Người dân I-rắc chạy nạn khỏi thành phố Pha-lu-gia.

Người dân I-rắc chạy nạn khỏi thành phố Pha-lu-gia.

Sau khi giành thêm nhiều phần lãnh thổ chiến lược từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, quân đội I-rắc tiếp tục mở chiến dịch quân sự tiến công trực tiếp vào thành phố Pha-lu-gia, thành trì của IS ở tỉnh An-ba. Cuộc chiến chống IS khốc liệt cùng làn sóng bạo lực tiếp tục gia tăng ở I-rắc khiến quốc gia Trung Đông này lâm vào khó khăn chồng chất.

Tháng 1-2014, trở thành thành phố đầu tiên của I-rắc rơi vào tay IS, Pha-lu-gia đã bị biến thành một trong những thành trì quan trọng nhất của tổ chức khủng bố này tại I-rắc. Hiện Pha-lu-gia là một trong hai thành phố còn lại của quốc gia Trung Đông này vẫn bị IS kiểm soát. Do đó, chiến dịch giành lại Pha-lu-gia, thành phố nằm phía tây thủ đô Bát-đa, được đánh giá là một trong những thách thức khó khăn nhất trong cuộc chiến chống IS của quân đội I-rắc.

Trong bối cảnh quân đội chính phủ đang cố gắng tiến vào Pha-lu-gia, giao tranh dữ dội xảy ra ở khu vực gần thành phố. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Pha-lu-gia, quân đội đã tiêu diệt hơn 100 phiến quân IS, giải phóng hàng chục làng mạc và thị trấn chung quanh thành phố. Theo người phát ngôn của Ban Chỉ huy quân sự chung I-rắc, Chuẩn tướng Y.Ra-su, thông tin tình báo cho biết có khoảng 400 đến 600 tay súng đang cố thủ ở Pha-lu-gia.

Chiến dịch quân sự đã tạo điều kiện cho nhiều dân thường tại các khu vực phía ngoài Pha-lu-gia chạy tới các trại tị nạn, song vẫn còn hàng chục nghìn người mắc kẹt bên trong thành phố, có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, có ít nhất 20 nghìn trẻ em bị mắc kẹt tại Pha-lu-gia và đang phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng cũng như nguy cơ bị các tay súng IS ép cầm súng.

Được sự hỗ trợ của các chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu, các lực lượng I-rắc đã giành lại nhiều vùng đất chiến lược từ tay IS. Chính phủ I-rắc cho biết, những khu vực IS chiếm giữ tại nước này đã giảm đáng kể, chỉ còn 14% lãnh thổ, so mức gần gấp ba lần tỷ lệ này ở thời điểm hai năm trước đây khi IS chiếm phần phía bắc và phía tây I-rắc, trong đó có cả thành phố lớn Mô-xun vào tháng 6-2014. Giữa tháng 5 vừa qua, các lực lượng an ninh I-rắc đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Rút-ba ở tỉnh miền tây An-ba. Chiến dịch quân sự giải phóng Rút-ba nhằm chặn tuyến đường tiếp viện của IS sang nước láng giềng Xy-ri. Thị trấn cách thủ đô Bát-đa 360 km về phía tây này có tầm quan trọng như một "vùng hỗ trợ" được IS sử dụng để tiến hành các cuộc tiến công phía bắc và đông.

Trong khi đó, mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo vẫn là một trong những vấn đề khó có thể giải quyết của Chính phủ I-rắc. Sau vài năm an ninh tại Bát-đa đã được cải thiện và khu vực chung quanh thủ đô được tăng cường an ninh, mới đây lại tái bùng phát các vụ tiến công gây nhiều thương vong, làm dấy lên quan ngại rằng, Bát-đa có thể quay lại thời kỳ đẫm máu cách đây một thập kỷ của các vụ trả thù sắc tộc. Các vụ đánh bom cũng tạo ra nguy cơ mới về phân chia quyền lực tại I-rắc, trong bối cảnh nước này rơi vào khủng hoảng chính trị liên quan nỗ lực cải tổ chính phủ của Thủ tướng H.A-ba-đi, cũng như nguy cơ thủ đô Bát-đa rơi vào tay IS. Theo thống kê của LHQ, tháng 4 vừa qua, đã có gần 750 người thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương trong các vụ bạo lực vũ trang trên khắp I-rắc.

Trong lúc vừa phải lo chiến đấu chống IS, Chính phủ I-rắc vừa phải đối phó cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc diễn ra trong vài tháng qua. Nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra tại trung tâm thủ đô Bát-đa, nhất là tại khu vực Vùng xanh, nơi đặt các tòa nhà văn phòng chính phủ và một số đại sứ quán nước ngoài. Những người biểu tình ủng hộ giáo sĩ M.An Xa, người kêu gọi thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị. Giáo sĩ Xa đã từng ngừng biểu tình sau khi Thủ tướng A-ba-đi trình danh sách ứng viên chính phủ lên Quốc hội, song danh sách này vấp phải sự phản đối từ các đảng phái quyền lực, vốn phụ thuộc vào ngân sách và sự hỗ trợ của các bộ.

Quốc hội đã bác danh sách khiến Thủ tướng phải thay thế hầu hết các ứng viên do ông đề xuất bằng những cái tên khác do các phe nhóm chính trị khác đưa ra. Tình trạng này đã gây ra các cuộc tranh cãi mạnh mẽ trong Quốc hội, dẫn đến việc bỏ phiếu về cải tổ chính phủ bị hoãn nhiều lần và Chủ tịch Quốc hội X.An Giu-bu-ri cùng hai cấp phó của ông bị bãi nhiệm hồi tháng 4. Thủ tướng A-ba-đi cảnh báo bất ổn chính trị có thể cản trở cuộc chiến chống IS và tạo cơ hội cho phiến quân tiến công dân thường.

I-rắc đứng trước thách thức kép khi phải lo chống IS trong bối cảnh giá dầu tụt dốc, gây thiệt hại nặng nề nền kinh tế vốn phụ thuộc dầu mỏ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chấp thuận cho I-rắc vay 5,4 tỷ USD trong thời hạn ba năm nhằm hỗ trợ quốc gia này vực dậy kinh tế. Tuy nhiên, bạo lực và mâu thuẫn nội bộ khiến quốc gia Trung Đông khó có thể tìm lối thoát cho tình trạng bất ổn hiện nay.

 

                                                                                Theonhandan

 

 

Các tin khác


Triều Tiên từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản

Bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố nước này sẽ từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản.

LHQ kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza

Ngày 26/3, người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Jens Laerke kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza, khẳng định rằng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết vì đói.

Nga chiếm giữ các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk

Hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã chiếm giữ được các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk.

Xung đột Hamas-Israel: HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza.

Israel cân nhắc cho phép dân thường Palestine trở lại miền Bắc Gaza

Ngày 24/3, Israel đã phát đi tín hiệu về khả năng cho phép những người Palestine phải đi lánh nạn có thể trở về nhà tại khu vực miền Bắc Dải Gaza. Đây cũng là một phần của tiến trình đàm phán nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại khu vực này.

Vụ tấn công tại Moskva: Hai nghi phạm bị buộc tội khủng bố

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 24/3 đã đưa ra các cáo buộc đối với 2 người đàn ông bị tình nghi tham gia vụ tấn công khủng bố Nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục