(HBĐT) - Đồng chí Dương Thị Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Tân Lạc cho biết: Từ tháng 1/2015, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 Trung tâm GDTX và Trung tâm Dạy nghề. Với tổng số 22 cán bộ, viên chức, người lao động, Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng được nhiệm vụ GDTX và xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ, hỗ trợ trung tâm học tập cộng đồng, phổ cập giáo dục.
Sau hơn 2 năm thực hiện có thể khẳng định việc
sáp nhập 2 trung tâm là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với tình
hình thực tế. Giúp địa phương tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm một phần
ngân sách Nhà nước và khắc phục được sự chồng chéo về chức năng đào tạo, tạo
thuận lợi cho người có nhu cầu học tập và công tác tuyển sinh, tăng cường liên
kết đào tạo.
Giờ học của giáo viên và học sinh lớp 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Tân Lạc.
Năm 2017, thực
hiện Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 về việc phê duyệt dự toán kinh
phí cho lao động nông thôn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy
nghề, Trung tâm đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như công
tác GDTX theo kế hoạch đã được phê duyệt. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức
được 2 lớp dạy nghề may công nghiệp theo nguồn ngân sách địa phương với tổng số
60 học viên tham gia; 1 lớp dạy nghề hàn cho 25 học viên. Bên cạnh đó, huyện
cũng mở được 2 lớp nghề điện nông thôn cho 50 học viên là nông dân trên địa
bàn. Thực hiện GDTX cấp THPT, năm học 2016- 2017, Trung tâm đã tổ chức giảng dạy
5 lớp văn hóa với 131 học viên (trong đó có 3 lớp 10 và 2 lớp 11); mở 2 chuyên
đề với 262 lượt người tham gia. Theo đánh giá, sau khi được đào tạo nghề, trên
85% học viên có việc làm đều tổ chức làm việc tại nhà hoặc tham gia vào công
ty, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đồng chí Dương Thị Hạnh, trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm gặp không ít khó khăn. Sau khi sáp nhập,
Trung tâm chịu sự quản lý về chuyên môn ngành dọc của cả Sở LĐ-TB&XH và Sở
GD&ĐT nên có những khó khăn trong sự chỉ đạo, điều hành. Cơ sở vật chất
chưa đảm bảo về phòng làm việc, phòng chức năng và đặc biệt là phòng để thiết
bị học tập. Việc bố trí giáo viên của trung tâm cũng chưa hợp lý bởi hiện có 6
giáo viên dạy nghề nhưng ngành nghề đào tạo không thích hợp nên mỗi khi mở lớp,
trung tâm phải mời giáo viên từ trường nghề khác về giảng dạy. Công tác đào tạo
nghề chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động.
Về GDTX, học sinh THPT tham gia học tại trung tâm ít,
đầu vào chất lượng thấp. Mặt khác, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, một số phụ huynh chưa
quan tâm nhiều đến con em nên trong quá trình giảng dạy, việc duy trì sỹ số đạt
thấp, tình trạng nghỉ học, bỏ học vẫn diễn ra.
Trong thời gian tới, để khắc phục khó khăn, Trung tâm
đã đề xuất, kiến nghị với các cấp, ngành chức năng tiếp tục tăng cường nguồn
vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề cho lao động nông
thôn; ban hành quy định chế độ, chính sách đồng nhất giữa cán bộ, giáo viên.
Đồng chí Dương
Thị Hạnh chia sẻ thêm: Để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp,
Trung tâm đã chủ động cử cán bộ, giáo viên phụ trách các xã, thị trấn vừa làm
công tác tuyển sinh, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân
trên địa bàn nâng cao nhận thức về công tác dạy nghề và GDTX. Tăng cường hoạt
động điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của người lao động với
phương châm "dạy cái người ta cần chứ không dạy cái mình có”. Chú trọng tìm
việc làm sau đào tạo cho học viên. Trong đó, Trung tâm đã đào tạo theo địa chỉ,
liên kết với Công ty may GGS, Việt- Hàn để học viên học nghề may công nghiệp có
việc làm ngay sau khi được đào tạo. Đối với các nghề hàn, cơ khí, sau khi học
xong học viên có thể sống với nghề đã học. Từ nay đến cuối năm 2017, Trung tâm
mở 5 lớp dạy nghề, trong đó chú trọng các nghề phi nông nghiệp gồm may công
nghiệp, sửa chữa máy; nghề nông nghiệp gồm cải tạo vườn tạp và kỹ thuật chăn
nuôi trâu, bò. Đối với công tác GDTX, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền để người
dân hiểu được lợi ích khi học viên tham gia học 3 năm sẽ được 2 bằng THPT và
nghề. Cùng với đó sẽ tổ chức nhiều chương trình hoạt động bề nổi để học sinh
tham gia, đồng thời gắn trách nhiệm của học sinh với công tác chăm sóc cây
cảnh, vệ sinh khuôn viên nhà trường để các em thêm yêu trường, yêu lớp… Với
những giải pháp đồng bộ, các hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện
đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đóng góp vào mục tiêu
giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH trên địa bàn.
Hương Lan