Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo sơ lược về tình hình phát triển KT – XH của tỉnh, trọng tâm là việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo giai đoạn 2012 – 2017. Báo cáo nêu rõ: Hiện nay 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường lớp từ mầm non đến THCS, các huyện có từ 2 – 4 trường THPT; toàn tỉnh có 660 đơn vị, trường học. Chất lượng giáo dục và đào tạo có bước tiến bộ mới, giáo dục đại trà có chuyển biến rõ nét; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS đạt 99% trở lên, học sinh tốt nghiệp THPT đạt từ 95 – 99%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục thể chất, xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục, phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giáo dục dân tộc, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển Đảng...được quan tâm. Cơ sở vật chất của ngành GD được đầu tư xây dựng, hiện nay toàn tỉnh có 83,7% phòng học kiên cố, 275 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, UV BCH TƯ Đảng, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu kết luận buổi làm việc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại một số hạn chế như: có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng; năng lực một số cán bộ quản lý giáo viên còn hạn chế; việc sáp nhập trường học bộc lộ một số hạn chế; cơ sở vật chất các trường dân tộc bán trú và có học sinh bán trú còn thiếu và yếu...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc sáp nhập trường học, giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy ngành giáo dục nhưng vẫn đảm bảo chất lượng GD&ĐT. Tỉnh cũng đã quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh sao cho phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, tình hình thực tế của địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ có cơ chế chính sách quan tâm đào tạo học sinh nội trú là người dân tộc thiểu số chất lượng cao; quy hoạch hệ thống trường đào tạo sư phạm; quan tâm xây dựng các phòng học bán kiên cố; tiếp tục sáp nhập để giảm sự cồng kềnh của bộ máy ngành GD, thực hiện kế toán cụm trường; phân cấp quản lý các nhà trường phù hợp. Đồng chí cũng đề nghị Bộ quan tâm áp dụng tiến bộ KHKT vào giảng dạy để nâng cao chất lượng GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, UV BCH TƯ Đảng, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT thăm và tặng phòng học Tin học cho Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ.
Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần có cơ chế chính sách khuyến khích, đưa việc sử dụng song ngữ vào cơ quan nhà nước. Cần tiếp tục đổi mới cách đánh giá học sinh đảm bảo thực chất. Việc quản lý các trường Đại học về tài chính, chất lượng cần được siết chặt; có cơ chế phù hợp cho các trường đại học phát triển.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đang tập trung quy hoạch mạng lưới, ưu tiên các trường sư phạm; các trường Cao đẳng sư phạm sẽ trở thành phân hiệu của trường Đại học, phối hợp đào tạo lại giáo viên. Quan tâm xây dựng cụm trường, sắp xếp trường và điểm trường để giảm cán bộ quản lý, tăng cường cơ sở vật chất. Về chất lượng giáo viên cần quan tâm cả kỹ năng sư phạm, phẩm chất đạo đức, quan hệ cộng đồng, tự nâng cấp kiến thức.
Đề nghị tỉnh sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên thừa; rà soát nhu cầu giáo viên các bậc học để đào tạo cho hợp lý. Tạo điều kiện cho giáo viên, quản lý tham gia bồi dưỡng đạt chuẩn, nhất là hiệu trưởng và giáo viên tiếng Anh, tin học. Chuẩn bị cho chương trình GD phổ thông mới cần quan tâm đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên. Tỉnh chủ động trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc cho kế toán và y tế trường học.
Đồng chí Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm, áp dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý để khuyến khích giáo viên tự học, sáng tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy; tăng cường giờ học kết nối. Về vấn đề đào tạo Tiếng Anh, trước tiên phấn đấu thực hiện đạt chuẩn chương trình, thiết kế chương trình phù hợp cho cán bộ có tính chất chuyên môn. Tỉnh cũng cần ưu tiên chuẩn hóa giáo viên về số lượng và chất lượng. Quan tâm thực hiện phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; đẩy mạnh giáo dục tiếng dân tộc. Việc thực hiện đổi mới giáo dục theo VNEN cần được chuẩn bị kĩ và phù hợp với điều kiện thực tế. Về vấn đề hội nhập quốc tế, tỉnh cần thực hiện có trọng điểm, khuyến khích trường tư liên kết với nước ngoài, tranh thủ mối quan hệ với Liên Bang Nga. Tỉnh cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho bậc Tiểu học, xây dựng trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn, quan tâm thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Trước đó, đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đến thăm và làm việc tại trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ.
Dương Liễu