EU lấy làm tiếc về những mức thuế mới của Mỹ đối với các sản phẩm của Pháp và Đức, đồng thời nêu rõ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến thương mại với chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden.
Rượu vang được trưng bày tại Chateau Lafaurie-Peyraguey ở Bommes, miền Tây Nam Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/1 đã lấy làm tiếc về những mức thuế mới của Mỹ đối với các sản phẩm của Pháp và Đức, đồng thời nêu rõ khối này sẽ tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến thương mại với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden.
Việc Mỹ áp thuế mới đối với sản phẩm của Đức và Pháp là những động thái mới nhất trong cuộc chiến kéo dài suốt 16 năm qua về trợ cấp dành cho các nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing, vốn trở nên đặc biệt khốc liệt dưới thời của Tổng thống Donald Trump.
Các nhà xuất khẩu của Pháp bị tăng thuế đối với sản phẩm rượu vang và cognac, trong khi Đức cũng phải "gánh" mức thuế mới đối với các linh kiện máy bay.
Tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành EU giải quyết các vấn đề liên quan thuế quan của 27 nước thành viên EU - nhấn mạnh: "Như chúng tôi đã làm rõ trước đó, chúng tôi lấy làm tiếc về việc Mỹ chọn đưa thêm các sản phẩm của EU vào danh sách đáp trả của họ."
Theo tuyên bố, EU mong muốn được thảo luận trên tinh thần xây dựng với chính quyền mới của Mỹ để giải quyết tranh cãi kéo dài này, như một phần của chương trình nghị sự mới xuyên Đại Tây Dương.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Mỹ thông báo bắt đầu áp mức thuế mới đối với phụ tùng máy bay và các sản phẩm khác của Pháp và Đức từ ngày 12/1, sau khi Mỹ và EU không thể giải quyết tranh chấp 16 năm qua về trợ cấp sản xuất máy bay.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng cho biết sẽ áp thuế bổ sung 15% đối với các linh kiện máy bay, bao gồm cả thân máy bay và cụm cánh, và 25% thuế đối với một số loại rượu.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Pháp ngày 12/1 đã hối thúc EC nhanh chóng hồi đáp đề nghị của Paris về việc đền bù cho các nhà sản xuất rượu của Pháp chịu thuế thương mại của Mỹ sau khi Washington tăng thuế đối với mặt hàng này.
Số lượng các lô hàng rượu vang Pháp đến Mỹ đã giảm đáng kể vào năm ngoái, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh thuế 25% đối với mặt hàng này.
Động thái ban đầu đó khiến Pháp kêu gọi EC lập một quỹ đền bù. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 12/1 cho biết Pháp vẫn chưa nhận được hồi đáp từ phía EC.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Le Maire nêu rõ: "Tôi lấy làm tiếc về sự chậm chạp của EC trong việc hồi đáp đề nghị của chúng tôi về quỹ đền bù. Ngành (sản xuất rượu) đang bị ảnh hưởng nặng nề và cần sự hỗ trợ của châu Âu... Tôi muốn EC nhanh chóng phản hồi đề xuất của chúng tôi về một quỹ đền bù."
Theo ông Le Maire, việc giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ là ưu tiên khi ông gặp chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Theo Liên đoàn các nhà xuất khẩu rượu vang của Pháp, các mức thuế bổ sung của Mỹ sẽ khiến ngành này thiệt hại hơn 1 tỷ euro (tương đương 1,21 tỷ USD)./.
Theo TTXVN
Theo hãng tin AFP, các cuộc pháo kích đã khiến 18 dân thường thiệt mạng tại một khu chợ ở thủ đô Khartoum của Sudan trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội nước này với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đối địch không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 1/6, Australia đã chính thức bước vào mùa Đông trong khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19.
Ngày 31/5, Phó Thủ tướng Moldova Nicu Popescu cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần thứ 2 sẽ là cơ hội để thể hiện Moldova sẵn sàng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 31/5, Quốc hội Latvia đã bầu Ngoại trưởng Edgar Rinkevics làm tổng thống mới ở quốc gia Baltic 1,9 triệu dân này.
Ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá thường được quảng cáo là có ý nghĩa với phát triển kinh tế, trên thực tế chỉ đóng góp chưa đến 1% GDP toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, ngày 30/5, Tòa án thành phố Misrata, miền Tây Libya đã tuyên án tử hình 23 thành viên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng với nhiều tội danh, trong đó có vụ hành quyết 21 tín đồ Cơ đốc giáo dòng Coptic của Ai Cập tại thành phố Sirte hồi đầu năm 2015.