Ai Cập và Tây Ban Nha ngày 14/3 đã lên tiếng phản đối leo thang xung đột ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo "hậu quả nhân đạo thảm khốc” từ bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel nhằm vào thành phố Rafah của Palestine.


Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 8/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Quan điểm trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares đang ở thăm Cairo.

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết trong cuộc gặp, hai bên đã nhất trí phản đối các biện pháp có thể dẫn đến nguy cơ hủy bỏ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine, trong đó có chính sách cưỡng bức di dời người Palestine. Hai bên kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, cung cấp đầy đủ và lâu dài viện trợ nhân đạo cho dải đất này, cũng như hỗ trợ Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) thực hiện vai trò nhân đạo.

Ai Cập và Tây Ban Nha ủng hộ những bước đi "rõ ràng và cụ thể” của cộng đồng quốc tế, nhằm công nhận Nhà nước Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Tuyên bố nhận định bước đi này "mở đường cho mục tiêu kích hoạt giải pháp hai nhà nước, làm cơ sở để khôi phục an ninh và ổn định khu vực”.

Tổng thống Ai Cập đánh giá cao lập trường "cân bằng” của Tây Ban Nha đối với tình hình khu vực, đặc biệt là quan điểm ủng hộ các quyền công bằng của người Palestine và thiết lập hòa bình, an ninh bền vững trong khu vực.

Về phần mình, Ngoại trưởng Albares nêu bật vai trò của Ai Cập trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Trung Đông và khu vực Địa Trung Hải. Theo ông, Ai Cập đã đóng vai trò "có trách nhiệm” kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Gaza, nhấn mạnh cam kết giảm căng thẳng, thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho những người bị giam giữ ở Gaza.

Trước đó trong ngày 14/3, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã hội đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Albares để bàn về tình hình Gaza và quan hệ song phương.

Phát biểu họp báo chung, ông Shoukry tuyên bố Israel phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, kêu gọi Israel mở toàn bộ 6 cửa khẩu nằm dưới quyền kiểm soát để cho phép cung cấp đủ hàng viện trợ đến dải đất của Palestine.

Đề cập tới vòng đàm phán mới tại Cairo do Ai Cập, Mỹ và Qatar làm trung gian, Ngoại trưởng Shoukry khẳng định các bên liên quan "đang nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn, cũng như thỏa thuận trao đổi con tin Israel đổi lấy tù nhân Palestine”, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Albares xác nhận Tây Ban Nha đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế nhằm đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Ai Cập, Ngoại trưởng Albares cũng đã gặp Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit trong ngày 14/3 tại thủ đô Cairo để thảo luận về tình hình Gaza và vấn đề Palestine.

Ngoại trưởng Albares nhấn mạnh ưu tiên đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza, duy trì sự thống nhất và liên kết địa lý giữa Gaza và Bờ Tây dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Palestine, đồng thời nỗ lực sớm thành lập Nhà nước Palestine độc lập.

Về phần mình, Tổng Thư ký AL kêu gọi Tây Ban Nha thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) công nhận Nhà nước Palestine, đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ nhất quán của Tây Ban Nha dành cho người Palestine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Gaza hồi tháng 10 năm ngoái.


Theo TTXVN

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục