Từ khi Hội chợ Xuất, nhập khẩu Trung Quốc Quảng Châu ra đời 6 thập kỷ trước với mục đích ban đầu tập trung vào xuất khẩu, Trung Quốc tổ chức hội chợ thương mại đầu tiên dành riêng cho hàng nhập khẩu.


Toàn cảnh Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc gia, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - địa điểm tổ chức Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) 2018.

 

Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), hội chợ thương mại cấp quốc gia đầu tiên trên thế giới chuyên về hàng nhập khẩu, sẽ diễn ra tại Thượng Hải từ ngày 5 đến 10-11.

Là dự án mang tính bước ngoặt để mở cửa rộng hơn, CIIE khẳng định cam kết của Trung Quốc về thương mại tự do và thịnh vượng chung dù chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS tại Johannesburg (Nam Phi) hồi tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu, CIIE "là một bước đi lớn của Trung Quốc nhằm ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường của mình cho thế giới, đóng vai trò nền tảng mới cho thế giới tiếp cận thị trường Trung Quốc".

Vào tháng 10, khi gặp ông Stephen Perry, Chủ tịch Câu lạc bộ 48 Group của Anh ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, thành tựu lớn về phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc trong 40 năm qua đã tăng cường quyết tâm cải cách và mở cửa.

"Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Trung Quốc thậm chí càng quyết tâm ủng hộ tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa kinh tế", Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Hội chợ đặc biệt

Nhà kinh tế học Huang Jianzhong (công tác tại Ðại học Kinh tế và Kinh doanh quốc tế Thượng Hải) mô tả CIIE như "một hội chợ nhập khẩu quy mô lớn và cao cấp chưa từng có tiền lệ trên thế giới".

Theo Ban tổ chức, sự kiện này sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đến từ các nước G20, hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ dọc "Vành đai - Con đường" cùng hơn 30 trong số 44 quốc gia kém phát triển.

Hơn 2.800 doanh nghiệp từ 130 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xác nhận tham gia hội chợ. Hơn 160.000 đơn vị mua hàng từ hơn 80.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đăng ký tham dự. Sự nhiệt tình của các đơn vị tham gia đã vượt ngoài mong đợi.

"Khu vực gian hàng cho doanh nghiệp đã được đăng ký hết từ tháng 6, và chúng tôi đã phải 2 lần mở rộng khu vực này - từ
210.000 m2 lên 270.000 m2", ông Sun Chenghai, Phó Giám đốc Văn phòng CIIE cho biết.

Hơn 40 công ty từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Ðức, Nhật Bản… đã đăng ký dự CIIE lần thứ hai để chắc chắn có gian hàng.

Các doanh nghiệp nước ngoài đang khao khát cơ hội thị trường đến từ một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất và nhóm dân số thu nhập trung bình có quy mô lớn nhất thế giới - những người muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, sử dụng hàng hóa chất lượng cao hơn.

Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới trong suốt 9 năm qua, chiếm 10,2% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn cầu năm 2017. Giới chức Trung Quốc ước tính, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đạt 24.000 tỷ USD trong 15 năm tới.

Trong bối cảnh ngành hàng tiêu dùng hiện đại đang định hình lại cấu trúc kinh tế và thương mại Trung Quốc, CIIE được kỳ vọng tạo ra động lực mới cho sự chuyển đổi đó và giúp thị trường Trung Quốc trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.

Bà Arancha Gonzalez, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Quốc tế, gọi CIIE là "một hội chợ rất độc đáo".

"Nó là tín hiệu về cam kết của Trung Quốc trong việc chuyển đổi từ công xưởng toàn cầu thành thị trường toàn cầu", bà Gonzalez nhận định.

Theo bà Gonzalez, với CIIE, Trung Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác về đẩy mạnh xuất khẩu cũng như giúp họ khai thác thị trường Trung Quốc. Hội chợ này là "một thí dụ về cách thức thương mại quốc tế có thể cùng thắng", bà nói.

Mở cửa chất lượng cao

Từ giày Nhật Bản, mỹ phẩm Mỹ tới dược phẩm Ðức và máy công cụ Thụy Sĩ, nhiều loại hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ hiện đại sẽ được giới thiệu tại CIIE lần thứ nhất.

Ông Andreas Weller, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng sản xuất phụ tùng ô-tô Ðức ZF, cho biết, công ty ông sẽ giới thiệu công nghệ mới nhất trong lĩnh vực xe tự lái và xe điện tại CIIE.

"ZF vô cùng vui mừng được tham dự CIIE lần thứ nhất. Ðây là một phương tiện quan trọng để chúng tôi và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục mở cửa", ông nói.

Trong khi đó, tập đoàn hóa chất Mỹ Dupont sẽ trưng bày các sản phẩm thông minh đeo, mặc, mang được trên người mà hãng đang phát triển.

Nhà sản xuất chip Qualcomm sẽ mang tới hội chợ những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Câu lạc bộ bóng đá Ý Inter Milan có kế hoạch mời các ngôi sao của mình đến dự hội chợ.

Công ty kiểm toán và tư vấn toàn cầu Deloitte sẽ giới thiệu hàng chục giải pháp sáng tạo về AI, máy học (machine learning) và phân tích dữ liệu lớn (big data), bà Liu Minghua, người phụ trách hoạt động kinh doanh của Deloitte China tại khu vực phía đông Trung Quốc cho biết.

"Trung Quốc luôn là một trong những thị trường chiến lược quan trọng nhất của Deloitte. Chúng tôi rất mong chờ được tham gia CIIE", bà Liu nói.

Dưới cái nhìn của nhà kinh tế học Huang Jianzhong, CIIE là bằng chứng cho việc mở cửa chất lượng cao của Trung Quốc.

"Với việc mở cửa chất lượng cao thay vì mở cửa tốc độ cao, Trung Quốc đang triển khai hàng loạt thể chế để mở cửa thị trường của mình", ông Huang nhận định.

Ðầu tháng này, Trung Quốc giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với ô-tô và hàng tiêu dùng. Trong khi cắt giảm thuế quan giúp giảm chi phí nhập khẩu, CIIE hướng tới hỗ trợ về mặt thể chế bằng cách đẩy mạnh chia sẻ thông tin và kết nối cung cầu.

Tại hội chợ, một trung tâm dịch vụ sẽ đi vào hoạt động giúp tư vấn các vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giúp các công ty xử lý tranh chấp.

Với việc mở cửa chất lượng cao, Trung Quốc cũng muốn tạo ra tăng trưởng bao trùm có lợi cho cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Tham dự hội chợ, các nước kém phát triển sẽ được cung cấp một số gian hàng miễn phí, được giảm giá thuê gian hàng, được vận chuyển hàng trưng bày với cước phí thấp hơn. Việc vận chuyển sẽ do Công ty Vận tải Trung Quốc COSCO đảm nhiệm.

"CIIE sẽ cung cấp một loại hàng hóa công toàn cầu mới để xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại", Phó Giám đốc Văn phòng CIIE, ông Sun Chenghai nói.




Theo Nhân Dân

Các tin khác


Nga: Nước lũ dâng nhanh, trên 125.000 người phải sơ tán

Ngày 16/4, giới chức Nga cho biết mực nước trên các con sông ở khu vực giao giữa dãy núi Ural và Tây Nam Siberia của nước này tiếp tục dâng nhanh, khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân rơi vào cảnh mất điện và phải sơ tán khẩn cấp.

Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục