Nhạc cụ dân tộc, chiêng Mường là những giá trị văn hoá bản sắc không thể thiếu trong lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc).
Theo giới thiệu của đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện: Mường Bi có nhiều điểm di tích nổi tiếng, như danh thắng thác Trăng, núi Cột Cờ (xã Nhân Mỹ); động Nam Sơn, động Núi Kiến (xã Vân Sơn); động Hoa Tiên, di chỉ hang Bưng, động Thác Bờ (xã Suối Hoa); di chỉ khảo cổ học hang Muối, động Mường Chiềng, hang Bụt (thị trấn Mãn Đức); di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh miếu thờ xóm Lũy Ải (xã Phong Phú). Ngoài ra, những sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đan lát; những nét sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc như "cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”; những làn điệu dân ca thường đang, bọ mẹng, hát ru, hát đúm, diễn xướng mo Mường, trình diễn chiêng Mường hoà quyện… càng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người xứ Mường.
Qua thống kê gần đây, toàn huyện có 87.565 người, dân tộc Mường chiếm 85% dân số. Trong Nhân dân còn lưu giữ hơn 2.200 chiêng Mường; 579 bộ nhạc cụ dân tộc (ống ôi, ống sáo); khoảng 4.800 bộ trang phục dân tộc Mường. Bên cạnh đó, có 11 di tích được công nhận, gồm 6 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Có thực tế là hiện nay, một số loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một. Một bộ phận thanh niên không biết, thậm chí không muốn biết về tập quán của cha ông mình. Sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chưa tương xứng với bề dày lịch sử và giá trị bản sắc dân tộc Mường. Huyện đã tiến hành tổng kiểm kê 60 di tích, danh thắng để đánh giá chính xác số lượng, hiện trạng, giá trị cũng như phân loại các di tích đủ điều kiện đưa vào danh mục đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đưa vào danh mục di tích được tỉnh quản lý.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN. Đặc biệt, nhằm tăng cường các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương, huyện tập trung thực hiện công tác này một cách đồng bộ từ huyện đến cơ sở, đảm bảo thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ, chú ý tổ chức các hoạt động tại mỗi gia đình, cộng đồng khu dân cư; huy động các nguồn lực, đồng thời thực hiện phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến yếu tố con người, các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo, có chính sách ưu đãi với người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn. Việc bảo tồn trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, phong tục tập quán, phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ mai một nét văn hóa ở mức cao. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, gắn kết giữa phát triển KT-XH với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường; tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và nguồn lực cho bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện, nhất là tại các địa bàn trọng điểm vùng sâu, vùng xa.
Bùi Minh