Ngày 5/6, trong khuôn khổ Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 tại Singapore (còn gọi là Đối thoại Shangri-La), Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề "Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới".

 

Trong bối cảnh tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo đại biểu đến từ gần 30 nước và giúp các quốc gia trong khu vực tìm được tiếng nói chung trong việc tạo cơ chế đa phương để giải quyết mọi tranh chấp.

Tăng cường thiện chí, giảm thiểu khác biệt

Là đại diện của một quốc gia biển tham dự Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nhấn mạnh chính sách quốc phòng của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước là hòa bình và tự vệ. Theo Đại tướng, Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển.

Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, đặc điểm nổi lên của không gian biển chính là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia. Và động thái này đã làm nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Do đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, các nước phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại; nhận thức đúng về giá trị, về những đặc điểm mới, những lợi ích và thách thức mà tất cả các quốc gia đều gặp phải.

Bất chấp sự đe dọa của các tàu Trung Quốc, ngư dân Philippines vẫn đang chuẩn bị ra biển từ cảng Lagoons thuộc vịnh Manila. Ảnh: AFP.

Thêm vào đó là việc củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ… Đối với khu vực châu Á, Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi các nước tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Ngoài ra, việc tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và xuất hiện các cấu trúc an ninh mới như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay ADMM+ sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp trong việc giải quyết mâu thuẫn, khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Ngoài ra, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường hơn nữa hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Trong đó, hợp tác quốc phòng có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển.

Riêng đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi các bên tham gia cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch.

Nhắc đến tình hình biển Đông mà đặc biệt nhất là vụ ngày 26/5, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, dù vụ việc đã gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới, song Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.

Bày tỏ mong muốn của Việt Nam là những sự việc tương tự không tái diễn, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: "Diễn đàn như Shangri-La hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng minh bạch quan điểm về lợi ích, về những thách thức và những quan ngại, đồng thời bày tỏ chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trong hợp tác, chúng ta cần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời phải giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực - đó là giá trị chung trong quan hệ lợi ích của tất cả các nước, đồng thời cũng là giá trị to lớn đối với mỗi quốc gia trong một môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển".

Cần một cơ chế đa phương

Bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La 10 đã được đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ của đông đảo đại biểu đến từ các nước. Tin từ hãng Bernama cho hay, trong 3 ngày diễn ra hội nghị, Đối thoại Shangri-La đã trải qua 6 phiên họp toàn thể với các chủ đề gồm: các thách thức an ninh mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các học thuyết và khả năng quân sự mới tại châu Á; phân phối quyền lực mới tại châu Á và tác động của nó với khu vực; lợi ích an ninh quốc tế của Trung Quốc; đối phó với những thách thức an ninh biển mới và xây dựng lòng tin chiến lược, tránh hậu quả trong trường hợp xấu nhất.

Đặc biệt, ngay từ phiên khai mạc, chủ đề an ninh biển đã được các diễn giả nhắc đến. Thủ tướng Malaysia Najib Razak còn bày tỏ hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn để thay thế Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.

Tại Diễn đàn Shangri-La, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đề xuất 6 nguyên tắc nhằm mang lại sự hợp tác an ninh - quốc phòng hiệu quả hơn trong khu vực. Ảnh: Reuters.

Và để những bất đồng trong vấn đề biển không bị leo thang, ông Najib Razak đã đề xuất 6 nguyên tắc nhằm mang lại sự hợp tác an ninh - quốc phòng hiệu quả hơn trong khu vực, đó là tiếp cận đa phương, tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại và hiểu biết sâu hơn giữa các bên thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác cả đa phương và song phương, cả ở cấp cao nhất cũng như cấp thấp hơn, và giải quyết tranh chấp một cách cân bằng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong lần thứ 5 tham dự Đối thoại Shangri-La cũng bày tỏ quan điểm của Mỹ rằng, luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 đã quy định rõ ràng về những vấn đề trên biển và chỉ thông qua làm việc cùng nhau trong các diễn đàn đa phương, cũng như tôn trọng triệt để các nguyên tắc đem lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực, mới có thể đảm bảo rằng tất cả các bên đều bình đẳng sử dụng các đường hàng hải quốc tế.

Hối thúc các quốc gia không nên lãng phí thời gian cho việc bàn bạc nhiều, ông Robert Gates khẳng định: "Đụng độ tại biển Đông sẽ xảy ra nếu các nước trong khu vực không đạt được thoả thuận về cách thức giải quyết tranh chấp". Mà cách thức tốt nhất, theo Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác là cần một cơ cấu đa phương cho phép giải quyết các tranh chấp lãnh hải bằng biện pháp ôn hòa. Trong khi đó, để đáp lại bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cam kết, Trung Quốc không phải là mối đe dọa hòa bình ở châu Á và rằng, chính quyền Bắc Kinh sẽ nỗ lực vì hòa bình, ổn định ở biển Đông, không có tham vọng bá quyền.

Nhiều nhà phân tích nhận định, trong Đối thoại Shangri-La 10, dường như, các quốc gia đã tìm được tiếng nói chung về việc thiết lập cơ chế đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh hải. Tuy nhiên, từ lời nói đến hành động còn cần sự nỗ lực rất nhiều từ các bên. Bộ quy tắc ứng xử COC mà nhiều nước ASEAN đang hối thúc thực hiện với Trung Quốc được coi là cẩm nang về quy định ràng buộc cụ thể nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định. Song, thời gian cho COC ra đời vẫn chưa được xác định cụ thể. Phải chăng, đã đến lúc, Trung Quốc và các nước cần thể hiện thiện chí của mình bằng hành động chứ không chỉ là những lời phát biểu hùng hồn!

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh: Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, phối hợp đối phó với các mối  đe dọa an ninh chung.

Philippines cáo buộc Trung Quốc phá hoại hòa bình và ổn định ở châu Á

Tin từ hãng AFP cho hay, hôm 4/6, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc phá hoại hòa bình và an ninh ở châu Á bằng việc cử tàu hải giám tới các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng tại khu vực biển Đông.

Cụ thể, Philippines phản đối việc Hải quân Trung Quốc nổ súng vào ngư dân Philippines, hù dọa một tàu thăm dò dầu khí của Philippines, xây các trạm gác và một phao trong khu vực thuộc chủ quyền Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, những vụ việc này xảy ra trong suốt 3 tháng qua, từ tháng 2 đến tháng 5, làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Philippines và gây những lo ngại mới về an ninh biển ở khu vực.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines có đoạn viết: "Những hành động này của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Philippines và các quy định hàng hải". Đồng thời, Bộ Ngoại giao Philippines cũng khẳng định, chính phủ hai nước đang tiếp tục thảo luận, hội đàm để giải quyết mọi bất đồng.

Được biết, hôm 2/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng các tàu của Trung Quốc vẫn hoạt động trên vùng lãnh hải của nước này ở biển Đông. Tuy nhiên, phía Philippines vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm của mình. Tổng thống Philippines thậm chí còn cho biết, chính quyền Manila đang xem xét việc đệ trình lên LHQ chi tiết về các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Philippines. (Phan Hiển)

 

                                                                                        Theo CAND

Các tin khác


Triều Tiên từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản

Bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố nước này sẽ từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản.

LHQ kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza

Ngày 26/3, người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Jens Laerke kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza, khẳng định rằng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết vì đói.

Nga chiếm giữ các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk

Hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã chiếm giữ được các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk.

Xung đột Hamas-Israel: HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza.

Israel cân nhắc cho phép dân thường Palestine trở lại miền Bắc Gaza

Ngày 24/3, Israel đã phát đi tín hiệu về khả năng cho phép những người Palestine phải đi lánh nạn có thể trở về nhà tại khu vực miền Bắc Dải Gaza. Đây cũng là một phần của tiến trình đàm phán nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại khu vực này.

Vụ tấn công tại Moskva: Hai nghi phạm bị buộc tội khủng bố

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 24/3 đã đưa ra các cáo buộc đối với 2 người đàn ông bị tình nghi tham gia vụ tấn công khủng bố Nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục