Nhận giấy mời dự "Ngày thơ Việt Nam” lần thứ 23 của Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hòa Bình, tôi đến sự kiện trong tâm thế của người có niềm đam mê và sự hứng khởi với thơ, nhạc. Trước giờ khai mạc, đông đảo văn, nghệ sĩ và khách mời đã có mặt. Nhóm ba, nhóm bảy cùng trao đổi, hàn huyên, dành cho nhau những lời chúc năm mới bình an, may mắn, bút lực dồi dào, có thêm nhiều tác phẩm mới về vùng đất, con người, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa Hòa Bình. Sân khấu được thiết kế, trang trí bắt mắt nổi bật dòng chữ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề "Miền sáng đường thơ”.

Ca sĩ Thùy Liên góp phần tạo sự thành công của "Miền sáng đường thơ” với những ca khúc ngợi ca quê hương Hòa Bình.
Chương trình được mở đầu với ca khúc "Khát vọng” của nhạc sĩ Ngọc Dũng, phổ thơ Bùi Việt Phương, do 2 ca sĩ Hoàng Hải và Thùy Liên đến từ Đoàn Nghệ thuật dân gian các dân tộc tỉnh Hòa Bình thể hiện khiến không gian như bừng sáng, dâng tràn miền cảm xúc. Lời phát biểu đề dẫn, chia sẻ cảm nghĩ, cảm nhận về thơ, nhạc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội VHNT ngắn gọn, súc tích. Có lẽ là để dành thời lượng cho các nhạc sĩ, thi nhân giới thiệu tác phẩm của mình, chia sẻ cảm nhận khi đọc, nghe tác phẩm thơ, nhạc tâm đắc. Hẳn vì thế mà trong 3 giờ đã có hơn 20 văn, nghệ sĩ (ca sĩ, nhạc sĩ, thi nhân) lên sân khấu hát, đọc thơ, giới thiệu tác phẩm, bình tác phẩm…
Hầu hết các tác phẩm thơ, nhạc được thể hiện viết về vùng đất, con người Hòa Bình. Có lẽ nhờ hiệu ứng từ Cuộc thi sáng tác ca khúc về Kim Bôi năm 2024 mà trong Ngày thơ năm nay hình ảnh vùng đất, con người Mường Động (Kim Bôi) được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các tác phẩm thơ và nhạc. Đó là các ca khúc: "Kim Bôi lời ngỏ”, "Về Mường Động nhé anh”, "Chuyện sông Bôi”, thơ "Bản nhạc xứ Mường”… Mở đầu ca khúc "Kim Bôi lời ngỏ” của nhạc sĩ Phạm Quang Dụ, phổ thơ Lê Va, tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi, khi ca sĩ Thùy Liên cất lên câu hát: "Bình bong tiếng chiêng ngân/ Âm vang chiều Mường Động/ Đất rì rầm dòng ấm/ Thủ thỉ chuyện Mường ta/ Du khách từ phương xa/ Đua nhau về tắm khoáng/ Trắng trong chắt từ núi/ Kim Bôi ngàn năm xanh… " cả hội trường chìm trong âm thanh, tiết tấu đẹp, thưởng lãm bức tranh sinh động đặc tả thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa, lịch sử, địa lý của vùng đất "chén vàng”. Rồi những tràng pháo tay tán thưởng dành cho ca sĩ nhí Bảo Hân (10 tuổi) qua bài hát xẩm lời cổ "Còn duyên chớ có làm cao” của cố nhạc sĩ Thao Giang. Trái tim của các văn, nghệ sĩ có mặt trong khán phòng một lần nữa được rung động bởi lời hay, ý đẹp, tiết tấu độc, lạ tựa áng mo Mường trong ca khúc "Chuyện sông Bôi” của nhạc sĩ Bùi Đình Chiến, phổ thơ Bùi Việt Phương qua phần trình diễn của ca sĩ Hoàng Hải.
Ngày thơ năm nay không có nhiều giọng ngâm nhưng có nhiều giọng kể. Các diễn giả kể về thơ về nhạc đến với mình ra sao, tác động đến đời sống của mình như thế nào. Qua đó làm sáng tỏ một điều: Thơ là nơi để con người gửi gắm tâm tư, tình cảm, suy nghĩ một cách kín đáo, trong nhịp điệu và nhạc tính của ngôn ngữ, hình ảnh, hình tượng. Thơ nuôi dưỡng tâm hồn con người, bảo trì nhân tính, kiến tạo một cộng đồng nhân văn. Thơ cho ta nơi chốn để nương náu giữa cuộc sống bộn bề. Và hơn hết, thơ làm cho người với người xích lại gần nhau hơn như chia sẻ của nhà thơ Đinh Đăng Lượng, nhà văn Phạm Huy Định, nhà báo Bùi Đức Khiêm, các nhạc sĩ: Trương Sơn, Huy Tâm, Nguyễn Văn Hạnh, Bùi Đình Chiến… qua các tác phẩm thơ - nhạc.
Bám sát chủ đề "Miền sáng đường thơ”, Ngày thơ Việt Nam năm 2025 do Hội VHNT tỉnh tổ chức đã làm được như kỳ vọng: Tôn vinh và khẳng định, lan tỏa giá trị của thơ ca Việt Nam, tạo nhịp cầu nối giữa các thế hệ có chung tình yêu với thơ, văn. Qua đó để các văn, nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc, sáng tác nhiều hơn những vần thơ, điệu nhạc ca ngợi quê hương, đất nước, vùng đất, con người Hòa Bình.
Lam Nguyệt (CTV)
Ngày 14/2, UBND tỉnh ban hành Công văn số 224/UBND-NVK về việc thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc là lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trải nghiệm.
Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất huyện thoại của xứ Đoài xưa. Đồng hành cùng lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử.
Dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Xác định di sản văn hóa (DSVH) dân tộc Mường là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác trở thành những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Năm 2024, thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy DSVH Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để khơi nguồn các giá trị đặc sắc của văn hoá Mường.
Ngày 12/2 (tức 15 tháng Giêng), UBND xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi tổ chức Lễ hội chùa Sim Xuân Ất Tỵ năm 2025. Lễ hội đã đón đông đảo người dân và du khách đến lễ chùa, vãn cảnh.
Từ ngày 9 - 13/2 (tức 12 - 16 tháng Giêng), xã Yên Trị, huyện Yên Thủy tổ chức Tuần lễ văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội ẩm thực.