(HBĐT) - Mai Châu là vùng đất hội tụ sinh sống của nhiều dân tộc anh em với những nét văn hóa đặc sắc. Trong đó, những bản làng của đồng bào dân tộc Thái còn lưu giữ nét sinh hoạt truyền thống trong nếp ăn, nếp ở, hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn làm đắm say, thu hút du khách khi đến với thung lũng Mai Châu.


Thổ cẩm Mai Châu từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Ảnh chụp tại HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu).

Bản Lác, xã Chiềng Châu có 100% người dân tộc Thái sinh sống, cuốn hút bất cứ ai khi đặt chân đến bởi vẻ đẹp mộc mạc, không khí trong lành, thoáng đãng. Từ chỗ người dân chỉ sống dựa vào trồng lúa và dệt thổ cẩm, nhờ được du khách dần khám phá, phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn, bản Lác đã được nhiều người biết đến như một điểm sáng trên bản đồ du lịch miền Bắc với nét yên bình, xinh đẹp. 

Ông Lộc Văn Panh, chủ nhà nghỉ số 86, bản Lác cho biết: Hiện, bản có trên 100 hộ xây dựng nhà sàn để làm homestay, mỗi homestay được đánh số theo thứ tự. Du lịch gần như là nguồn thu chính của bà con nơi đây. Nhà sàn ở bản Lác được dựng rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ, giữ được truyền thống kiến trúc cổ. Sát cạnh sàn ngủ - nghỉ là sàn để ăn cơm và uống trà. Cùng với đó là các dịch vụ du lịch đậm bản sắc dân tộc như biểu diễn văn nghệ với những bài hát truyền thống, điệu xòe Thái… Lối sinh hoạt dân dã, ấm cúng phần nào gắn kết những du khách lần đầu tới đây, gặp nhau trở thành thân quen. 

Tới bản Lác không chỉ có không khí, cảnh quan mà ẩm thực cũng là một trong những nét đặc sắc không du khách nào có thể bỏ qua. Trong không gian mát mẻ, yên bình, những tốp người xa lạ ngồi bên nhau cùng nghe những câu hát truyền thống, cùng uống rượu cần, ăn cơm lam với thịt nướng, kèm theo nhiều món ăn dân tộc lạ miệng, độc đáo… càng trở nên gắn kết, chia sẻ với nhau như đã quen tự bao giờ. 

Không riêng bản Lác, trên địa bàn huyện còn nhiều khu du lịch cộng đồng, sinh thái của đồng bào dân tộc Thái đậm đà bản sắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: Bản Poom Coọng, bản Văn (thị trấn Mai Châu), bản Bước (xã Xăm Khòe)...

Ngoài phong cảnh "như tranh họa đồ” làm đắm say lòng người, từ lâu, không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng huyện Mai Châu chính là lời ca, tiếng hát, đặc biệt là những điệu múa, điệu xòe truyền thống. Điệu xòe Thái còn có tên gọi khác là múa cầm tay, tức là biểu hiện của tình đoàn kết, thân thiện. Xòe Thái được tổ chức trong các lễ hội của gia đình như mừng nhà mới, đám cưới, Tết, lễ hội Chá Chiêng, hay tại các lễ hội cộng đồng như: Xên Mường, tọc nạc Mường, đón khách quý thăm bản… 

Chị Hà Thị Mai, Đội trưởng đội văn nghệ bản Văn, thị trấn Mai Châu cho biết: Các điệu xòe xuất phát từ đời sống lao động, phong tục tập quán của người dân. Khi nói đến xòe Thái phải kể tới 6 điệu xòe cổ, được các nghệ nhân coi là gốc, là khởi nguồn của các điệu xòe khác, vì nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Đầu tiên là điệu xòe "Khắm khăn mơi lẩu”, nghĩa là "nâng khăn mời rượu”, điệu "Phá xí”, nghĩa là xòe bổ bốn; điệu "Nhôm khăn” hay còn gọi là "Tung khăn"; điệu xòe "Đổn hôn”. Tiếp theo tới điệu "Khắm khen”, nghĩa là nắm tay cùng xòe và cuối cùng là điệu "Ỏm lọm tốp mư” - điệu xòe vòng tròn vỗ tay, đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, biểu hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.

Ngày nay, các điệu xòe được cải biên và hấp dẫn hơn trước. Xòe có nhiều động tác, trang phục đẹp, những cô gái Thái trong điệu xòe quàng khăn dệt thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoặc cầm quạt, cầm quả nhạc để tạo âm thanh vui nhộn. 

Là điểm sáng du lịch của tỉnh, Mai Châu luôn được đánh giá là điểm đến thân thiện, để lại nhiều ấn tượng cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài ưa thích khám phá, trải nghiệm. Hiện, toàn huyện có 147 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Để nâng cao chất lượng và hình ảnh du lịch, huyện đã có những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào du lịch. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác du lịch phục vụ phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, người dân, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch; thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, văn minh trong du lịch, bảo đảm ANTT, xây dựng Mai Châu trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thu Hằng

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục