Một tiết học của cô và trò trường tiểu học Nà Mèo (Mai Châu).
Hiện nay, trường tiểu học Nà Mèo có 8 lớp chia làm 2 chi, chi chính đặt tại xóm Nà Mèo, gần UBND xã và một điểm trường lẻ đặt tại xóm Xô, cách trung tâm xã 10 km. Với 20 cán bộ, giáo viên nhà trường đang dạy 103 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số. Với đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn và vượt chuẩn. Nhiều thầy, cô giáo đã đạt nhiều thành tích tốt trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi năm học vừa qua, phải kể đến cô giáo Đặng Ngọc Anh đoạt giải nhì cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, cô Hà Thị Mậu đoạt giải khuyến khích giáo viên giỏi cấp tỉnh, thầy Hà Xuân Giang giải nhất giáo viên giỏi cấp huyện… Những thành công trên là kết quả của sự nỗ lực học hỏi không ngừng của các thầy, cô giáo nhà trường. Thường xuyên họp tổ chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên các lớp, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của phòng và Sở GD&ĐT tổ chức. Liên tục cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy mới qua mạng Internet.
Cô giáo Trần Thị Lê, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Nà Mèo cho biết: Nhiều năm qua, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới theo phương pháp động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của học sinh, giúp các em hào hứng, tự tin, thích thú với việc đến trường. Nhà trường thường xuyên thay đổi phương pháp dạy học, lồng ghép các tiết học ngoại khóa, kỹ năng sống vào trong các tiết học, hoạt động giáo dục… tạo sự gắn bó giữa thầy, cô giáo và học sinh, bồi đắp thêm tình thương yêu của các em dành cho nhà trường.
Với đặc điểm là trường vùng sâu, điều kiện kinh tế còn khó khăn, cha mẹ thường xuyên bận rộn với công việc, đặc biệt, chi Xô đa số phụ huynh đều làm thuê ở huyện Mộc Châu (Sơn La) nên các em ở điểm trường Xô đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ít được phụ huynh quan tâm đến việc học tập. Trước tình hình đó, các thầy, cô giáo trường tiểu học Nà Mèo kết hợp với cán bộ thôn, bản thường xuyên đến thăm gia đình học sinh, vận động người thân đưa con em đến trường. Nhờ vậy, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng hầu như không còn.
Tâm sự với chúng tôi, cô Trịnh Thị Chiến, giáo viên lớp 5A1 chia sẻ: Sau nhiều năm giảng dạy tại trường, chúng tôi thấu hiểu phần nào sự khó khăn của các em nơi đây. Có những em nhà xa trường phải dậy từ 5 giờ sáng để đi học, nhiều em gia đình vô cùng khó khăn, đi học không có cơm để ăn. Biết được hoàn cảnh đó, chúng tôi tìm mọi biện pháp hỗ trợ các em như giới thiệu các đoàn thiện nguyện, nhà hảo tâm đến giúp đỡ, trao những phần quà thiết thực như quần áo, sách vở... để các em yên tâm đến trường.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành giáo dục, các cấp ủy Đảng, chính quyền và lòng yêu nghề, mến trẻ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, những năm qua, chất lượng dạy và học tại đây có những chuyển biến rõ rệt. Người dân không chỉ cho con đi học đúng độ tuổi mà còn tự nguyện đóng góp quỹ hội Ban đại diện cha mẹ học sinh để kịp thời khen thưởng các cháu có thành tích trong học tập; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các em vươn lên trong cuộc sống.