(HBĐT) - Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc. Các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

 


Thầy mo Bùi Hồng Bào, xã Phong Phú (Tân Lạc) thực hiện nghi lễ mo.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường, không gian diễn xướng của mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành mo Mường là ông mo, thầy mo (hoặc ông Tlượng) - những người nắm giữ tri thức mo, không những thuộc lòng hàng vạn câu mo, mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Trong xã hội Mường, ông mo là những trí thức dân gian, là người có uy tín trong cộng đồng.

Qua khảo sát cho thấy có 23 nghi lễ được thực hiện có sử dụng Mo. Một trong những nhóm nghi lễ đặc biệt nhất thể hiện đầy đủ và tập trung giá trị cốt lõi của mo Mường là mo tang lễ với hàng chục nghìn câu thơ, văn vần được diễn xướng 12 ngày đêm trong tổ chức tang lễ cổ truyền của người Mường. Các câu thơ, văn vần này được chia thành các cát mo, có nơi gọi là roóng mo (trong văn học gọi là các chương, hồi). Hiện nay, có nhiều bản mo được sưu tầm, song có 3 bản mo chính, đã được sưu tầm và xuất bản có dung lượng và quy mô lớn.

Để bảo tồn và phát huy tốt di sản văn hóa phi vật thể, những năm gần đây, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó xác định mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ rõ: "Chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo mo Mường Hòa Bình; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia, tiến tới đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ năm 2016 trở lại đây, nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa mo Mường đã từng bước thay đổi, nhất là sau khi mo Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chỉ thị số 08, ngày 20/1/2016 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được ban hành. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành 2 đề án: Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu dân tộc Mường giai đoạn 2018 – 2030” và đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”...
Các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mo Mường nói riêng một cách khoa học. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về giá trị của di sản, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mo Mường. Công tác sưu tầm, biên soạn tài liệu về mo Mường được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, tỉnh lập hồ sơ xem xét công nhận nghệ nhân mo Mường đạt danh hiệu nghệ nhân ưu tú theo quy định. Công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị đặc sắc của mo Mường tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Nhiều chuyên gia, nhà khảo cổ học thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về giá trị của mo Mường, nguồn gốc mo Mường trong mối quan hệ với thế giới quan, những ảnh hưởng tích cực của mo Mường đối với đời sống xã hội...

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và di sản mo Mường nói riêng hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng và các cấp chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách khoa học. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về giá trị của di sản. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mo Mường nói riêng.

 Đỗ Hà

Các tin khác


Phim “Miền ký ức” tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan

Bộ phim "Miền ký ức” (Memoryland) của đạo diễn Bùi Kim Quy được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thẩm định và cấp phép đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham gia tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2021, diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 6 đến 15-10.

Xã Mỹ Hoà: Toàn dân chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa

(HBĐT) - Về Mỹ Hoà (Tân Lạc) hôm nay, kinh tế địa phương đang trên đà phát triển, cuộc sống bà con đã, đang có nhiều khởi sắc. 

Huyện Mai Châu: Sinh hoạt chuyên đề “Vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc”

(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 15, ngày 10/1/2020 của BTV Huyện ủy Mai Châu về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; nhằm duy trì bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Hội LHPN huyện Mai Châu vừa tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc” tại Chi hội phụ nữ xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn.

Sắc màu thổ cẩm Chiềng Châu

(HBĐT) - Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu đã có từ lâu đời, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống. Kế thừa và phát huy những tinh túy của nghề, kết hợp với sự sáng tạo, tinh tế, những phụ nữ Thái ở xã Chiềng Châu đã tạo ra những sản phẩm mới đặc trưng, vừa mang nét văn hóa truyền thống vừa mang tính hiện đại. Cũng vì vậy, thổ cẩm Chiềng Châu trở thành mặt hàng được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mở rộng tới nhiều đối tượng khách hàng ở các tỉnh và cả những khách hàng ở nước ngoài.

Huyện Mai châu: Giữ nét đẹp trang phục dân tộc

(HBĐT) - Ở các xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), bà con người Mông thường xuyên mặc trang phục truyền thống dân tộc. Trang phục nam giới gồm áo, thắt lưng, quần với màu sắc chủ yếu là màu đen. Nữ giới có khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng, tạp dề đằng trước, xà cạp và đồ trang sức. Điều đặc biệt, đây đều là những sản phẩm có được từ thành quả lao động, do bàn tay các mẹ, các chị làm ra, từ lúc trồng nguyên liệu, chuốt từng sợi đay đến dệt nên tấm vải để may thành áo, váy, quần. Bà con rất yêu quý, tự hào khi mang vẻ đẹp trang phục cả trong lao động, sản xuất và dịp lễ hội.

Động Tiên Phi - “viên ngọc quý” bị lãng quên

(HBĐT) - Động Tiên Phi nằm trên đỉnh đồi Thúc hay còn gọi là đồi Thung Phi, thuộc tổ 7, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình), được phát hiện năm 1982. Nơi đây đã từng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, khám phá. Thế nhưng những năm gần đây, động Tiên Phi đang dần bị chìm vào quên lãng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục