(HBĐT) - Với 6 dân tộc chính, trên 74% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh có bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh đó, giá trị văn hóa (GTVH) của đồng bào DTTS được lưu giữ khá đa dạng, phong phú về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục…


Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) được duy trì tổ chức, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và quảng bá văn hóa địa phương. Ảnh chụp tại lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2022.

Qua rà soát, thống kê, tỉnh ta có 786 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT), nhiều nhất ở loại hình tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội. Đối với di sản văn hóa vật thể, tại Bảo tàng tỉnh lưu giữ trên 18.000 hiện vật. Đặc biệt, có 4 DSVHPVT (mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, lễ hội Khai hạ và tri thức lịch tre của dân tộc Mường) được ghi danh vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Ngoài ra, có 101 di tích đã được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh).

Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nhiều GTVH đặc sắc đã được tỉnh quan tâm khôi phục, phát triển như các lễ hội: chùa Tiên (Lạc Thủy), Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), Xên Mường, Gầu Tào (Mai Châu). Đây là tiềm năng lớn để khai thác, phát huy phục vụ phát triển KT-XH, nhất là trong lĩnh vực du lịch với loại hình du lịch di sản, văn hóa. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống ĐBDTTS, góp phần thu hút du khách, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Hiện nay, tại huyện Đà Bắc có 146 DSVHPVT truyền thống các DTTS; 4 xóm thuộc các xã: Cao Sơn, Hiền Lương, Tiền Phong được hỗ trợ xây dựng trở thành điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với bảo tồn, phát huy GTVH truyền thống; 3 di tích được xếp hạng quốc gia; 2 lễ hội truyền thống tiêu biểu được phục dựng là lễ hội cầu Mường của dân tộc Tày, lễ hội người Dao mừng xuân mới. Tại huyện Cao Phong phát triển một số mô hình du lịch hiện có: DLCĐ các xóm Mỗ, Tiện, Rớm Khánh; du lịch tâm linh (lễ hội chùa Khánh, chùa Quèn Ang, đền Chúa Thác Bờ, đền Bồng Lai, đền Đông Sơn); du lịch sinh thái (hồ Hòa Bình, quần thể hang động núi Đầu Rồng, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam). Khôi phục, phục dựng lễ hội truyền thống tiêu biểu, như khai mùa Mường Thàng, chùa Khánh, chùa Quèn Ang, lễ hội rước nước, lễ hội Bà Chúa Mường. Tại huyện Mai Châu triển khai bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, tiêu biểu như: nghệ thuật múa Keng Loóng của dân tộc Thái Mai Châu, giữ gìn và phát huy nhà sàn truyền thống và văn hoá nhà sàn của đồng bào Thái, Mường; các làn điệu dân ca, dân vũ (hát khắp), phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội Xên Mường, Gầu Tào.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, công tác bảo tồn, phát huy GTVH truyền thống còn gặp không ít khó khăn. Hiện mới có 5/786 DSVHPVT được kiểm kê khoa học. Một số loại hình DSVHPVT có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng cần phải trùng tu, tôn tạo… Tỉnh đã, đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, huy động sự tham gia của toàn xã hội, trước hết là cộng đồng DTTS trong việc bảo tồn, phát huy các GTVH truyền thống. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tự nguyện của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy GTVH của các DTTS. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy GTVH của các DTTS. Đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho ĐBDTTS.

Sở VH-TT&DL phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thực hiện dự án "Bảo tồn, phát huy GTVH truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Quan tâm mở các lớp tập huấn bảo tồn văn hoá, kiểm kê lập hồ sơ khoa học các di tích có giá trị. Tổ chức phổ biến, truyền dạy các di sản văn hoá; xã hội hoá nguồn lực phát triển sự nghiệp văn hoá vùng ĐBDTTS và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc. Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các GTVH truyền thống trên địa bàn…


Bùi Minh


Các tin khác


Hang Bưng – Di chỉ khảo cổ quan trọng của nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Thuộc địa phận xóm Nẻ, xã Suối Hoa (Tân Lạc), hang Bưng nằm trong lòng dãy núi Đắng. Đây là di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 15/2003/QĐ-BVHTT ngày 14/4/2003 của Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ghi nhận từ hội thi tuyên truyền cổ động tỉnh

(HBĐT) - Hội thi tuyên truyền cổ động tỉnh năm 2022 vừa được tổ chức tại Cung Văn hoá tỉnh để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, đây là sân chơi bổ ích, nơi các diễn viên, tuyên truyền viên được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Người đưa nền Văn hóa Hòa Bình ghi danh thế giới

(HBĐT) - Văn hoá Hoà Bình (VHHB) là nền văn hoá tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ở tỉnh ta, di chỉ VHHB phân bố dày đặc ở nhiều địa phương. Nền VHHB tại tỉnh không chỉ là minh chứng khẳng định Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học vô cùng quan trọng. Nói đến nền VHHB không thể không nhắc đến nhà khảo cổ học nữ người Pháp Madeleine Colani (M.Colani) - người đã có công phát hiện, nghiên cứu và đặt tên nền văn hóa này từ những năm 1926 - 1931.

Đại hội câu lạc bộ Mo Mường huyện Yên Thủy lần thứ I, nhiệm kỳ 2022 - 2027

(HBĐT) - Ngày 28/10, huyện Yên Thủy tổ chức Đại hội câu lạc bộ (CLB) Mo Mường lần thứ I, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tham dự đại hội có 27 đại biểu, trong đó có 23 đại biểu cư trú trên địa bàn huyện Yên Thủy, 4 đại biểu cư trú tại huyện Lạc Thủy. Tại đại hội, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả vận động thành lập CLB Mo Mường huyện. Các đại biểu chính thức hiệp thương bầu ra Ban chấp hành gồm 9 thầy mo. Ban chấp hành bầu ra Ban Thường vụ gồm 3 thầy mo, trong đó, thầy mo Bùi Quang Trẻm, xã Bảo Hiệu làm Chủ tịch CLB, thầy mo Trương Đức Him làm Phó Chủ tịch CLB.

Lan tỏa thói quen đọc sách trong học sinh

(HBĐT) - Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề "Khát vọng phát triển đất nước” đã được triển khai tới học sinh từ bậc tiểu học đến THPT, sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là năm thứ 3 triển khai cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh vòng sơ khảo ở địa phương.

15 danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết bằng thư pháp Hàn Quốc

Sáng 27/10, Cuộc thi viết "Danh ngôn Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục