(HBĐT) - Cơn lũ kinh hoàng quét qua huyện Đà Bắc đã hơn chục ngày nay nhưng dấu vết nó để lại thì vẫn còn hiển hiện rõ nét trên từng quả đồi sạt lở, những ngôi nhà bị vần vò dúm dó và cả trong đôi mắt lo sợ, thất thần của thầy trò các ngôi trường vùng cao. Hệ thống dẫn nước tự chảy đã bị lũ quật hỏng tan tác, hơn 200 thầy trò trường PT DTNT THCS B Đà Bắc phải chia nhau từng xô nước sinh hoạt..


Trường Mầm non xã Đoàn Kết bị lũ cuốn sập 2 phòng học và 1 nhà bếp tại điểm trường chính.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Đương, Hiệu trưởng trường PT DTNT THCS B Đà Bắc cho biết: Nhà trường hiện có 8 lớp với 200 học sinh, 100% các em học sinh đều ở nội trú tại trường. Nhà trường có 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì có đến trên 70% cán bộ, giáo viên ở nhà công vụ tại trường. Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 9 – 11/10 đã khiến cho toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước tự chảy của nhà trường bị hư hỏng. Từ đó đến nay nhà trường phải xin nước ở các hộ dân sống gần trường nhưng lượng nước chỉ đủ cho việc nấu ăn, nước cho vệ sinh cá nhân thì chia cho mỗi em chỉ được khoảng nửa xô. Mấy ngày đầu nhà trường huy động giáo viên xách nước nhưng thấy không ổn nên đã phải mua ống, xin dẫn nước từ các hộ dân về. Tuy nhiên, lượng nước các gia đình sống xung quanh đây là có hạn, thời gian tới sẽ không thể đáp ứng cho nhu cầu nấu ăn, sinh hoạt của hơn 200 con người. Ngoài việc thiếu nước thì tường bao của nhà trường cũng bị nứt, nghiêng có nguy cơ đổ sập; khu vực phía sau nhà công vụ bị sụt lún.

Cũng trên địa bàn huyện Đà Bắc, trường THCS xã Đồng Chum, trường TH&THCS xã Suối Nánh, trường PT DTBT THCS Đồng Nghê…cũng bị sạt lở kè, đổ tường bao. Và thiệt hại nghiêm trọng nhất trên địa bàn huyện Đà Bắc là Trường Mầm non xã Đoàn Kết đã bị sập do lũ cuốn 2 phòng học nhà xây và 1 nhà bếp tại điểm trường chính; đất và đá lở vào phòng học tại chi Nhạp của trường Mầm non, trường TH&THCS Đồng Ruộng.

Cùng với huyện Đà Bắc, cơ sở vật chất ngành GD trên địa bàn nhiều huyện khác cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể như huyện Kỳ Sơn bị đổ tương bao trường Mầm non Hoa Mai (xã Mông Hóa); huyện Lạc Thủy bị đổ tường bao trường TH&THCS Liên Hòa, trường THCS thị trấn Thanh Hà; huyện Kim Bôi hư hỏng một số đồ dùng đồ chơi và thiết bị bếp, bị đổ 211 m tường bao các trường TH&THCS Nam Thượng, Kim Truy, Vĩnh Đồng, Mầm non Kim Bình, Kim Sơn, Nam Thượng; huyện Cao Phong bị sạt lở 40m tường bao trường Mầm non Tân Phong; huyện Mai Châu bị tốc mái một số lớp học trường TH&THCS Tân Mai…

Khảo sát sơ bộ cho thấy cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tỉnh chủ yếu bị thiệt hại là do sạt lở đất, đổ tường bao và ngập nước. Đồng chí Bùi Văn Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy cho biết: Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện có 8 điểm trường bị ngập thuộc các xã Lạc Lương, Ngọc Lương, Đoàn Kết, Hữu Lợi, Lạc Sỹ. Tuy nhiên, do chủ động công tác ứng phó nên nước lên đến đâu thì đồ dùng, trang thiết bị dạy học được sơ tán lên đến đó nên không bị thiệt hại. Sau khi nước rút, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh, học sinh khẩn trương tiến hành việc dọn vệ sinh, đưa hoạt động dạy và học trở về bình thường. Với các trường bị sập đổ tường bao thì trước mắt rào tạm để đảm bảo an ninh. Do học sinh nghỉ học ngày 10, 11 nên phòng đã triển khai kế hoạch học bù. Đối với bậc tiểu học sẽ học bù vào thứ 7, với bậc THCS sẽ học bù vào các buổi chiều.

Cũng trong đợt mưa lũ vừa qua, do mưa lớn kéo dài, đất sạt lở vào nhà làm sập tường nhà lúc các em đang ngủ nên em Hà Công Triều (học sinh lớp 8, trường TH&THCS Phúc Sạn, huyện Mai Châu) đã bị đất đá vùi lấp tử vong; 2 em học sinh khác bị thương. Trong vụ sạt lở núi tại xóm Khanh, xã Phú Cường có 1 em học sinh lớp 4 trường Tiểu học xã Phú Cường bị vùi lấp tử vong.

Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngành đã khẩn trương triển khai công điện khẩn, việc công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai của UBND tỉnh đến các đơn vị trực thuộc. Chỉ đạo các nhà trường chủ động biện pháp phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương các sự cố. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học, quan tâm đến các trường có học sinh nội trú, bán trú. Đối với các trường hợp học sinh tử vong và bị thương, Sở đã đến chia buồn, thăm hỏi, động viên. Đối với các nhà trường, Sở chỉ đạo khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường. Đối với các trường bị thiệt hại nặng, Sở đang tổng hợp, xem xét, tham mưu và phối hợp xây dựng, sửa chữa.


                Dương Liễu


Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục