Ngày 7-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố phổ điểm thi THPT quốc gia và phổ điểm xét tuyển đại học theo các khối A, B, C, D, A1 năm 2017, chính thức khép lại các hoạt động của kỳ thi. Công tác chuẩn bị, tổ chức, kỳ thi năm nay được xã hội ghi nhận, đánh giá cao bởi cách thức gọn nhẹ, giảm chi phí, giảm áp lực thi cử, tạo thuận lợi cho thí sinh.


Công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được đánh giá gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Trong ảnh: Thí sinh vui vẻ sau khi làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức từ ngày 22 đến 24-6 với năm bài thi gồm: Ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Ngoài bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Trước đây, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức trong bốn ngày, năm 2017, được điều chỉnh còn 2,5 ngày. Phần lớn bài thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Để thực hiện điều này, Bộ GD và ĐT đã xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, từ đó rút ra làm đề thi chính thức. Nội dung và cấp độ khó của đề thi được xây dựng phù hợp theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Các câu hỏi có nội dung nằm trong chương trình lớp 12, với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại và được sắp xếp từ dễ đến khó. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi năm 2017 bám sát chương trình lớp 12, vừa sức, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi; đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Năm nay, nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm, cho nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm nhiều so với những năm trước. Trong kỳ thi, cả nước có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi); hai cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.

Đến nay, các địa phương đã hoàn tất công tác chấm thi và công bố kết quả thi; trên cơ sở đó, Bộ GD và ĐT đã công bố phổ điểm thi. Kỳ thi năm nay có số thí sinh đạt điểm 10 tăng gấp nhiều lần so với các kỳ thi trước. Thứ trưởng Bộ GD và ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 Bùi Văn Ga cho rằng: Điểm 10 tăng cao không có nghĩa là coi thi không nghiêm túc hoặc đề thi quá dễ. Bên cạnh số thí sinh đạt điểm 10 thì cũng có nhiều em bị điểm kém, vì thế đề thi không phải dễ. Thực tế cho thấy, đề thi năm 2017 được ra khác các năm trước, độ khó, dễ của đề thi không tập trung vào một bài, một chương trong sách giáo khoa. Vì vậy, học sinh phải học tổng thể, không học tủ, học lệch, nếu nắm hết chương trình có thể làm được bài.

Sau khi Bộ GD và ĐT phân tích phổ điểm và các thông số thống kê, kết quả cho thấy, phổ điểm của tất cả các bài thi, môn thi gần với phân phối chuẩn. Điều này chứng tỏ các đề thi đánh giá sát với chuẩn đầu ra chương trình lớp 12 của các môn học, phân loại, phân hóa rõ ràng, sát thực năng lực của thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét tuyển vào các trường ĐH năm 2017. Phần lớn các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 đến 6,5 điểm, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị, điều đó chứng minh tính chuẩn hóa của các đề thi. Ở một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống "hiếu học”. Tuy nhiên, số lượng thí sinh bị điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có hầu hết ở các bài thi, môn thi. Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng từ 40 đến 60%. Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm. Đáng chú ý, kết quả phân tích phổ điểm thi đã nói lên tính khách quan, trung thực, công bằng trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017. Đây cũng là một kênh thông tin để phân loại chất lượng giáo dục phổ thông ở các vùng miền.

Theo đánh giá của Bộ GD và ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công, hiệu quả. Việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh, thành phố do sở GD và ĐT địa phương chủ trì là một đổi mới căn bản về cách thức tổ chức và tuyển sinh theo hướng tích cực trong bối cảnh xã hội chưa thật sự tin tưởng sự khách quan, công bằng của các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Nhờ việc đặt điểm thi trường, liên trường phổ thông tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn, ở, tạo được tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài; thời gian thi được rút ngắn giúp thí sinh đỡ vất vả, công tác tổ chức thi nhẹ nhàng hơn. Việc đổi mới cách thức tổ chức và phương thức thi cùng với sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Sở GD và ĐT và các trường ĐH, CĐ đã bảo đảm tính khách quan, trung thực, tạo được niềm tin của xã hội về tính công bằng của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh.

Việc thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học xã hội cao hơn bài thi Khoa học tự nhiên cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài; từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình. Việc đổi mới phương thức thi và nội dung câu hỏi thi đã giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực sở trường bản thân. Vì vậy, việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan từng gây bức xúc trong dư luận xã hội đã cơ bản chấm dứt.

Theo kết quả phân tích phổ điểm một số môn thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD và ĐT, điểm trung bình môn Toán là 5,19, từ 1 điểm trở xuống (điểm liệt) có 1.584 thí sinh. Trong khi đó, điểm trung bình môn Ngữ văn là 5,51, điểm liệt 510 thí sinh. Môn Lịch sử, điểm trung bình là 4,6, điểm liệt 869 thí sinh. Môn Hóa học, điểm trung bình 5,32, điểm liệt 886 thí sinh. Môn Địa lý, điểm trung bình 6,2, điểm liệt 525 thí sinh. Môn Tiếng Anh, điểm trung bình 4,6, điểm liệt 1.061 thí sinh…

Bộ GD và ĐT công bố phổ điểm các môn xét tuyển đại học theo khối: A, B, C, D, A1. Theo đó, khối A có 30.544 thí sinh đạt 18 điểm, 217 thí sinh đạt 30 điểm; khối B có 35.155 thí sinh đạt 17 điểm, 342 thí sinh đạt 30 điểm; khối C có 54.069 thí sinh đạt 16 điểm, không có thí sinh đạt 30 điểm; khối D có 72.482 thí sinh đạt 14 điểm, không có thí sinh đạt 30 điểm; khối A1 có 31.594 thí sinh đạt 17 điểm, 38 thí sinh đạt 30 điểm.

 

                                                   TheoNhandan

Các tin khác


Chấm thi THPT Quốc gia 2017: Nhiều điểm 10 các môn tự nhiên

Ngày 4-7, ghi nhận tình hình chấm thi THPT quốc gia 2017 tại nhiều tỉnh thành trong cả nước cho thấy có nhiều điểm 10 các môn tự nhiên, điểm 9 môn ngữ văn. Tuy nhiên, ở một số nơi lại có nhiều điểm liệt.

Huyện Tân Lạc nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp


(HBĐT) - Đồng chí Dương Thị Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Tân Lạc cho biết: Từ tháng 1/2015, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 Trung tâm GDTX và Trung tâm Dạy nghề. Với tổng số 22 cán bộ, viên chức, người lao động, Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng được nhiệm vụ GDTX và xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ, hỗ trợ trung tâm học tập cộng đồng, phổ cập giáo dục.

Bổ sung diện ưu tiên trong xét công nhận tốt nghiệp THPT 2017

Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 2640/BGDĐT-QLCL, hướng dẫn các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) về bổ sung diện ưu tiên trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017.

Bồi dưỡng Kỹ năng biên tập từ báo in sang báo điện tử cho gần 40 học viên

(HBĐT) - Trong 3 ngày 28-30/6, tại Báo Hòa Bình, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí- Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình tổ chức khoá học "Kỹ năng biên tập từ báo in sang báo điện tử”.

Thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần

Để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT), thí sinh có thể sử dụng phương thức trực tuyến hoặc sử dụng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Thí sinh lưu ý, năm nay, theo quy định, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần.

Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê sơ bộ, tỉnh ta hiện nay có 35 tiến sỹ và chuyên khoa cấp I, 702 thạc sỹ và chuyên khoa cấp II. Trải qua 26 lần tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đoàn học sinh tỉnh ta đã đạt 1.244 giải, trong đó có 38 giải nhất, 221 giải nhì, 985 giải ba và giải khuyến khích; toàn tỉnh có 178 học sinh dân tộc đoạt giải. Những con số "biết nói” này đã phản ánh về số lượng nhân tài, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh ta. Đây là nguồn nhân lực quý giá, ý nghĩa cho sự phát triển của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục