Giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất trắc trở và căng thẳng đồng thời trên nhiều phương diện và trong nhiều chuyện, Mỹ thể hiện quan điểm khác trước về mưu tính và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.



Máy bay Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động bay trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông hôm 17.7.

Điều chỉnh quan điểm chính sách

Cùng với việc tàu chiến của Mỹ tăng cường hiện diện và hoạt động ở khu vực Biển Đông, phía Mỹ muốn cho thấy những điều chỉnh quan điểm chính sách mới của Mỹ về Trung Quốc liên quan đến khu vực này không chỉ là tuyên bố suông. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo là người tuyên cáo những điều chỉnh chính sách quan trọng này.

Ngày 13.7 vừa qua, tại thủ đô Washington của Mỹ, ông Pompeo đã đưa ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ông Pompeo cho biết: "Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp”. Cũng ở trong tuyên bố ấy, Mỹ thẳng thừng bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển ở quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.

Ông Pompeo khẳng định, quan điểm của chính phủ hiện tại ở Mỹ là "thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi khu vực Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Mỹ sát cánh cùng đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”.

Hai ngày sau đấy, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền ở khu vực Biển Đông, nhấn mạnh Mỹ sẽ làm việc này thông qua các diễn đàn đa phương và bằng các biện pháp pháp lý quốc tế. Thông điệp của ông Pompeo rất rõ ràng và cụ thể: "Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có và chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới cho rằng Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp của họ... Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù tại các thể chế đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể”.

Bốn năm trước đây, khi Toà án trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc đã đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông, không thấy Mỹ công khai thể hiện quan điểm thái độ như thế, mà chỉ nhấn mạnh khía cạnh phải đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực này. Bây giờ, tuy có phần muộn mằn, phía Mỹ đã chính thức xác nhận sự đồng thuận quan điểm với phán xử nói trên của Toà án trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc và ủng hộ phán xử ấy. Cuộc đấu trên phương diện pháp lý quốc tế giữa các bên liên quan với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông vì thế đã được đẩy vào tình thế và cục diện khác trước rất cơ bản.

Ba điểm đáng chú ý

Ở đây có ba điểm rất đáng chú ý trong các tuyên bố của Mỹ.

Thứ nhất,đây là lần đầu tiên phía Mỹ công khai bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông, công khai xung khắc quan điểm trực tiếp và hoàn toàn với Trung Quốc về điểm cốt lõi nhất trong chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Một khi Mỹ coi những yêu sách này của Trung Quốc là phi pháp, thì những hành động của Trung Quốc từ trước đến nay cũng như trong tương lai nhằm thực hiện các yêu sách phi pháp kia cũng bị Mỹ coi là vi phạm luật pháp quốc tế. Trong thực chất, phía Mỹ đã định nghĩa rõ ràng và xác định cụ thể những tiêu chí cần thiết đối với Mỹ để đánh giá về mọi ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Thứ hai, Mỹ tự định vị đứng về phía những bên cảm nhận thấy bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền lãnh thổ. Điều này có tác động trực tiếp mạnh mẽ tới mối quan hệ của Mỹ với các bên này, của các bên này với Trung Quốc và đương nhiên tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ làm chuyển biến quan hệ của Mỹ với ASEAN và tới tất cả những khuôn khổ diễn đàn đa phương khu vực cũng như châu lục và thế giới mà Mỹ, Trung Quốc và các bên nói trên cùng tham gia.

Thứ ba,Mỹ đã tự đẩy Mỹ vào tình thế phải hành động cụ thể chứ không chỉ có lại tiếp tục tuyên bố ở khu vực Biển Đông, đặc biệt nếu như tới đây Trung Quốc tiếp tục có những hành động tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải với các bên liên quan ở khu vực Biển Đông.

Như vậy cũng còn có thể nói, trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, phía Mỹ đã cụ thể hoá thêm một mục tiêu là không để Trung Quốc biến khu vực Biển Đông thành một phần trong đế chế hàng hải của Trung Quốc. Cục diện chính trị an ninh và pháp lý quốc tế ở khu vực này trở nên khác trước và mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gặp sóng gió mới. Sóng gió mới này dữ dội đến mức nào và kéo dài bao lâu lại là câu chuyện khác.


Theo Laodong

Các tin khác


G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục