Một phần ba đất nước nằm dưới quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sẽ dần trở lại với Chính phủ Syria. Kể cả các tay súng SDF từng chống khủng bố cùng Mỹ cũng sẽ nằm trong quỹ đạo của Damascus.

Theo kênh CNN, sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria, SDF (thành phần nòng cốt là người Kurd) đã đạt thỏa thuận với Chính phủ Syria để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, SDF đứng giữa Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đội quân của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan quyết tâm tiêu diệt SDF và những người Kurd mong muốn độc lập không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở Syria và một số nơi khác. Trong hoàn cảnh đó, việc SDF chọn liên minh với Chính phủ Syria là điều dễ hiểu.


Người dân Syria tới thành phố Tal Tamr, ngoại ô Hasakeh sau khi phải rời bỏ nhà cửa tránh chiến sự tại thị trấn Ras al-Ain ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù cuộc tấn công người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện tuần trước có thể chưa chấm dứt sớm nhưng cái kết cho cơn ác mộng chiến tranh 8 năm ở Syria đang bắt đầu.

Chỉ còn hai chướng ngại vật nữa là cuộc xung đột đẫm máu và tàn khốc kéo dài ở Syria sẽ kết thúc. Một là Idlib, tỉnh ở Tây Bắc Syria đang do nhiều tổ chức cực đoan nổi dậy kiểm soát. Nơi đây có hàng triệu dân thường chạy tới lánh nạn. Idlib sẽ là khu vực khó chiếm nhất với quân Chính phủ Syria.

Tiếp đó là những khu vực ở Syria hiện do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, đặc biệt là ở phía Tây. Đây là khu vực Afrin, chủ yếu là nơi ở của người Kurd và bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng đầu năm 2018. Ngoài ra, có một số khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria xâm lược mới tuần trước.

Lực lượng Mỹ ở Syria vẫn ở lại Tanf, Đông Nam Syria, nhằm ngăn chặn tình trạng tuồn lậu vũ khí vào Syria. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Syria có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Tây Bắc, lực lượng Mỹ sẽ không cần ở lại Tanf nữa và có thể sẽ rút hết.

Xét cán cân địa chiến lược, có thể thấy rõ ai đang nắm ưu thế. Đó chính là Chính phủ Syria. Giữa năm 2015, Chính phủ Syria còn đang trên bờ vực sụp đổ và chỉ được vực dậy khi có sự hỗ trợ của Nga, Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban.

Theo CNN, bên không giành được điều gì ở Syria chính là Mỹ. Cựu Tổng thống Barack Obama từng cung cấp cho phe đối lập Syria vũ khí và huấn luyện để tiếp tục cuộc chiến, nhưng không có gì thay đổi lớn. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng không có hứng thú tiếp tục hỗ trợ phe đối lập Syria. Ông Trump còn thông báo rút mọi binh sĩ ra khỏi miền Bắc Syria hồi tháng 12/2018. Sau đó, Mỹ vẫn hỗ trợ SDF trong trận chiến với khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Baghouz đầu năm 2019 cho tới khi rút quân ngày 13/10, một động thái bị chỉ trích là dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria.

Trong cuộc chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là bên mất nhiều hơn được. Hàng triệu người tị nạn đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng chục nghìn người ủng hộ IS đã trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập "Vương quốc Hồi giáo” tự xưng. Quan hệ của Ankara với Mỹ và châu Âu liên tục xấu đi trong những năm gần đây mà lý do đều xoay quanh vấn đề Syria. Khi vừa bị Mỹ tung đòn trừng phạt và một số nước châu Âu cấm vận vũ khí, mối quan hệ giữa Ankara với các nước tiếp tục đi xuống.


IS đã bị loại bỏ. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, khoảng 14.000 đến 18.000 phần tử khủng bố IS, trong đó có 3.000 tay súng nước ngoài, đang tan tác khắp nơi ở Syria và Iraq. Hàng nghìn tay súng IS cũng bị giam giữ trong các nhà tù do SDF quản lý ở Đông Syria. Về lâu dài, IS sẽ tiếp tục là mối đe dọa ở Syria và Iraq cũng như với toàn thế giới, nhưng tạm thời, mối lo đó không còn quá nghiêm trọng.

Mặc dù cuộc chiến tranh ở Syria có thể đang tới hồi kết nhưng không có lý do gì để ăn mừng. Hơn nửa triệu người Syria đã thiệt mạng, hàng triệu người có thể phải sống lưu vong mãi mãi, hàng triệu người vĩnh viễn phải rời nơi ở.

Cuộc chiến đã khiến nhiều làng mạc, đô thị, thành phố trở thành đống gạch vụn. Do bị Mỹ trừng phạt, nền kinh tế Syria sẽ còn khó phục hồi. Những người còn sống sót sau chiến tranh sẽ đối mặt cuộc sống gian khổ. Syria có thể sẽ không bao giờ quay trở lại thời thanh bình như trước, hoặc giấc mơ đó sẽ rất xa xôi.

                            Theo TTXVN

Các tin khác


Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Ít nhất 58 người đi dự đám tang thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở CH Trung Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 20/4, giới chức địa phương cho biết ít nhất 58 người đi dự đám tang đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở quá tải của họ bị lật úp ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi trước đó một hôm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục