Là huyện vùng cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Mai Châu hiện có số người mù chữ nhiều nhất tỉnh. Đồng chí Hà Văn Cươm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Châu cho biết: Huyện Mai Châu hiện có 3.193 người trong độ tuổi từ 15 – 60 mù chữ. Trong đó có 1.875 trường hợp là nữ, chiếm 59% và 3.085 trường hợp là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 97%. Nguyên nhân là do đời sống người dân còn khó khăn, công tác xã hội hóa giáo dục ở một số xã còn hạn chế. Số thanh - thiếu niên ngoài nhà trường hoặc người trưởng thành mù chữ chủ yếu có hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, đi làm ăn xa…nên khó huy động ra các lớp xóa mù chữ.
Thực tế, tại huyện Mai Châu cũng là khó khăn chung đang diễn ra tại các huyện khác trên địa bàn toàn tỉnh. Xóa mù chữ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Do đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để thực hiện công tác xóa mù chữ. Cụ thể như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác xóa mù chữ; kiện toàn và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo, Ban thư ký xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục các cấp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng đối với các lớp phổ cập theo phương thức chính quy và không chính quy; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện…
Kết quả thực hiện toàn diện các giải pháp nêu trên cho thấy, toàn tỉnh hiện có 210/210 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ (tăng 7 xã so với năm 2015). 11huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (năm 2015 mới đạt mức độ 1). Hiện nay, toàn tỉnh còn 2.709 người trong độ tuổi từ 15 - 60 mới học xong lớp 3 (xóa mù chữ mức độ 1) và 18.534 người trong độ tuổi từ 15 - 60 mới học xong lớp 5 (xóa mù chữ mức độ 2). Số người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 6,3%.
Các địa phương đã quan tâm, tăng cường cơ sở vật chất cho công tác xóa mù chữ. Toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đảm bảo huy động đủ người tham gia dạy học xóa mù chữ tại địa bàn là giáo viên của trường tiểu học đạt trình độ chuẩn trở lên. 215/215 trường học có người theo dõi công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại địa bàn được phân công. Về cơ sở vật chất, 100% xã, phường, thị trấn bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các lớp xóa mù chữ được sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng…Ngoài ra, các huyện cũng tăng cường công tác điều tra để đảm bảo số liệu chính xác về trình độ dân trí trên địa bàn; trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể mở các lớp bổ túc, lớp xóa mù chữ cho từng đơn vị; phân công cán bộ chủ chốt của các xã, thôn bản vận động từng người bỏ học, người mù chữ ra lớp học. Đồng thời tổ chức các lớp học bổ túc, lớp xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính; phát huy vai trò của các trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người bỏ học, mù chữ ra lớp học.
Đặc biệt, ngày 5/7/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 102-KH/TU "tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/Tư ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH&THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ người lớn”. Kế hoạch đã nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.