(HBĐT) - Văn hoá Hoà Bình (VHHB) là nền văn hoá tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ở tỉnh ta, di chỉ VHHB phân bố dày đặc ở nhiều địa phương. Nền VHHB tại tỉnh không chỉ là minh chứng khẳng định Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học vô cùng quan trọng. Nói đến nền VHHB không thể không nhắc đến nhà khảo cổ học nữ người Pháp Madeleine Colani (M.Colani) - người đã có công phát hiện, nghiên cứu và đặt tên nền văn hóa này từ những năm 1926 - 1931.
Người đặt tên nền Văn hoá Hoà Bình
VHHB không chỉ tồn tại ở nước ta mà còn phân bố rộng ở khu vực Đông Nam Á. Tỉnh Hòa Bình là địa phương phát hiện được số lượng các di chỉ về VHHB sớm nhất, dày đặc nhất. Các di chỉ ở tỉnh mang đặc trưng tiêu biểu nhất về VHHB, nên các nhà khoa học thế giới đã nhất trí lấy tên Hòa Bình đặt tên cho nền văn hóa này. Bà M.Colani là nhà địa chất học, cổ sinh vật học và khảo cổ học đã có những đóng góp to lớn cho sự hình thành, phát triển của ngành khoa học khảo cổ Việt Nam nói riêng và khảo cổ học Đông Dương nói chung. Tên của bà gắn với việc phát hiện và công bố các nền văn hoá Bắc Sơn, Hòa Bình, Hạ Long, Sa Huỳnh và di tích Cánh đồng Chum... ở Đông Dương thời Pháp thuộc.
Từ năm 1926 - 1932, không gian điều tra, khảo sát của bà là vùng núi đá vôi các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình... M.Colani đã phát hiện và khai quật 54 di chỉ VHHB ở miền Bắc Việt Nam, trong đó, phần lớn di chỉ nằm ở tỉnh Hòa Bình. Kết quả, một nền văn hóa thời đại đá sớm hơn so với Văn hóa Bắc Sơn đã được phát hiện. Trong công trình "Decouverte du Paléolithique dans laprovince de Hoa Binh/Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình” in trong tạp chí Nhân học năm 1927, lần đầu tiên bà nêu lên thuật ngữ VHHB với những đặc trưng cơ bản và 3 giai đoạn phát triển từ cuối thời đại đá cũ đến thời đại đá mới. Tại hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất tại Hà Nội, tháng Giêng năm 1932 (hội nghị đầu tiên về khảo cổ tại Việt Nam), bà đã trình bày đầy đủ bằng chứng sự hiện diện một nền văn hóa cổ không giống những văn hóa tiền sử biết đến trước đó trên thế giới và tên gọi nền VHHB do M.Colani đề xuất đã được thông qua. Bà nổi danh trên thế giới từ đó qua sự chính thức công nhận nền VHHB tại hội nghị này. M.Colani chính là người có công đầu trong việc phát hiện, nghiên cứu và đặt tên cho nền VHHB, hay nói cách khác, nền VHHB gắn liền với tên tuổi của nữ học giả M.Colani. Hơn nửa thế kỷ sau, bà được vinh danh qua hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về VHHB.
Tôn vinh bà M.Conani trên đất Hoà Bình
Năm nay, kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền VHHB (1932 - 2022). Đây vẫn luôn là một nền văn hóa tiền sử độc đáo, cuốn hút với nhiều thế hệ các nhà khảo cổ học, khoa học xã hội nhân văn trong nước và quốc tế.
Các địa phương nơi bà M.Colani từng đặt chân và làm việc đang có những hành động cụ thể để bảo vệ, phát huy các giá trị nền VHHB. Di tích mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) được M.Colani phát hiện và khai quật năm 1929 trong đợt điều tra khảo cổ học khu vực núi đá vôi phía Nam của tỉnh Hoà Bình. Người dân ở địa phương còn gọi mái đá làng Vành là hang ốc, bởi trong lòng hang đá có rất nhiều vỏ ốc. Kết quả khai quật đã thu hàng trăm hiện vật các loại, những công cụ ghè đẽo như: rìu hình tam giác, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, rìu có vai mài lưỡi, rìu mài toàn thân, chày, bàn nghiền, hòn kê đập, vòng đá, di vật xương, sừng, nhuyễn thể, di vật gốm cho thấy mỗi tầng văn hóa là những tàn tích sau bữa ăn của người Hòa Bình cổ.
Đồng chí Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Di tích mái đá làng Vành gắn với nền VHHB ở dưới chân dãy núi Khu Tang, xóm Vành do nhà khảo cổ M.Conani phát hiện là tài sản vô cùng quý giá đối với cán bộ và Nhân dân địa phương. Trên núi đá Khụ Vành, Khụ Rả… từ lâu đã có những loài động vật, chim muông, mới đây xuất hiện loài khỉ vàng đến tìm thức ăn tại khu dân cư dưới chân núi. Xã đã tổ chức tuyên truyền, giữ gìn di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường, gắn với khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống di tích mái đá làng Vành. Sau này, nơi đây có thể khai thác để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng khi hồ Cánh Tạng đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Với những đóng góp quan trọng cho nền VHHB, tỉnh đã quyết định lựa chọn những công trình có nghĩa đặt theo tên nhà nữ khảo cổ M.Colani. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 177/NQ-HĐND, ngày 29/8/2022 về việc đặt tên cho tuyến đường QH7, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình). Theo đó lấy tên bà M.Colani đặt tên cho tuyến đường, đây là một trong những con đường, tuyến phố đẹp nhất khu vực Quảng trường Hòa Bình, dự kiến sẽ được gắn biển vào đúng dịp kỷ niệm 90 năm nền VHHB.
Ông Bùi Anh Tuấn, người dân sống trên địa bàn phường Quỳnh Lâm chia sẻ: Chúng tôi rất tự hào khi trên địa bàn phường có con đường đẹp mang tên M.Colani - người đặt tên cho nền VHHB nổi tiếng. Chúng tôi mong muốn nền văn hóa tiếp tục vang xa, góp phần để Hòa Bình thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận và đặt tên cho nền VHHB, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh năm 2022. Trong đó nêu rõ: Các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra trong năm 2022 đều hướng đến chủ đề kỷ niệm 90 năm đặt tên cho nền VHHB. Theo đó sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức cuộc thám sát và khai quật khảo cổ tại một số di tích tiêu biểu về nền VHHB; trưng bày triển lãm chuyên đề; khai trương tuyến đường mang tên nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani; tổ chức hội thảo quốc gia 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền VHHB… Qua đó góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là trung tâm của nền VHHB, một trong những chiếc nôi phát triển của loài người, để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Bà M.Colani sinh năm 1866 tại Strasbourg nước Pháp. Năm 1898, bà sang Việt Nam dạy học tại Phủ Lạng Thương. Năm 1914, bà về Pháp lấy bằng đại học. Sau đó làm giảng viên về lịch sử tự nhiên tại trường trung học Albert Sarraut Hà Nội đến năm 1916. Năm 1917, bà lấy bằng tiến sĩ nhà nước tại Paris rồi trở lại Đông Dương làm việc ở Sở Địa chất (SGI, Service Géologique de rindochine). Năm 1920, bà sang định cư tại Việt Nam và tiếp tục làm việc tại Sở Địa chất Đông Dương. Từ năm 1927, bà là cộng tác viên của Viện Viễn Đông Bác cổ. Bà mất năm 1943 tại Hà Nội, Việt Nam.
Hương Lan