn hóa - thể thao xã Mỹ Hòa, chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân mo Bùi Văn Hung tại xóm Chù Bụa. Ngôi nhà xây kiên cố được thiết kế và sơn theo theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, có cột nhà, gầm sàn, cầu thang và các cửa vóng (cửa sổ). Bước từng bậc cầu thang để lên gian chính của căn nhà, bên cạnh những đồ hành nghề mo được ông cha truyền lại như túi khót, khéng (chuông), giáo thì ở tại vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà, một bộ chiêng Mường được ông treo ngay ngắn theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Theo ông Hung, ông cũng như nhiều gia đình người Mường khác tại xã Mỹ Hòa, luôn nỗ lực để gìn giữ những nét độc đáo trong bản sắc dân tộc, cố gắng không để nét đẹp ấy bị nhòa mờ theo thời gian. Kế thừa có chọn lọc và phát huy nét đẹp truyền thống là những gì ông luôn tâm niệm để dạy dỗ con cháu.
Hiện nay, trên toàn xã Mỹ Hòa có khoảng 40% gia đình còn giữ được nhà sàn truyền thống. Trong mỗi nếp nhà, bà con vẫn giữ những phong tục như mặc trang phục dân tộc vào dịp lễ, Tết, nói tiếng Mường, ăn trầu. Nhà nào có đàn bà, con gái thì chắc chắn có ít nhất 1 bộ váy Mường với váy, áo cóm, khăn xanh, xà tích đầy đủ để mặc vào những dịp quan trọng trong năm. Những món ăn trong ẩm thực xứ Mường như xôi đồ, rau rừng, cá nướng, thịt gà nấu măng chua được bà con khôi phục lại, trở thành món ăn không thể thiếu trong những mâm cơm cỗ hay bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, những phong tục trong ma chay, cưới hỏi tiếp tục được duy trì, giản lược theo nếp sống văn hóa mới. Tại Mỹ Hòa còn giữ được trên 160 chiếc chiêng các loại, rất nhiều trong số đó là loại chiêng đồng cổ, có tuổi đời hàng trăm năm. Mỗi xóm duy trì một phường bùa thường xuyên biểu diễn vào những dịp lễ, Tết, ngày đại đoàn kết dân tộc hay những dịp quan trọng. Xã cũng có câu lạc bộ mo Mường với 31 thành viên, trong đó có 10 nghệ nhân lành nghề.
Chia sẻ với chúng tôi về những nét văn hóa mà Mỹ Hòa còn lưu giữ được, đồng chí Đinh Hoài Khoa cho biết: Điều đáng tự hào ở Mỹ Hòa là có nhiều người cao tuổi am hiểu văn hóa Mường và thế hệ trẻ trân trọng, say mê với nó. Vào những đêm trăng thanh gió mát hay thời điểm nông nhàn, rất nhiều người dân trong, ngoài xã thường đến nhà nghệ nhân ưu tú Đinh Công Tỉnh ở xóm Đon để học thổi sáo, hát đối, hát ví, bát âm và mo. Lớp học tự phát, học viên cũng đủ lứa tuổi, từ những em nhỏ tiểu học đến những ông bà tóc đã điểm bạc. Đến đó, người biết dạy cho người chưa biết, người giỏi dạy cho người chưa giỏi. Cứ thế, đến nay hầu hết thanh niên trong xã đã biết ít nhất một số bài dân ca Mường cơ bản như mời trầu, đập bông bông và nhiều điệu hát ví. Một số khác biết đánh chiêng, thổi sáo, kéo cò ke thuần thục.
Để góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng ủy, UBND xã chú trọng tuyên truyền, khuyến khích người dân khôi phục nghề đan lát và dệt thổ cẩm truyền thống. Tạo điều kiện cho người dân mua bán, trao đổi chiêng Mường để làm phong phú thêm số lượng chiêng trong mỗi gia đình, trân trọng giữ gìn, bảo tồn những chiếc chiêng đồng cổ. Đẩy mạnh việc gìn giữ phong tục truyền thống, truyền dạy những bài hát dân ca, nhạc cụ và mo Mường cho thế hệ trẻ. Để việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống được thể hiện trong từng nết ăn, nếp mặc và nét sinh hoạt của mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong cộng đồng dân cư.
Khánh Linh