Ngày 13-5, một ngày sau khi được Nữ Hoàng Ðệ nhị bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của Anh, Thủ tướng Ða-vít Ca-mê-rôn, Chủ tịch đảng Bảo thủ (đảng Tory), đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ liên hiệp.

 
Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, ông Ních Cléc làm Phó Thủ tướng. Trong số 30 thành viên Chính phủ liên hiệp, có bốn phụ nữ; đảng Bảo thủ có  25 người nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt,  đảng Dân chủ Tự do có năm người. Một số thành viên chủ chốt trong Chính phủ mới: ông Gioóc-giơ Ô-xbon làm Bộ trưởng Tài chính, ông Uy-liêm Ha-gơ làm Bộ  trưởng Ngoại giao, ông Li-am Phoóc làm Bộ trưởng Quốc phòng.


Thủ tướng Anh Ð.Ca-mê-rôn, sinh ngày 9-10-1966 trong một gia đình giàu có tại Thủ đô Luân Ðôn, là Thủ tướng Anh trẻ tuổi nhất trong gần 200 năm nay. Ông học phổ thông tại trường tư danh tiếng và tốt nghiệp Ðại học Ô-xpho với bằng ưu ngành triết học, chính trị và kinh tế học; năm 1988 bắt đầu hoạt động chính trị: làm việc tại Phòng nghiên cứu chính sách của đảng Bảo thủ, cố vấn cho một số bộ trưởng, làm kinh doanh trong ngành truyền thông. Năm 2003, ông được bầu làm Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ và tại đại hội đảng này  tháng 12- 2005 trở thành Chủ tịch đảng Bảo thủ. Trong chiến dịch vận động tranh cử, đảng Bảo thủ của ông nêu khẩu hiệu "Hãy bỏ phiếu cho sự thay đổi".


Ðảng Bảo thủ giành được nhiều ghế nhất tại cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn, nhưng không đủ đa số để đứng ra thành lập chính phủ mới. Ðảng Bảo thủ phải liên minh với đảng Tự do để thành lập Chính phủ liên hiệp, Chính phủ liên hiệp đầu tiên tại Anh trong  65 năm nay.  Thủ tướng mới  cam kết thay đổi cách điều hành hoạt động của Chính phủ, đã quyết định thành lập Hội đồng An ninh quốc gia để tư vấn cho Chính phủ về các vấn đề cấp bách nhất, một cơ chế theo kiểu Mỹ.


Tại phiên họp thứ nhất của Chính phủ, Thủ tướng Ð.Ca-mê-rôn cho biết, ông đặt mục tiêu thành lập "liên minh đúng đắn và toàn diện" với đảng Dân chủ Tự do để xây dựng một "Chính phủ vững mạnh và ổn định". Ông Ð.Ca-mê-rôn cam kết cùng Phó Thủ tướng N.Cléc sẽ nỗ lực "gạt bỏ những bất đồng, cùng nhau nỗ lực vì mục đích chung và lợi ích của đất nước", sẽ giải quyết "những vấn đề cấp bách" của đất nước như thâm hụt ngân sách, các vấn đề xã hội  nghiêm trọng và cải cách hệ thống chính trị. Hai chủ đề chính được bàn thảo sâu rộng tại phiên họp này là hoạt động của nền kinh tế đất nước và tình hình  chiến sự tại Áp-ga-ni-xtan. Nhận xét về Chính phủ liên hiệp, tạp chí của Anh Nhà kinh tế cho rằng, hai thách thức lớn đối với Chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Ca-mê-rôn là tài chính và cải cách chính trị.


Về đối nội, Chính phủ liên hiệp ưu tiên giải quyết vấn đề lạm phát và thâm hụt ngân sách lên tới 156,1 tỷ bảng, bằng 11,1% GDP, với biện pháp là  tiết kiệm chi tiêu của Chính phủ, cắt giảm tới 6,25 tỷ bảng trong năm nay. Bộ trưởng Tài chính Anh Gioóc-giơ Ô-xbon ngày 24-5 cho biết, trong số tiền bị cắt giảm có gần hai tỷ bảng chi cho các chương trình phát triển công nghệ thông tin và bất động sản, và hơn một tỷ bảng cho các khoản chi tiêu không cố định như tư vấn, chi phí đi lại như: ta-xi, máy bay và chỗ ở tại khách sạn... Chính phủ dự kiến sẽ cắt giảm từ 300 nghìn  đến 700 nghìn việc làm trong khu vực công trong vòng vài năm tới. Các thành viên đã nhất trí cắt giảm 5% tiền lương của tất cả các thành viên Chính phủ.


Chính phủ mới tiếp tục chính sách hợp tác chặt chẽ với Mỹ, quyết định cử Bộ trưởng Ngoại giao Uy-liêm Ha-gơ thăm Mỹ ngày 14-5, sau khi Tổng thống Mỹ mời Thủ tướng Ð.Ca-mê-rôn thăm Oa-sinh-tơn vào tháng 7 tới. Ông Ca-mê-rôn tuyên bố tăng cường hợp tác và đoàn kết của EU, nhưng chưa có chủ trương gia nhập Khối  các nước sử dụng đồng tiền chung ơ-rô. Ông  Ca-mê-rôn đã đi thăm chính thức  Pháp và Ðức, có cuộc gặp Tổng thống  N. Xác-cô-di và Thủ tướng A.Méc-ken. Khách nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Ð.Ca-mê-rôn là Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai, nơi Anh  có 9.500 binh sĩ trong lực lượng NATO đang đồn trú.
 
 
 
                                                                                 Theo NLĐ

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục