Theo nghiên cứu và tổng hợp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình,trên địa bàn tỉnhcó 80 di chỉ khảo cổ về nền Văn hóa Hòa Bình phân bố rộng khắp ởcác huyện, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất là ở huyện Kim Bôi với 21 di chỉ khảo cổ, huyện Lương Sơn 14 di chỉ khảo cổ, huyện Lạc Thủy 13 di chỉ khảo cổ. Trong tổng số 80 di chỉ khảo cổ chủ yếu được bà Madeleine Colani phát hiện năm 1926, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phát hiện năm 1964, Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện vào năm 1975, 1976 và một số di chỉ được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình phát hiện trong năm 1995.
Đến nay, có 10 trên tổng số 80 di chỉ khảo cổ về nền Văn hóa Hòa Bình được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp Quốc gia gồm: Hang Tằm, hang Chổ huyện Lương Sơn; hang Muối, hang Bưng huyện Tân Lạc; hang Khoài, hang Láng huyện Mai Châu; hang xóm Trại, mái đá Làng Vành huyện Lạc Sơn; động Tiên, hang Làng Đồi (hang Đồng Thớt) huyện Lạc Thủy.
Trong 80 di chỉ khảo cổ đã được tổng hợp, hiện nay có 21 di chỉ nằm trong khu vực đất quốc phòng, 21 di chỉ không tìm thấy hoặc không xác định được địa điểm tồn tại do địa danh ở thời điểm phát hiện với địa danh hành chính hiện nay đã có nhiều thay đổi.
Với những di vật hiện có được khai quật tại các di chỉ khảo cổ trong thời gian qua đã phần nào giúp chúng ta hiểu sự sống và những nét căn bản vềsự phát triển xã hội của tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và lưu giữ nền văn hóa nguyên thủy Văn hóa Hòa Bình. Các di vật tiêu biểu tìm thấy như: công cụ bằng đá cuội, các mảnh tước, xương động vật, dấu vết thực vật, mộ táng,... đã phản ánh chân thực đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử tại Hòa Bình.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di chỉ khảo cổ về nền Văn hóa Hòa Bình luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: nhiều di chỉ hiện nay thuộc đất do quân đội quản lý, khó khăn cho việc tiếp cận, nghiên cứu và phát huy giá trị di chỉ; nguồn lực dành cho việc thám sát, khai quật, nghiên cứu các giá trị của di chỉ còn hạn chế; nguồn nhân lực của tỉnh về nghiên cứu khảo cổ còn thiếu và yếu; công tác tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân chưa được đẩy mạnh, đôi khi còn mang tính hình thức.
Thiết nghĩ, thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình cũng như của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Hai là, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân là các nhà khoa học nghiên cứu về Văn hóa Hòa Bình. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tham gia các khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ khảo cổ.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình bằng nhiều hình thức. Đồng thời đẩy mạnh việc học lịch sử địa phương cho các em học sinh thông qua di chỉ khảo cổ hoặc thông qua hiện vật tại Bảo tàng.
Bốn là, triển khai đồng bộ các hoạt động bảo vệ gắn với phát triển du lịch, đưa các di chỉ khảo cổ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn
Năm là, ưu tiên xây dựng Đề án "Nghiên cứu, bảo vệ và phát huy các di chỉ khảo cổ học về nền Văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”, trong đó tập trung nguồn lực cho việc nghiên cứu, phát hiện các di chỉ khảo cổ mới. Đồng thời tiến hành nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho một số di tích khảo cổ của nền Văn hóa Hòa Bình tiêu biểu.
Nguyễn Thị Hải Ly
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình