(HBĐT) - Bán trâu, bò để nuôi con ăn học, mong một ngày, bằng cái chữ các con sẽ có được cuộc sống no ấm hơn. Thế nhưng, ra trường vài năm mà vẫn chưa tìm được việc làm, con em của họ lại phải tha hương đi làm công nhân kiếm tiền, trả nợ cho sự học. Tấm bằng cất tủ, kiến thức rơi rớt là thực trạng buồn của câu chuyện về sự học ngày nay ở xã nghèo Ba Khan, huyện Mai Châu...

 

Ba Khan là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Hơn 10 năm về trước, nhận thức được vai trò quan trọng của việc học, không ít gia đình ở Ba Khan đã quyết tâm cho con học đến nơi, đến chốn, dù cuộc sống chẳng dư dật gì. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Ba Khan, hiện có 27 trường hợp đã tốt nghiệp từ trung cấp đến đại học chưa có việc làm. Trong số này có 4 người tốt nghiệp đại học, 7 người tốt nghiệp cao đẳng, còn lại là hệ trung cấp. “Đời sống kinh tế của bà con còn rất khó khăn nên để nuôi con học chuyên nghiệp không hề dễ, nhiều gia đình chấp nhận vay mượn. Khi ra trường lại không tìm được việc làm nên hầu hết các em đều đi làm ăn xa” - Đồng chí Bùi Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Khan cho biết.  

Vợ chồng ông Đinh Công Viện (bên trái), xóm Khan Thượng, xã Ba Khan (Mai Châu) xem lại những thành tích học tập của con nhưng không khỏi lo lắng trước thực trạng ra trường không tìm được việc làm như hiện nay.

Khan Thượng là xóm có tỷ lệ con em học chuyên nghiệp nhiều nhất nên số lượng ra trường chưa tìm được việc làm cũng nhiều hơn cả. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Công Nhượng, hộ có 2 con trai là Hà Công Tường (27 tuổi) và Hà Công Tiến (22 tuổi) đều đã tốt nghiệp cao đẳng từ 2-3 năm trước. Bà Đinh Thị Nương (vợ ông Nhượng) cho biết: “Hai con đều đã ra trường nhưng chưa xin được việc, đứa lớn đi làm 3 năm nay bên Trung Quốc; còn đứa thứ hai cũng đi làm ở Hà Nội. Để có tiền cho các con  ăn học, vợ chồng tôi phải bán trâu, giờ nhà không có trâu nữa, chỉ nuôi thuê người ta thôi”.  

Được biết, gia đình bà Nương thuộc diện hộ nghèo, sinh được 4 người con, trong đó có một người bị tàn tật. “Cũng mong muốn cho chúng được ăn học đến nơi, đến chốn để sau này cuộc sống bớt khổ. Bây giờ như thế, buồn lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao, đi học đã tốn kém, kinh tế kiệt quệ rồi” - bà Nương buồn rầu.  

Những gia đình thuộc diện “nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi học” ở Ba Khan không hiếm. Thực trạng sau khi ra trường chưa tìm được việc làm lại càng phổ biến hơn. Dẫu tốt nghiệp đại học, ngành sư phạm nhưng Bùi Thị Hiền, xóm Khan Thượng cũng đồng cảnh ngộ với 2 anh em nhà Tiến, Tường. Hay trường hợp    của anh Bùi Văn Tùng, xóm  Khan Hạ…  

Trước thực trạng nhiều trường hợp trong xã phải “cất bằng vào tủ” để đi làm ăn xa, kiếm tiền trả nợ, gia đình ông Đinh Công Viện, xóm Khan Thượng không khỏi lo lắng. Gia đình ông thuộc diện nghèo nhưng 2 cô con gái đều học giỏi nên vợ chồng ông cố gắng làm lụng, vay mượn cho các con đi học. Hiện, cô con gái cả Đinh Thị Huyền đang học năm cuối trường Đại học sư phạm Hà Nội, còn Đinh Thị Huệ là sinh viên năm nhất trường Cao đẳng sư phạm T.ư.  

 “Thu nhập của gia đình từ trồng ngô thôi, nhàn rỗi thì đi làm thuê, kiếm được bao nhiêu lại gửi vào thẻ ngân hàng để các con trang trải việc học. Thi thoảng gửi gạo, gửi rau đỡ đần cho các con. Nói chung là vất vả lắm, nhà cửa xuống cấp lắm rồi nhưng đã sửa sang được đâu. Các con nó muốn học, mình cũng mong muốn ra trường chúng có việc làm để cuộc sống khấm khá hơn nên phải cố thôi” - ông Viện chia sẻ.  

Trong câu chuyện với các bậc phụ huynh ở xã nghèo này, qua những chia sẻ của họ có thể thấy, điều khiến họ lo lắng nhất là những tiêu cực vẫn tồn tại trong tuyển dụng. “Nuôi con đã kiệt quệ rồi, ra trường phải mất cả trăm triệu đồng xin việc nữa thì không biết đào đâu ra. Chỉ mong việc tuyển dụng được các cơ quan chức năng làm chặt chẽ hơn để những người thực sự có năng lực được cống hiến cho xã hội, nuôi sống bản thân” - ông Viện bày tỏ.  

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Khan thừa nhận, số lượng con em ở Ba Khan tốt nghiệp hệ trung cấp chiếm đa số, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không tìm được việc làm. Thêm nữa, những ngành nghề lựa chọn chủ yếu theo xu hướng xin vào làm ở các cơ quan Nhà nước hay những ngành, nghề chưa có nhu cầu tuyển dụng. Do đó, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Ba Khan, vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề cần được ngành chức năng, các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa.

                                                                               Viết Đào

 

 

Các tin khác


Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục