Người dân xã Thống Nhất (Lạc Thuỷ) đầu tư chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Xã Thống Nhất được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Những năm qua, Nhân dân đã thay đổi tư duy, cách làm, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất. Trong xã xuất hiện những gia trại, trang trại về chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, cây có múi, nuôi ong lấy mật... cho giá trị kinh tế cao. Một số mô hình được sản xuất theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Những đồi cam, bưởi vàng ươm, sai trĩu quả tô điểm cho không gian vùng quê sắc màu của sự ấm no, trù phú. HTX giống cây trồng Tiến Thắng có diện tích canh tác 8 ha, hàng năm cung cấp trên 820 kg bò giống sinh sản, khoảng 12.570 cây cam Vinh và các sản phẩm khác. Xã cũng nổi tiếng với sản phẩm cam trứng của anh Vũ Duy Tân, thôn Đồng Huống được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Đồng Tâm - xã NTM đầu tiên của huyện đang dồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu. Quá trình xây dựng NTM, bằng nhiều hình thức, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích xây dựng NTM, tạo đồng thuận trong Nhân dân. Ông Nguyễn Bá Dũng, thôn Tân Tiến chia sẻ: "Tết này, gia đình tôi cũng như các hộ trong thôn vui hơn, bởi đường sá đi lại thuận lợi. Nhà nào cũng sửa sang nhà cửa, chăm sóc hàng rào hoa trước nhà đón Tết. Xã xây dựng NTM, người dân được thụ hưởng nhiều thành quả, từ việc đầu tư xây dựng hạ tầng đến tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ nông sản… Thôn được lựa chọn làm điểm khu dân cư NTM kiểu mẫu, người dân chúng tôi tự nguyện đóng góp ngày công, tiền của hoàn thiện hạ tầng, tạo cảnh quan sạch đẹp, văn minh".
Trên vùng quê xứ đạo Khoan Dụ, những ngày giáp Tết, bà con cùng nhau dọn dẹp tạo cảnh quan môi trường, trồng thêm hoa trên con đường vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng tô điểm cho quê hương thêm sắc xuân. Tại thôn kiểu mẫu Liên Sơn, con đường trục xóm gập ghềnh, nhiều ổ gà trước kia đã được bê tông hóa, 2 bên đường là hàng hoa đủ sắc màu. Nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sân chơi rộng rãi. Không còn nhà tạm, người dân được dùng nước sạch, internet, các dịch vụ công cộng. Nhân dân tích cực chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, đời sống ngày càng đi lên.
Một năm đi qua với nhiều khó khăn, thử thách nhưng bằng sức mạnh tổng hòa giữa ý Đảng, lòng dân, huyện Lạc Thuỷ đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để khẳng định bằng sức bật mới. Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng nổi bật. Đến nay, toàn huyện có diện tích cây ăn quả có múi 1.318,8 ha, chiếm 18,3% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tập trung ở vùng phía Nam và phía Bắc của huyện; diện tích trồng na tập trung ở xã Đồng Tâm 103 ha; chè 254 ha, tập trung ở xã Phú Nghĩa, Phú Thành; vùng rau an toàn 150 ha tập trung ở xã Đồng Tâm, Phú Nghĩa, thị trấn Chi Nê, trồng rau công nghệ cao 5 ha tại xã Thống Nhất, thị trấn Ba Hàng Đồi... Giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 135 triệu đồng, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng.
Toàn huyện có 13 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh xếp hạng, trong đó, 2 sản phẩm được công nhận 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao. Trong lộ trình XDNTM, nhiều địa phương đã lựa chọn phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực để nâng cao hiệu quả kinh tế. Những mô hình lớn làm "đầu kéo” đã tạo "cú hích” cho phát triển sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,34%.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huyện đã có nhiều cách làm linh hoạt, đặc biệt là chọn đúng điểm nhấn để tăng tốc, biết cách "biến không thành có” để nỗ lực cán đích huyện NTM trước thời hạn 1 năm. Cũng từ đây, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong huyện có thêm động lực để tiếp tục xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025 có 4 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, đạt tốp đầu phát triển KT-XH của tỉnh”.
Đinh Thắng