(HBĐT)- Hang Muối (thị trấn Mãn Đức - Tân Lạc) còn có tên là hang Màn và là di tích khảo cổ thuộc nền Văn hoá Hoà Bình (VHHB) có niên đại từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay.
Hang Muối là một mái đá cao ráo, thoáng đãng, rộng rãi, chiều rộng phía cửa hang khoảng 27 m, sâu 11 m, cao 13 m. Cửa quay về hướng Đông Nam đón gió mát lành về mùa hè, tránh được những cơn gió lạnh thấu xương về mùa đông cũng như những tia nắng gay gắt ngày hè. Nền hang lồi lõm do quá trình thám sát, khai quật, cao hơn mặt ruộng 2 m. Lối đi vào hang tương đối dễ dàng, trong cùng hang có một ngách nhỏ ăn sâu vào lòng núi khoảng 30 m, phía ngoài thấp muốn đi vào phải cúi và cao dần vào phía trong lên tới gần đỉnh núi. Bên rìa vách mái đá ở cửa hang có nhiều vỏ ốc mất trôn hay ghè ở đầu, nhiều vỏ có dấu vết cháy được xi măng đá vôi gắn chặt lại thành từng đám. Có thể loài trai, ốc trở thành nguồn thức ăn dễ kiếm gần như thường xuyên của người nguyên thủy ở đây.
Quá trình khảo sát, thám sát, khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra trong các hang động của các sơn khối đá vôi Hòa Bình một nền văn hóa phát triển trong giai đoạn từ hậu kỳ đá cũ cho tới sơ kỳ đá mới, nền văn hóa này được đặt tên là nền VHHB. Người có công đầu trong việc phát hiện, nghiên cứu là nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani. Trong cuộc điều tra ở Hòa Bình và Lạc Sơn vào cuối năm 1960, đầu năm 1961 của Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Viện Sử học, ngoài việc xem lại các hang động mà H.Mansuy và M.Colani đã khai quật còn phát hiện và thám sát 3 di tích VHHB, trong đó có hang Muối.
Tháng 9/1963, đội khai quật Vụ Bảo tồn - Bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá đã tiến hành khai quật với quy mô nhỏ ở hang Muối. Tháng 5/1964, đội khảo cổ Bộ Văn hoá tiến hành thám sát hang Muối một lần nữa để kiểm tra lại địa tầng, thu thập thêm một số hiện vật làm cơ sở nghiên cứu sau này, tạo điều kiện nghiên cứu VHHB một cách toàn diện hơn. Đến tháng 6 và 7/1965, Viện Bảo tàng khai quật trên phần còn lại của khu vực chưa được nghiên cứu của các lần trước, nhằm bổ sung hiện vật cho công tác nghiên cứu, trưng bày trong cuộc chỉnh lý tiến hành năm 1966. Cuộc khai quật lần này là một trong những cuộc khai quật đầu tiên có quy mô tương đối lớn của ngành khảo cổ học nước ta về VHHB từ sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Quá trình thám sát, khai quật, nghiên cứu hang Muối, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy sự cấu tạo của tầng văn hoá rất dày (đến 1,7 m); phát hiện thấy 2 hố đất mùn (hố rác) bếp nguyên thuỷ và số hiện vật rất lớn (hơn 900 hiện vật); 2 mộ táng, điều đó chứng tỏ đây là một di chỉ cư trú của người nguyên thủy vào thời kỳ đá giữa. Kết quả cuộc khai quật xác định di tích hang Muối thuộc nền VHHB có niên đại từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay.
Các di vật thu được ở hang Muối khá phong phú, trong đó công cụ bằng đá chiếm số lượng lớn, gồm nhiều loại hình khác nhau như: công cụ ghè đập, công cụ chặt thô, rìu ngắn, rìu dài, rìu mài lưỡi, công cụ hình đĩa, hình hạnh nhân, công cụ cắt khía, công cụ nạo thô, chày, bàn nghiền, hòn ghè, bàn mài, hạch đá, mảnh tước, hòn cuội, công cụ xương, mộ táng, bếp... Hiện nay, tất cả các hiện vật của hang Muối được lưu giữ và bảo quản tại phòng lưu trữ của Viện Bảo tàng lịch sử và Viện Khảo cổ học Việt Nam.
Di tích hang Muối thuộc loại hình di tích khảo cổ phát hiện ra cấu tạo của tầng văn hóa, sự xuất hiện của hố đất mùn và nhiều bếp nguyên thủy cùng nhiều di vật đá, xương, mộ táng cho thấy đây là nơi cư trú của người nguyên thủy vào thời kỳ đá cũ kéo dài tới sơ kỳ đá mới. Phát hiện ra di tích hang Muối là một bước hết sức quan trọng và mang giá trị lịch sử to lớn, có ý nghĩa về nhiều mặt khoa học. Việc nghiên cứu khoa học, tìm những tư liệu chứa đựng trong di tích là một bước cần thiết, là yếu tố quan trọng trong công tác nghiên cứu việc phát sinh và phát triển loài người. Chính vì vậy, di tích hang Muối là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp một phần cho nền khoa học nước nhà cũng như nền khoa học thế giới một tư liệu quý.
Đỗ Hà