(HBĐT) - Năm 2016, cùng với Mo Mường, chiêng Mường được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mốc son này không chỉ là niềm tự hào đối với đồng bào dân tộc Mường, mà còn là niềm vui lớn cho mỗi người dân Hòa Bình. Sau bao thăng trầm, chiêng Mường đã được trân trọng lưu giữ và khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa người dân trong tỉnh.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hình (thứ hai bên phải), xã Lâm Sơn (Lương Sơn) truyền dạy chiêng Mường cho phụ nữ trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 chiếc chiêng Mường. Đáng phấn khởi là những năm gần đây, chiêng Mường không còn bị "chảy máu” mà được các gia đình, dòng họ trân trọng lưu giữ như vật thiêng, vật quý trong nhà. Càng vui mừng hơn khi giờ đây không chỉ có các nghệ nhân cao niên biết đánh chiêng Mường mà nhiều người trẻ tuổi, thậm chí là học sinh bậc tiểu học, THCS cũng biết đánh chiêng Mường.
Từ trung tâm TP Hòa Bình, vượt qua những đoạn đường dốc quanh co, chúng tôi đến thăm trường PTDT BT TH&THCS Độc Lập (TP Hòa Bình) nơi có đội chiêng trẻ khá nổi tiếng. Trò chuyện với chúng tôi, cô Bùi Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường được thành lập năm 2016, cũng từ thời điểm đó, đội chiêng được thành lập, ban đầu có 9 em, nay có 11 em. Với niềm đam mê, yêu thích, hăng say luyện tập, đội chiêng của nhà trường thường xuyên tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương như: Hội xuân văn hóa thể thao hàng năm, liên hoan tiếng hát ngành Giáo dục, khai mạc Hội khỏe Phù Đổng; riêng năm học 2018 - 2019, đội chiêng của trường giành giải ba tại Liên hoan tiếng hát tuổi hồng các trường PTDTBT&NT của tỉnh. Hiện nay, các thế hệ học sinh của nhà trường vẫn nối tiếp duy trì hoạt động của đội chiêng.
Lớn hơn các em bậc THCS một chút thì phải nhắc đến đội chiêng của học sinh trường THPT Lạc Sơn, THPT Quyết Thắng (Lạc Sơn). Không chỉ trình tấu nhuần nhuyễn các bài chiêng khó, những người con của mảnh đất Mường Vang còn sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường như: Sáo, nhị… Để giữ cho tiếng chiêng ngân xa, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường mà trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của chiêng Mường.
Không chỉ ở 4 Mường "Bi – Vang – Thàng – Động”, ngay tại TP Hòa Bình xuất phát từ nhu cầu về tinh thần cũng như sự yêu thích đối với bản sắc văn hóa chiêng Mường, nhiều phường, xã trên địa bàn như: Phương Lâm, Dân Chủ, Tân Thịnh, Thái Bình... đã mở các lớp, mời thầy và một số nghệ nhân chiêng Mường về truyền dạy. Đoàn thanh niên phường Hữu Nghị cũng đã thành lập được Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà nòng cốt là đội văn nghệ với hoạt động luyện tập và trình diễn chiêng Mường.
Các nghệ nhân tích cực truyền dạy cho thế hệ tiếp nối là: Nguyễn Thị Hình - xã Lâm Sơn (Lương Sơn), Bùi Thanh Bình - phường Thái Bình (TP Hòa Bình), Đinh Thị Kiều Dung - thị trấn Bo, Bùi Tiến Xô - xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi)...
Đặc biệt, để phát huy giá trị chiêng Mường, giới thiệu chiêng Mường với bạn bè trong nước và quốc tế, những năm gần đây, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã phối hợp mở các lớp truyền dạy chiêng Mường cho các xóm, bản homestay. Thông qua việc phát huy bản sắc chiêng Mường, ở các bản làng du lịch thuộc các xã: Hiền Lương, Tiền Phong (Đà Bắc), Suối Hoa (Tân Lạc) đã tạo nên dấu ấn, bản sắc riêng cho các bản du lịch của người Mường, hấp dẫn du khách gần xa.
Những năm gần đây, với sự quan tâm, thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều hoạt động lễ hội đã diễn ra với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh. Trong đó, diễn xướng chiêng Mường là một trong những nội dung không thể thiếu, tạo điểm nhấn, đậm sắc màu lễ hội. Các ngày hội văn hóa, hội diễn, hội thi, lễ hội đầu năm diễn ra đều có chiêng. Chiêng được trình diễn, trình tấu ở nhiều sự kiện chính trị, KT-XH trọng đại của tỉnh, của địa phương. Đặc biệt, dịp Kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, với việc tổ chức màn trình tấu chiêng Mường đã xác lập kỷ lục Guinness lần thứ nhất với 1.000 tay chiêng đến từ 4 vùng Mường. Dịp Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, kỷ lục cũ được phá vỡ với sự có mặt của 1.500 tay chiêng. Độc đáo hơn, nhiều người dân và du khách được chứng kiến, cảm nhận, hòa mình vào sự kiện diễu hành chiêng đường phố vô cùng ấn tượng.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Đối với người Mường Hòa Bình, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Chiêng nối dài cùng lịch sử phát triển cũng như hồn cốt, khí chất của dân tộc Mường. Những chiếc chiêng, bộ chiêng thuộc quyền sở hữu của từng gia đình, nhưng khi sử dụng trình tấu lại ở không gian văn hoá cộng đồng tạo thành các dàn chiêng, đội chiêng minh chứng cho sự gắn kết cộng đồng của người Mường rất cao và bền chặt. Dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 lễ hội lớn, thì có tới 90% lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Gần đây, nghệ thuật chiêng Mường còn được đưa vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh một cách hoành tráng và độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân, du khách trong, ngoài nước. Nhiều gia đình có điều kiện đã mua từ 1 - 2 bộ chiêng về để sử dụng, treo ở những vị trí trang trọng trong nhà như một minh chứng cho tình yêu, niềm tự hào đối với bản sắc văn hóa dân tộc.
Dương Liễu
"Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021” là chương trình lần đầu được tổ chức trực tuyến và phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội từ 15 giờ đến 18 giờ (giờ Việt Nam) ngày 9/10, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ.
Bộ phim "Miền ký ức” (Memoryland) của đạo diễn Bùi Kim Quy được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thẩm định và cấp phép đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham gia tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2021, diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 6 đến 15-10.
(HBĐT) - Về Mỹ Hoà (Tân Lạc) hôm nay, kinh tế địa phương đang trên đà phát triển, cuộc sống bà con đã, đang có nhiều khởi sắc.
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 15, ngày 10/1/2020 của BTV Huyện ủy Mai Châu về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; nhằm duy trì bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Hội LHPN huyện Mai Châu vừa tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc” tại Chi hội phụ nữ xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn.
(HBĐT) - Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu đã có từ lâu đời, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống. Kế thừa và phát huy những tinh túy của nghề, kết hợp với sự sáng tạo, tinh tế, những phụ nữ Thái ở xã Chiềng Châu đã tạo ra những sản phẩm mới đặc trưng, vừa mang nét văn hóa truyền thống vừa mang tính hiện đại. Cũng vì vậy, thổ cẩm Chiềng Châu trở thành mặt hàng được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mở rộng tới nhiều đối tượng khách hàng ở các tỉnh và cả những khách hàng ở nước ngoài.
(HBĐT) - Ở các xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), bà con người Mông thường xuyên mặc trang phục truyền thống dân tộc. Trang phục nam giới gồm áo, thắt lưng, quần với màu sắc chủ yếu là màu đen. Nữ giới có khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng, tạp dề đằng trước, xà cạp và đồ trang sức. Điều đặc biệt, đây đều là những sản phẩm có được từ thành quả lao động, do bàn tay các mẹ, các chị làm ra, từ lúc trồng nguyên liệu, chuốt từng sợi đay đến dệt nên tấm vải để may thành áo, váy, quần. Bà con rất yêu quý, tự hào khi mang vẻ đẹp trang phục cả trong lao động, sản xuất và dịp lễ hội.