(HBĐT) - Những ngày này trời hửng nắng trong rét ngọt, ra ngoài chỉ cần khoác thêm chiếc áo len mỏng là đủ ấm, nhưng vào trong nhà vẫn cảm giác lành lạnh. Mấy ông bạn hưu trí vẫn lóc cóc tới phòng khám Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ nhận thuốc trị bệnh mãn tính.


Một góc thành phố Hoà Bình khang trang ngày nay.

Một tháng nhận thuốc và nhận lương hưu là biết dịch dã có phần lắng xuống, nhưng áo khoác, mũ kính, khẩu trang… cũng khó nhận ra nhau! Đường sá mở rộng, thêm chiếc cầu bắc qua sông làm cho không gian thông thoáng hơn trước rất nhiều, người xe qua lại thong dong. Những tốp thợ vào xưởng bên bờ trái. Dưới những mái trường vang tiếng trẻ thơ. Nhớ lại một lần ngồi với mấy người bạn bên quán cà phê nơi bờ sông, một ông bạn từng là cán bộ Tổng Công ty sông Đà, có vợ là giáo viên, nguyên là nữ sinh trường chuyên Hoàng Văn Thụ tuyên bố: "Đã là người từng tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mà không lấy được con gái thị xã Hòa Bình ngày ấy thì không phải là đàn ông”. Ngày ấy, những chàng kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp các trường đại học như: Xây dựng, Bách khoa, Thủy lợi… hăm hở đến với công trình thế kỷ - công trình thanh niên - lại chưa xây dựng gia đình thì thị xã miền núi này thật là thơ mộng, cuốn hút. Tất nhiên nghe ông bạn nói vậy, tôi cùng mấy ông bạn cũng thấy mủi lòng!.

Đang thơ thẩn trước cảnh sông nước, đi qua cầu Hòa Bình 2 mới thông xe mà ngỡ như mình bay ngang qua sông Đà! "Dập dìu nâng gót người đi/ Vút cong đôi cánh Từ Qui về nường” (Thơ Đinh Đăng Lượng -Dòng sông và cây cầu). Rẽ vào ngõ nhỏ phường Đồng Tiến gặp ngay sợi dây chắn ngang, biết đó là khu phố có người mắc Covid-19 (F0) đang cách ly. Lại ghé vào phía xã Sủ Ngòi - nay là phường Quỳnh Lâm. Dẫu đâu đó có một tấm biển của phường treo trước cổng một gia đình: "gia đình có người cách ly tại nhà”, nhưng đường phố đã rộng mở. Bên Quảng trường lớn của tỉnh là con đường mới nối liền đường trục Trần Hưng Đạo với quốc lộ 6, đoạn tránh thành phố. Những chung cư mới đang lên tầng trên nền đất cánh đồng Quỳnh Lâm xưa. Đã có lần một ông cụ ở xóm Bái Yên, phường Dân Chủ kế bên, đọc cho tôi nghe bài đồng dao "Mười nhất”: "Nhất cơm đồng Vỏ/ Nhất lọ đồng Tằm/ Nhất chim Trăm đồng Đỗi/ Nhất ổi pưa Nương/ Nhất bương Choáng Chéo/ Nhất quéo Tạng Khộp/ Nhất khộp Nà Lá/ Nhất cá Bờ Vi/ Nhất khi (si) mường Trại/ Nhất "táo cái” (đàn bà người Kinh) Hà Đông”. Ông cụ đã chỉ dẫn cho tôi những địa danh trong bài đồng dao ấy. Theo cụ đây là tác phẩm của một người có chữ thời phong kiến, khá am tường đồng đất quê nhà, có quyền lực trong vùng nên đã mời một cô gái người Kinh lên đánh bạc và đã bị thua nên mới "nhất táo cái Hà Đông”! Dẫu vậy nông dân xã Quỳnh Lâm nói riêng, thành phố Hòa Bình nói chung đã đồng tình với chính quyền địa phương chuyển đổi đồng đất ấy sang đất phi nông nghiệp, góp phần làm cho quê hương thay đổi, tiến lên đô thị hóa, như ông bà Đùng xưa từng sắp xếp lại núi sông ngày nay.

Đã 2 năm thực thi Nghị quyết số 830/NQUBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Hòa Bình đã được mở rộng về không gian để phát triển, không còn "Thị xã chạy dài như không có bề ngang” như trong bài thơ "Đi trong đêm thị xã” của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, để trở thành một thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp còn rất nhiều "bài toán” đặt ra cho các cấp các ngành. Đó là sinh kế cho người dân, đường sá vùng ven, trụ sở làm việc vừa thừa vừa thiếu, vệ sinh môi trường, tác phong nền nếp của nhưng cư dân đô thị... Dẫu biết trong bối cảnh đại dịch hiện nay, tất cả các mặt hoạt động đều phải đặt trong chủ trương chung của Nhà nước: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Song, chúng ta có quyền tin tưởng: Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, thành phố Hòa Bình nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung sẽ có những bước phát triển mới trên các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Năm Tân Sửu đã lùi lại, năm Nhâm Dần đã đến, những khát vọng mới dâng trào trong mỗi con người. Chúng ta có quyền kỳ vọng trong tương lai gần: Thành phố Hòa Bình sẽ trở thành một thành phố đáng sống.


Tùy bút Đinh Đăng Lượng


Các tin khác


Tinh hoa tri thức Mường nhìn từ những bộ lịch cổ

(HBĐT) - Tết Nhâm Dần 2022 đã về. Cũng như bao gia đình khác, người Mường ở Hòa Bình tất bật chuẩn bị một năm mới mong cầu mọi điều may mắn, hanh thông trong công việc và cuộc sống. 28 Tết, chuẩn bị thịt lợn, gói bánh chưng cũng là lúc ông Mo, ông trượng bấm đốt ngón tay tính lịch "đá rò" chọn ngày cúng mời tổ tiên về ăn Tết, chọn giờ xuất hành cho năm mới bình an, khang khái.

Mùa Xuân Hòa Bình trong câu thơ, điệu nhạc

(HBĐT) - Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đặc sắc, thẫm đẫm tình người, hồn sông, hồn núi, mùa xuân Hòa Bình đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, là chất xúc tác để các nghệ sỹ tạo nên những tác phẩm thơ ca, nhạc họa… trường tồn mãi với thời gian, với lòng người.

Đưa dân ca Mường lan xa trên không gian mạng

(HBĐT) - Hàng nghìn năm qua, những câu hát Đúm giao duyên, Thường Rang, Bộ Mẹng… là dân ca như mạch suối ngầm dung dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Mường. Nhưng bất cập không thể vượt qua khi đó, lời nói, lời ca của các nghệ nhân như người xưa hay nói "lời nói gió bay”, không có phương tiện gì ghi lại.

Bờ xưa - Tết trước

(HBĐT) - Từng có mặt tại chợ Bờ huyện Đà Bắc liên tục 5 năm (từ 1977 - 1982), khi đập thủy điện Hòa Bình chưa đắp, nay mỗi dịp Tết đến, tôi lại da diết nhớ chợ Bờ với những phiên chợ Tết đông vui như trẩy hội. Nhất là giờ đây, khi nơi này trầm sâu dưới trăm mét nước. Tết lại sắp về, Bờ xưa có thổn thức cùng tôi?

Thú chơi lan hồ điệp dịp Tết Nguyên đán

(HBĐT) - Tết đến, xuân về, nhà nhà náo nức sắm sửa cho gia đình những chậu hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu để đón năm mới. Vài năm trở lại đây, cùng với đào, mai - những loài hoa tượng trưng cho Tết cổ truyền Việt Nam, người dân TP Hòa Bình nở rộ thú chơi hoa lan hồ điệp trong ngày Tết Nguyên đán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục