Truyện ngắn của Bùi Huy


(HBĐT) - Khi nghe con gái báo sẽ cùng một đoàn lữ hành về du lịch có chuyến công tác tại Lào, ông Tiến bỗng sững lại một chút rồi hồi hộp hỏi: "Thế à? Đi bao ngày? Đến những nơi nào?”. Đến khi cầm lịch trình mà con đưa trong tay, ông run run và như có luồng điện chạy qua người. Ừ những địa danh từng qua của đời quân ngũ. Cũng có lần ông kể cho vợ con nghe về những năm tháng ấy, nhưng chỉ là thoáng qua như dòng sơ yếu lý lịch vậy thôi. Vợ ông, một thôn nữ ít nói, ít hỏi cũng chỉ à ờ khi nghe ông kể. Thấy ông trở về lành lặn thì coi đó là điều lớn, quan trọng nhất rồi nên chuyện khác chẳng phải là điều bận tâm nữa. Mà hồi đó, các con còn nhỏ, kể thì chúng nó đâu đã hiểu… Ra quân, lao vào kiếm cái ăn, lo cuộc sống, thi thoảng dòng ký ức trở về như nhắc nhở, khơi gợi rồi lại lùi dần vào dĩ vãng… Thế mà cũng đã mấy chục năm rồi… Luông Nậm Thà, Luông-pra-băng… Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng)… Tuyến con gái đi tìm hiểu về liên kết "tour”, tuyến, điểm du lịch… Ông ngập ngừng:

- Sang cố đô Luông pra băng liệu con có thể đến bản X, huyện Nậm Bạc được không? 
Ông nói mà mắt nhìn mông lung ra ngoài sân, hơi thở dồn dập.
Con gái hóm hỉnh cười: "Có phải bố từng có ai bên đó phải không”? Ông cười lảng: "Bậy nào… Bố nói nghiêm túc đấy”. Cô ôm vai bố. Bố già rồi, tóc bạc quá nửa. Trong người vẫn còn vết tích của bom đạn chiến tranh; mỗi khi trái nắng trở trời lại vật vã, đau đớn. Hồi mới ra quân, những trận sốt rét của ông vẫn còn ám ảnh cô đến giờ. Mỗi lần thế, bà mẹ huy động các con tìm chăn đắp mà vẫn răng va vào nhau cầm cập. May sau này, thuốc thang vào cũng đỡ…
Ông lục tìm trong chiếc hòm gỗ cũ. Những kỷ vật cũ nhuốm màu thời gian. Cuốn sổ tay sờn mép, không còn gáy sách nữa. Hồi mới ra quân, ông hay có thói quen ghi chép lại các chuyện đã qua. Có thể là thôi thúc của kỷ niệm, có thể lo sau này trí nhớ không còn được minh mẫn, lại quên đi bao chuyện đã qua. Cả niềm vui, hạnh phúc và những gian khổ, hy sinh đã qua. Đây… Hồi đó, làm gì có ảnh mà trao nhau. Cuộc gặp gỡ với bản X và cặp vợ chồng người Lào đó chỉ còn vẻn vẹn mấy chữ: "Vợ chồng anh chị ở bản X, huyện Nậm Bạc, Luông-prabang, ngày… tháng..., năm 1972”. Tuy thế thôi, nhưng là cả một câu chuyện dài của người lính trinh sát trong những ngày đi làm nghĩa vụ quốc tế tại đất nước hoa Chăm pa. Từ Đông Trường Sơn, rồi Tây Trường Sơn, chàng lính trẻ 22 tuổi ngỡ ngàng khi gặp những cánh rừng Lào trụi lá vì bom đạn hay những cánh rừng nguyên sinh ở Bắc Lào, gặp Mê Công và Nậm Khan mỗi khi đêm xuống. Nhóm trinh sát chỉ gặp sông khi đêm về. Còn ban ngày, họ phải rút ra xa, náu mình trong những hang núi, cây rừng rậm rạp. Ông mong một lần nhìn dòng sông chảy êm đềm trong nắng sớm… Câu chuyện này, ông chưa từng kể. Trong một chuyến trinh sát, ông bị lạc, bị sốt rét rừng và cơn đói lả quật ngã. Cảm giác ớn lạnh, sốt, đau đầu, mệt mỏi... rồi tiêu chảy khiến ông lả đi, mê man. Ông không nhớ mình nằm đó bao nhiêu tiếng đồng hồ nữa, chỉ biết mình đã cố gắng lết về phía bụi cây rậm rạp. Khi ông tỉnh dậy, thấy mình nằm trong hang đá, trên đám lá khô và trán được đắp tấm khăn thổ cẩm đã cũ. Trong ánh sáng lờ mờ, hiếm hoi lọt qua miệng hang khá nhỏ, ông thấy người đàn bà  đang vò nắm lá, còn người đàn ông đỡ ông ngồi dậy. Giật mình, khẩu súng vẫn để sát bên... Tiếng người phụ nữ nói tiếng Việt lơ lớ: "Bộ đội Việt Nam… thuốc... cháo”. Cũng chẳng cần nghĩ đến chuyện họ thuộc lực lượng nào, ông uống hết bát thuốc lá rừng, sau đó, húp chút cháo có lẫn cả mảnh sắn tươi, ông thiếp đi trong giấc ngủ khá sâu. Ngày hôm sau, họ vẫn đến. Mắt họ lấp lánh niềm vui khi thấy sức khỏe ông khá hơn. Lúc này, ông mới nói lời cám ơn. Lần này, ông được họ gửi cho một đùm xôi ngô. Ông để ý, người phụ nữ Lào có khuôn mặt bầu bầu, tóc cắt ngắn, giọng nói khá thanh; còn người đàn ông (ông đoán là người chồng) có khuôn mặt hiền, dáng người đậm. Qua cách diễn tả lõm bõm tiếng Việt, tiếng Lào hỗn độn của người phụ nữ tầm 30 tuổi, kết hợp cả động tác: Ông đoán cặp vợ chồng này đi làm nương, đã từng gặp người Việt Nam một số lần... Đến ngày thứ ba, khi thấy sức khỏe đã tạm ổn, ông quyết định cắt rừng tìm về hướng tây. Càng xa khu vực hang ông từng trú, ông lại như thấy ấm lòng, có động lực mạnh mẽ khi nghĩ về cặp vợ chồng nọ. Gặp lại đồng đội, khi nghe ông kể về khu rừng đó, người đồng đội của ông khẳng định luôn: "Ông lạc xuống tận huyện Nậm Bạc đó… Đi nửa ngày đường nữa là gặp dòng Mê Công và Cố đô… Sau này… giải phóng, bọn mình trở lại đây tha hồ đi ngắm sông, ngắm phố cổ…”… Ông chợt nghĩ: Nếu không gặp họ, liệu ông có thể có cơ hội trở về? Sốt rét, rơi vào tay quân địch… Và cơ hội sống sót rất thấp. Sau này, mỗi khi có việc vui buồn trong cuộc đời (cả những thất bại trong cuộc mưu sinh nhiều gian khó của những người lính sau cuộc chiến), ông đều nghĩ về những ngày đã qua, nghĩ về cặp vợ chồng đó. Họ xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm cần sự giúp đỡ nhất. Ông nghĩ đó là may mắn của đời người…
Sang ngày thứ ba, con gái ông lại báo thêm một tin khác: Công ty con có "open” đối tượng tham gia đoàn lữ hành. Con đăng ký cho bố một suất. Bay thẳng từ Hà Nội sang sân bay quốc tế "Luông”. Bố Ok chứ?
Sao mà nhiều chuyện bất ngờ thế. Tiếng con gái vẫn lanh lảnh bổ sung: "Tìm được người như câu chuyện bố kể… Đúng là mò kim đáy bể. Nhưng bố cứ sang, biết đâu có phép nhiệm màu…”. Rồi nó kể vanh vách những nơi cần đến, cần thăm ở cố đô: Hoàng cung, ngôi chùa hàng trăm năm tuổi, dòng Nậm Khan và Mê Công huyền ảo đêm trăng; ngắm hoàng hôn trên sông Mê Công từ đỉnh núi Phu-si… Lại thêm những ngày hồi hộp, chờ đợi. Lòng ông phấn chấn vô cùng khi nghĩ đến miền đất sắp được trở lại…

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục