(HBĐT) - Vẫn nhớ lần cùng một cán bộ văn hóa huyện Kim Bôi đến tìm hiểu, viết bài về phong trào văn nghệ ở xã Tú Sơn. Đêm diễn sôi động, phong phú về loại hình và gây ấn tượng bởi điều đặc biệt: tên nhạc sĩ Huy Tâm được xướng lên khá nhiều trong phần giới thiệu tiết mục văn nghệ của các xóm với vai trò là người sáng tác.

 

Biết có phóng viên về, một cô diễn viên hỏi chuyện: “Có phải anh cùng cơ quan với anh Huy Tâm không?”,  “Chúng tôi chỉ là đồng nghiệp thôi. Anh vừa chuyển từ Đài PT-TH tỉnh sang ngành văn hóa rồi”. Đêm đó cô hát  bài “Lời thương”, còn đội văn nghệ xóm thì hát bài “Thung Rếch - con đường tình yêu”. Bài hát về miền quê Thung Rếch - Tú Sơn nên khi biểu diễn, các diễn viên quần chúng hát tình cảm, tha thiết quá...

Tìm gặp nhạc sĩ Huy Tâm (ảnh) (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nay đã nghỉ hưu), biết thêm anh đang bận rộn với đêm nhạc Huy Tâm “Xuân về bên suối Mường Khang” tại quê hương Yên Mông (TP Hòa Bình) được tổ chức vào trung tuần tháng 3 này. Như bắt gặp được điều tâm đắc, anh chia sẻ:  “Vâng, đến nay cũng đã có 40 năm gắn bó với âm nhạc rồi”. Biết bao kỷ niệm với âm nhạc đẹp đẽ lại ùa về da diết. Năm 1976, anh đã có cơ duyên đầu tiên trình làng khi cùng đội văn nghệ Khang Mời, xã Yên Mông, đại diện cho huyện Kỳ Sơn (khi đó xã Yên Mông thuộc huyện Kỳ Sơn) tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng Hà Sơn Bình đầu tiên sau ngày hợp nhất. Vui mừng, tự hào xen lẫn hồi hộp, nhất là trong kịch mục của đoàn có bài hát đầu tay do anh sáng tác “Xuân về bên suối Mường Khang” do cô giáo Mường dạy trường làng Đinh Thị Mơ thể hiện. Có thể ca từ chưa lấp lánh, sâu sắc, kỹ thuật viết chưa nhuần nhuyễn nhưng tiết mục lại thấm đẫm, chan chứa cảm xúc, chất dân gian dân tộc Mường nên đã ghi điểm với ban giám khảo, bạn diễn và người xem. Tiết mục đó đã đoạt huy chương vàng và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Sơn Bình (mục khắp nơi ca hát).

Thời điểm đó, đây là niềm hạnh phúc lớn lao của cây bút nghiệp dư mới “mon men” vào con đường sáng tác âm nhạc nhiều thử thách. Đến thời điểm này, dù có lưng vốn hàng trăm bài hát, được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp, không chuyên thể hiện, anh vẫn khăng khít với kỷ niệm “mối tình đầu đó”. Được biết, cô gái Mường năm xưa, sau này đã trở thành người bạn đời, dệt nên hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Nay lên chức ông bà rồi nhưng thỉnh thoảng 2 người vẫn cùng hát lại câu hát về “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”: Mùa xuân quê em núi đồi nở hoa/Chim ca vang lừng, về quê em anh về Yên Mông/Sông Đà xanh ngát uốn quanh đồi nương/Suối nước Mường Khang in bóng áo chàm, bản Mường đẹp lắm anh ơi…”…

Là một người lính, từng chiến chinh qua những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (bom đạn, tù đày) nhưng trong anh luôn có tình yêu lớn lao đối với âm nhạc, nhất là dân ca Mường. Được học nhạc, học sáng tác trong tù, nhất khi được học bài bản tại trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, được các nhạc sĩ đàn anh dìu dắt (như nhạc sĩ Hà Vũ Khúc, nguyên trưởng đoàn văn công Hòa Bình), nhạc sĩ Huy Tâm càng thêm vững vàng hơn trên con đường đã chọn. Dù khi là một nhà báo văn nghệ hay cán bộ văn hóa, thời điểm nào, anh cũng dành tâm trí, tình yêu, thời gian cho các chuyến đi thực tế cơ sở, cho sáng tác về các miền  quê trong tỉnh. Lần về công tác ở trung tâm Mường Vang (Lạc Sơn) được nghe câu chuyện cổ về mối tình ngang trái của chàng trai Mường nghèo khó với cô gái thuộc gia đình quyền quý, nhạc sĩ đã có sáng tác “Lời thương” khắc khoải. Chuyến đi Thung Rếch sau thời kỳ tái lập tỉnh, anh có bài hát để đời “Thung Rếch - Con đường tình yêu” được đoàn nghệ thuật Quân khu 3 dàn dựng tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quân và đoạt huy chương vàng, rồi bài “Hoa văn đất Mường” (giải xuất sắc liên hoan Nhà văn hóa T.ư), ca khúc “Tiếng hát người thương binh” (giải ba của Đài Tiếng nói Việt Nam), tổ khúc “âm vang Điện Biên” (huy chương bạc liên hoan văn nghệ các dân tộc Tây Bắc lần thứ V), phóng sự ca nhạc “Tuổi hồng trên núi” (bằng khen của Đài Truyền hình Việt Nam)…

Bên cạnh niềm vui về những giải thưởng, điều anh hạnh phúc hơn là sự đón chờ, lắng nghe thưởng thức và việc trình diễn của bà con ở xóm, bản. Hiếm có hội diễn ở cơ sở và cấp tỉnh nào lại thiếu đi các bài hát của anh. Mỗi đêm văn nghệ quần chúng ở cơ sở, bao lần các bài hát của anh được cất lên, gần gũi như hơi thở, như cuộc sống. Từ “Mời trầu”, “Đập bông bông” đến “Mùa xuân Hòa Bình”, “Làng Dao quê em”, “Lời ru đất Mường”... Sự mộc mạc, chân tình, mang đậm âm hưởng dân ca Mường  của mỗi bài hát khiến con tim người hát và người nghe cùng lay động. Nhiều ca sĩ của tỉnh thành danh đều có “duyên” với các bài hát do anh sáng tác như: Thanh Chiến, Phương Thảo, Thùy Linh, Kiều Dung...  Cũng vì thế, đi đến miền quê, liên hoan, hội diễn nào ở cơ sở, các bài hát của anh luôn được dàn dựng, biểu diễn. Dù có thể người hát chưa một lần được gặp gỡ nhạc sĩ Huy Tâm nhưng họ đã gặp cái tâm, cái tình của nhạc sĩ qua biết bao bài hát, lời ca...

             

                                                                                      

 

 

                                                                             Bùi Huy

 

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục